Vừa phạt lại tái phạm

Có lẽ chưa bao giờ thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (thực phẩm chức năng) lại nở rộ như hiện nay. Người tiêu dùng như bước vào ma trận với hàng loạt quảng cáo “lên mây” trên các website, nền tảng mạng xã hội.

Đáng lưu ý, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng sử dụng bác sĩ, nhân viên y tế hay người nổi tiếng để quảng cáo các nội dung thổi phồng công dụng.

Qua phản ánh của người tiêu dùng, qua công tác hậu kiểm và báo chí, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm pháp luật về quảng cáo, song có nghịch lý phạt vài hôm trước, hôm sau lại vi phạm.

Riêng trong 2 ngày 8/12 và 10/12, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi hơn 10 thông cáo, cảnh báo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vi phạm quảng cáo. Trong đó công ty Phát Đạt (địa chỉ: Tầng 4, Tòa nhà Viet Tower, số 01 phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) vừa bị phạt 25 triệu đồng vi vi phạm quảng cáo sản phẩm Trường Xuân Vương hôm 24/11, lại tiếp tục tái phạm.

Bộ Y tế khẳng định, nội dung quảng cáo sản phẩm Trường Xuân Vương không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1022/2020/XNQC-ATTP ngày 2/3/2020.

Hay sản phẩm Đường huyết hoàn Halifa, chỉ trong vòng hơn 4 tháng, Cục An toàn thực phẩm phát đi 3 thông báo sản phẩm này vi phạm quảng cáo khi thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh

Hàng loạt sản phẩm khác khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng làm việc với doanh nghiệp chịu trách nhiệm công bố, phân phối sản phẩm nhưng các đơn vị này phủ nhận sạch trơn rằng không có liên quan đến các website Cục An toàn thực phẩm đưa và không chịu trách nhiệm nội dung trên các trang này.

Đơn cử như công ty công ty TNHH Phân phối Phát Việt chối bỏ việc quảng cáo 2 sản phẩm Sapril Collagen 2G và MR.Z210MG trên các website; Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Altai Sibiri không thừa nhận là chủ sở hữu website quảng cáo không đúng sản phẩm Cao ban long Sibiri…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết, tình trạng này rất phổ biến, khiến các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian trong việc truy tìm, xác minh và xử phạt.

Hiện nay, nhiều sản phẩm dù là một nhưng trên thị trường có tới 4-5 đơn vị sản xuất, phân phối, đến khi sản phẩm quảng cáo “láo”, có tình trạng các bên đều đổ lỗi vòng quanh khiến cơ quan chức năng khó xử phạt hoặc hoặc bị phạt “vòi” này vẫn còn “vòi” khác để tiếp tục rao bán.

{keywords}
Cục trưởng An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong từng được gọi mời mua thực phẩm giảm cân không phép ngay trong cuộc họp. Ảnh: T.Hạnh

Theo ông Phong, các sản phẩm thực phẩm chức năng bị quảng cáo thổi phồng như thuốc chữa bệnh thường xuất hiện nhiều trong các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, bệnh xương khớp, giảm cân, nam khoa....

Ông Phong cho rằng có hơn 90% quảng cáo thực phẩm chức năng qua mạng xã hội không đúng sự thật.

"Qua thanh tra, kiểm tra thực tế và qua báo chí phản ánh, Cục ATTP đã làm việc với cơ quan chức năng, Bộ thông tin - Truyền thông, đại diện Facebook để xử lý những sai phạm này, song thực trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp”, ông Phong nêu.

Có sản phẩm quảng cáo ghi dược sĩ, bác sĩ tư vấn nhưng thực tế qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dược sĩ, bác sĩ đó không có kiến thức về dinh dưỡng, thậm chí chỉ là sinh viên mới ra trường, chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học.

Cần nâng mức phạt để dẹp quảng cáo ‘láo’

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vi phạm quảng cáo áp dụng theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ 20/10/2018.

Theo đó Điều 23 của Nghị định 115 ghi rõ, phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có nội dung khuyến cáo: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;

- Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

Ngoài xử phạt hành chính, các đơn vị vi phạm sẽ phải buộc thu hồi, tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm đã phát hành; buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin.

Sau hơn 3 năm Nghị định 115 đi vào thực tiễn, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm, trong đó hầu hết các cơ sở vi phạm đều bị phạt tiền từ 25-50 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp vừa nhận trát phạt đã tiếp tục tái phạm. Do đó nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt từ 5-70 triệu đồng vẫn ở mức thấp, cần có chế tài mạnh tay hơn để dẹp nạn quảng cáo “quá đà” công dụng của các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết, từ nay đến cuối năm và trong năm 2022, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, các địa phương sẽ đẩy mạnh xử lý các vi phạm quảng cáo, đặc biệt quảng cáo thực phẩm năng.

Để nhận diện vi phạm quảng cáo, ông Phong cho hay nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo, như: Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y để quảng cáo sai hoặc quá sự thật; dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng; quảng cáo thực phẩm chức năng khẳng định chữa dứt điểm bệnh…

Thúy Hạnh