“Khi các bạn trẻ Việt  lớn lên, họ không còn cầm trong tay cuốn truyện tranh nữa, nhưng nội dung tư tưởng của cuốn truyện vẫn song hành trong đời sống của họ.”

CHUYÊN ĐỀ TRUYỆN TRANH VN
Việt Nam chưa có một nền truyện tranh
(Bài 3)
Trẻ em thoải mái đọc truyện tranh 18+?
(Bài 2)
Chưa đến 1% truyện tranh ở VN có xuất xứ Việt 
(Bài 1)

Phóng viên VietNamNet tiếp tục trò chuyện với anh Hoàng Minh Quân - đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng – đơn vị xuất bản có truyền thống lâu đời về ấn phẩm dành cho thiếu nhi; chị Phan Thị Mỹ Hạnh – GĐ công ty Phan Thị - công ty duy nhất tại VN chỉ sản xuất truyện tranh Việt; và Nguyễn Thành Phong – họa sĩ đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi “Liên hoan Truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á” cuối tháng 8/2011 tại Trung Quốc.


Bộ truyện Danh tác VN bao gồm: Tắt đèn, Giông tố, Chiếc lược ngà, Chí Phèo

“Không thể tránh khỏi thẩm mĩ manga”

Truyện tranh Việt mang phong cách manga khiến nhiều người bức xúc, anh nghĩ sao về hiện tượng này?

- Hoàng Minh Quân: Hiện nay trên thị trường vẫn có những bộ truyện tranh như vậy. Đầu tiên, cũng phải thông cảm cho tác giả trẻ, đặc biệt là 8X đời cuối. Họ bị ảnh hưởng quá sâu bởi phong cách manga. Họ đã lớn lên với truyện tranh Nhật Bản, với Thủy thủ mặt trăng, Doraemon... Cuối những năm 90, sau năm 2000... truyện tranh Nhật Bản tiếp tục giữ vai trò là dòng truyện tranh mạnh nhất tại thị trường Việt Nam.

Nhìn nét vẽ của các họa sĩ 5X, 6X, 7X… có thể thấy sự ảnh hưởng của manga là không có. Bởi họ không tiếp xúc với những hình ảnh đó, nên tuyệt đối không bị ảnh hưởng. Sự ảnh hưởng nếu có thì là của phong cách Âu Mỹ - một dạng phong cách cũng rất điển hình với những tác phẩm như “Marvel” hoặc “Avenger” (Mỹ), hoặc các tác phẩm truyện tranh Bỉ như “Tin Tin”, “Spirou”.

Như vậy hiện tượng "chị Dậu trông giống nữ sinh Nhật" là không thể tránh khỏi?

- Hoàng Minh Quân: Điểm mấu chốt ở đây, là bởi các họa sĩ trẻ đã xem quá nhiều truyện tranh Nhật Bản, họ bị ảnh hưởng bởi tính thẩm mĩ "tiêu chuẩn", thấy vẽ như thế là đẹp. Họ tin "mắt to, môi chúm chím" là đẹp. Nền văn hóa các nước Châu Á cũng có nhiều điểm chung, nên kiểu đẹp của thiếu nữ Nhật cũng làm "hài lòng" thẩm mĩ của người Việt. Người Việt Nam nói chung cũng thích mắt to, miệng nhỏ thật, chứ không giống kiểu môi dầy gợi cảm của Âu Mỹ.

- Nguyễn Thành Phong: Tôi không phản đối cách vẽ đó. Vì bản thân nhóm tác giả B.R.O cũng đã nói họ làm như vậy để cách dẫn chuyện được gần gũi với bạn đọc. Nếu họ sử dụng phong cách Châu Âu chẳng hạn, thì có lẽ sẽ khó được đón nhận.

