Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 17 giờ chiều 12/9, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới, ghi nhận 14 trường hợp tử vong; 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.

Tổng số tiền chi trả bồi thường thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.

Tính đến chiều ngày 11/9/2024 Bảo hiểm PVI đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người). 

Con số này đã tăng đột biến khi tính đến sáng 9/9 mới chỉ ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng.

Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên, Bảo hiểm PVI khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.

Một “ông lớn” bảo hiểm khác là Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, tính đến 12/9/2024 đã tiếp nhận 692 vụ tổn thất với tổng bồi thường ước tính 950 tỷ đồng sau gần 6 ngày kể từ cơn bão số 3. Doanh nghiệp đang khẩn trương triển khai công tác giám định và phương án tạm ứng bồi thường cho các thiệt hại nghiêm trọng.

Hiện Bảo Việt đang tập trung vào các loại hình bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa. 

CancauMipecHP.jpg
Cần cẩu tại cảng Mipec, Hải Phòng đổ sập do chịu tác động của bão Yagi - công trình đã được mua bảo hiểm. Ảnh: THP.

Trong khi đó, Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO cho hay, tính đến ngày 10/9/2024 theo thống kê chưa đầy đủ, bảo hiểm PJICO đã tiếp nhận trên 500 vụ tổn thất liên quan tới các nghiệp vụ xe cơ giới, tài sản, hàng hải… ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Đối với các địa bàn đang ngập sâu trong lũ như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang… số liệu về thiệt hại vẫn chưa thể thống kê.

Trong khi đó, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cho biết, tính đến 9h ngày 10/9 đã ghi nhận gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. 

Tổng số tiền bồi thường được BIC ước tính gần 200 tỷ đồng, số liệu thiệt hại vẫn đang được tiếp tục cập nhật.

Tại Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI), tính đến chiều ngày 9/9 đã ghi nhận trên 400 vụ tổn thất trên các nghiệp vụ tài sản, hàng hải và xe cơ giới, số tiền bồi thường ước tính hàng trăm tỷ đồng. 

Trong khi đó, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cho biết, tính đến ngày 8/9, bảo hiểm BSH ghi khoảng 120 vụ tổn thất về tài sản – kỹ thuật – hàng hải; hơn 250 vụ tổn thất về xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 6 người bị mất tích sau cơn bão Yagi.

Ông Đoàn Kiên – Tổng Giám đốc BSH cho biết doanh nghiệp đã huy động tối đa lực lượng giám định viên và cán bộ chuyên môn trên toàn hệ thống làm việc hết công suất để phục vụ khách hàng. 

Để đảm bảo công tác bồi thường được nhanh chóng, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng lưu ý với khách hàng ngay sau khi xảy ra sự cố, thông báo cho công ty bảo hiểm qua điện thoại, email, hoặc các kênh liên lạc chính thức phù hợp các thông tin ban đầu như: Địa điểm xảy ra sự cố, mô tả ngắn gọn về thiệt hại; ảnh chụp hiện trường thiệt hại ban đầu (nếu có). 

Giám định viên của công ty bảo hiểm hoặc Đơn vị giám định được chỉ định sẽ tiếp cận hiện trường để trao đổi chia sẻ thông tin, kiểm tra hiện trường đánh giá tổn thất đồng thời kết hợp hướng dẫn khách hàng cung cấp hồ sơ chi tiết.

Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 92/CĐ-TTg tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.