Họa sĩ Nguyễn Thành Phong - tác giả truyện tranh

Luôn cần thời gian để mỗi họa sĩ tự hình thành nên một phong cách riêng cho mình. Như nhiều người đã thấy qua triển lãm truyện tranh lần 3, dần dần họa sĩ trẻ VN sẽ thoát khỏi phong cách manga. Về nét vẽ, có thể thấy họ không còn bị ảnh hưởng bởi nó nữa.

Phong cách vẽ có quan trọng không, xin được hỏi họa sĩ Thành Phong?

- Nguyễn Thành Phong: Thật ra phong cách vẽ cũng quan trọng. Trong bối cảnh VN, người đọc đã rất quen với kiểu vẽ nhân vật đẹp lung linh kiểu manga Nhật, vì thế họ có sự đòi hỏi chất lượng hình ảnh phải chau chuốt tương đương thì mới chấp nhận.

Nét vẽ chiếm yếu tố quan trọng trong việc thu hút độc giả ban đầu. Với những bộ truyện dài, phong cách đi vào ổn định và quen thuộc rồi, thì dần người ta không chú ý đến nét vẽ nữa, mà câu chuyện và nhân vật mới là quan trọng.

“VN không có trường đào tạo người viết kịch bản”

Nhắc đến khâu kịch bản, có vẻ như đây là điểm yếu của các sản phẩm văn hóa đặc thù tại VN?

- Phan Thị Mỹ Hạnh: Có một sai lầm “kinh điển” về truyện tranh. Khi nói tới truyện tranh người ta chỉ chú trọng họa sĩ mà không chú trọng tới người viết truyện. Đó là một sai lầm lớn khi không đưa tầm quan trọng của người viết kịch bản lên, nên giờ không có trường đào tạo người viết kịch bản, dù đã có trường Mỹ thuật cho họa sĩ. Trong nội bộ công ty, tôi phải có những buổi đào tạo, chia sẻ hàng tuần về viết kịch bản cho cả nhân viên cũ và mới.

- Hoàng Minh Quân: Một lần nữa, phải liên tưởng đến những nền truyện tranh khác. Ở Nhật Bản hay ở Bỉ, bên cạnh một số ít các họa sĩ vừa có khả năng xây dựng kịch bản, vừa vẽ tranh tốt, thì thị trường này đã được chuyên nghiệp hóa đến từng khâu.

Họ có người viết kịch bản riêng. Người viết này không phải là một nhà văn chuyên viết truyện chữ cho thiếu nhi "lấn sân", mà phải là một người viết kịch bản truyện tranh chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, người vẽ truyện tranh cũng hoàn toàn chuyên nghiệp, chứ không phải một người vẽ minh họa chuyển nghề. Họ chuyên môn hóa tối đa.

Ở VN, chúng ta gặp tình huống như sau: một họa sĩ vẽ khá tốt đảm nhiệm luôn cả khâu kịch bản dù anh ta không nghĩ được một cốt truyện thực sự hay; hoặc một người vẽ nhàng nhàng nhưng có ý tưởng về câu chuyện và nhân vật. Sản phẩm của chúng ta khi thì thiếu cái này, khi thì hụt cái kia.

Mô hình Phong-Dương là một điểm sáng: Nguyễn Thành Phong chuyên vẽ, Nguyễn Khánh Dương chuyên viết kịch bản. Chúng ta nhận thấy ngay kết quả tốt hơn, đặc biệt so với các bạn trẻ mới chỉ có-năng-khiếu-vẽ nhưng lại đảm nhiệm cả khâu kịch bản và vẽ truyện.

- Nguyễn Thành Phong: Thời điểm đó tôi vừa vào ĐH, bản thân việc sáng tác một mình có một số điểm hạn chế.  Khi hợp tác với Dương, tôi phải hình dung ra cả một quá trình dựa trên kịch bản, nó giống như công việc của một đạo diễn, một nhà quay phim, tạo ra sự liền mạch như những thước phim. Có những tính toán về nhân vật, góc quay, dẫn dắt câu chuyện. Thực ra khi hợp tác, tôi còn tham gia cả vào phần kịch bản.

Hiện tại với những dự án dài cần đầu tư, tôi vẫn muốn hợp tác với những người viết khác - còn với truyện tranh ngắn, tôi thường tự làm nội dung.

Chính phủ có nhiều việc phải làm

Hiện nay người ta đang nói nhiều đến truyện tranh cho người lớn?

- Nguyễn Thành Phong: Vẫn còn những định kiến xã hội với truyện tranh, thậm chí khá là mạnh. Đó là "truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi".

Cần một chiến lược cho thị trường truyện tranh VN nói riêng, và văn hóa đại chúng nói chung - nhất là khi chúng được tiếp cận và yêu thích bởi một số lượng lớn độc giả tuổi thiếu niên và trưởng thành.

Hiện tại tôi không đọc nhiều truyện tranh nữa, chuyển sang đọc sách nhiều hơn. Nhưng tôi có nhu cầu và muốn được đọc những truyện tranh phù hợp với lứa tuổi của mình – những tác phẩm có nội dung trưởng thành và sâu sắc hơn, cho phép mình tiếp cận nhiều vấn đề trong cuộc sống hơn.

Cách vẽ truyện tranh người lớn có thể chỉ khác biệt một chút, cái khác nhiều hơn là ở nội dung. Tôi hình dung nó sẽ giống như văn học thôi. Không nhất thiết toàn là biếm họa chính trị hay truyện thiên về hình ảnh sex như ở thị trường Nhật Bản. Nó sẽ nói về những vấn đề mà người lớn quan tâm, như: gia đình, cuộc sống, xã hội, nhận thức về những điều xung quanh ta.

- Phan thị Mỹ Hạnh: Thị trường truyện tranh cho người lớn phải nói là một thị trường rất hấp dẫn mà Nhật Bản đang hướng vào. Hiện tại gần như họ đã bỏ ngỏ thị trường truyện tranh trẻ con. Thị trường này chỉ là quá khứ do tỉ lệ trẻ em  Nhật Bản rất thấp, phụ nữ Nhật không chịu kết hôn. Điều này làm sản sinh ra các truyện hentai, yaoi.... để đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của nam giới. Họ làm truyện tranh kiểu đó trước hết phục vụ cho người Nhật, vì xã hội của họ như vậy.

Trước đây một số NXB Việt Nam cũng mua các loại truyện này về, vẽ thêm quần áo hoặc bôi đen hình ảnh sex ... nhưng mạch câu chuyện thì không thể nào xóa được. Nên trẻ em cũng bị tiếp cận với loại truyện đó. Nhưng cơ quan có chức năng đã xử lý thế nào?

Đăng lên báo chí việc thu hồi thật hoành tráng truyện tranh ABC nào đó - nhưng cứ như việc đánh trống bỏ dùi. Sau việc công bố thu hồi thì sách đen vẫn nhan nhản ở các điểm bán và cho thuê. Việc đăng báo thu hồi vậy mà hay, tiếp tay quảng cáo cho những loại truyện tranh đen ấy  để các bạn trẻ lùng sục mua, mướn. Và NXB đơn vị cấp phép vẫn tồn tại vẫn tiếp tục sai phạm đều đều.

Nếu có thị trường truyện tranh cho người lớn, chắc chắn sẽ phải tính đến sự xuất hiện những yếu tố nhạy cảm. Lúc đó cơ quan quản lý nên  làm gì?

- Phan Thị Mỹ Hạnh: Nếu xuất hiện thị trường truyện tranh cho người lớn thì việc đầu tiên là rating phải được làm nghiêm khắc và chặt chẽ.

- Nguyễn Thành Phong: Các nhà quản lý cần phải thay đổi và nếu cần thiết thì xây dựng một bộ đánh giá (phân loại) mới. Nếu không họ sẽ bóp nghẹt sự phát triển của ngành, kiềm chế sức sáng tạo của người làm.

Thực ra trong tương lai gần, tôi không có nhiều hy vọng vào sự thay đổi trong kiểm duyệt, kiểm soát văn hóa ở VN. Tuy nhiên tôi vẫn mong những người giữ nhiệm vụ đó sẽ có một cái nhìn cởi mở hơn, nhờ vậy mới có thể giúp sự sáng tạo phát triển.

Là một người chuyên làm truyện tranh Việt Nam, cũng có nghĩa là đang xây dựng một “lá chắn văn hóa” và khích lệ sáng tạo trong nước. Chị có nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ về chiến lược cũng như ưu đãi kinh doanh?

- Phan Thị Mỹ Hạnh: Cho đến giờ, tôi không nhận được sự hỗ trợ gì của Chính phủ.

GĐ công ty Phan Thị - chị Phan Thị Mỹ Hạnh
Tôi hoàn toàn thông cảm vì Chính phủ còn rất nhiều việc phải lo họach định điều chỉnh những  chính sách vĩ mô để “làm giàu” cho đất nước. Nhưng bằng trách nhiệm của một công dân Việt Nam tôi rất mong Chính phủ hãy nghĩ rộng hơn cụm từ “làm giàu” và cần có những “chính sách đúng đắn, sâu sát”, để tất cả mọi tổ chức cá nhân có thể “làm giàu” một cách có văn hóa - và đặc biệt - cùng nhau làm giàu văn hóa Việt, sáng tạo Việt.

Vì truyện tranh là một nhu cầu, một xu hướng đang được những người trẻ yêu thích nên các NXB, các công ty tranh nhau kinh doanh và nhập siêu, thậm chí chấp nhận thay đổi thói quen đọc sách truyền thống của cả quốc gia bằng câu chuyện “đọc ngược”.

Món hàng kinh doanh này làm giàu cho họ và đóng góp ngân sách nhà nước. Đây là tài năng kinh doanh, đây là công trạng, nhưng còn nhiệm vụ "gác cổng" cho xuất bản thì vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Nhưng hơn 30 năm qua văn hóa Việt Nam đã không được làm giàu trong tư tưởng thế hệ trẻ thì ai chịu trách nhiệm?

Hình như Chính phủ và Bộ Văn hóa không thấy được điều này. Và vì thế, họ càng có điều kiện thuận lợi để nhập siêu nhiều hơn nữa.

Xin cảm ơn các anh chị!

Trả lời phóng viên VietNamNet, Jean-Claus,  họa sĩ nổi tiếng của nền truyện tranh Bỉ cho biết: “Trước đây ở Bỉ cũng có suy nghĩ cho rằng truyện tranh làm ảnh hưởng khả năng đọc truyện chữ, nhưng quan niệm này đã thay đổi.

Người ta thấy truyện tranh kích thích trí tưởng tượng thông qua cách kể chuyện bằng hình ảnh, màu sắc. Từ khuôn hình này sang khuôn hình kia, độc giả phải tưởng tượng về âm thanh, “chuyển động ẩn” rất nhiều.  Một điều thú vị nữa, đó là độc giả truyện tranh lúc nhỏ cũng là độc giả truyện chữ trong tương lai
”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – GĐ Thaihabooks nhận định: “Đọc truyện tranh rất nhanh. Chỉ 15' là xong một cuốn, đọc xong lại háo hức chờ cuốn khác. Điều này cũng có mặt tốt là tạo ra thói quen đọc sách - dù là sách ít chữ.

Truyện tranh sẽ ngày càng bán chạy, thu hút nhiều công ty sản xuất truyện tranh, sẽ có cả công ty nước ngoài  nhập cuộc.

Nhưng hiện nay truyện tranh Nhật Bản nhập vào VN lại yêu cầu giữ nguyên cách đọc ngược. Cá nhân tôi phản đối điều này. Đó là cách đọc của người Nhật, không phải của Việt Nam. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến văn hóa đọc của người Việt Nam


  • Hồ Hương Giang (thực hiện)