- Phiên khai mạc Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 diễn ra tại Tuyên Quang sáng 9/9/2011 đã chứng kiến nhiều tham luận sôi nổi, phong phú với góc nhìn đa dạng của các nhà văn đến từ nhiều thế hệ.
Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 8 diễn ra từ ngày 7 đến ngày 11/9/2011 tại Tuyên Quang đã hội ngội 112 cây bút thế hệ sinh sau năm 1975. Đây được coi là thế hệ nối tiếp của thế hệ các cây bút lão thành cách mạng, cũng như được đặt nhiều kì vọng trong sự phát triển văn học mới của nước ta sau thời kì đổi mới.
Đoàn Chủ tịch Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8
Thành phần nhân sự Đoàn Chủ tịch Hội nghị sau họp trù bị chiều 7/9 bao gồm: Chủ tịch Hội nghị - nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Phú, Niê Thanh Mai (dân tộc Ê đê), Trương Anh Quốc, Mai Thị Hồng Tươi (dân tộc Tày).

Chứng kiến sự phát triển rầm rộ và mang nhiều tính tự phát của văn học trẻ, diễn văn phát biểu của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh tỏ ra sâu sát và mang tính định hướng với tư duy và cách nghĩ trong việc cầm bút. Ông cho biết, sự hy vọng của thế hệ đi trước dành cho lớp nhà văn trẻ là rất lớn. "Đến giai đoạn này, năng khiếu phải trở thành tài năng, đam mê phải trở thành bản lĩnh, bản năng phải biến thành công việc tự giác hoàn toàn. Nếu ai đó nghĩ rằng viết văn là công việc bình thường, thì giờ đây đã phải hiểu rằng, viết là công vịêc khó khăn vô cùng. Đã đến lúc phải chăm lo cho sức khoẻ tài năng bằng vốn sống của mình. Thế hệ trẻ nên hiểu rằng, để bảo hiểm cho tài năng chính là thái độ sống đúng đắn. Nếu thoát ly đời sống, thì bao nhiêu tài năng cũng chưa đủ".

Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc diễn văn khai mạc Hội nghị, ông nhấn mạnh, thứ để bảo hiểm cho tài năng là chính thái độ sống đúng đắn của các nhà văn trẻ.
Tham luận "Mỗi nhà văn trẻ hãy là một thợ lặn giỏi" của nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ (tác giả cuốn "Sát thủ online") - thượng uý tại Tổng cục chính trị Trung ương - người đã có 2 năm công tác tại Trường Sa nêu ra một hướng đi có tính cốt lõi trong nghề viết - đó là việc phải kinh nghiệm sống của những nhà văn trẻ. Người viết cần "lặn" vào cuộc sống như một thợ lặn giỏi, và thậm chí là một thợ lặn đa năng. Không chỉ có khả năng lặn dưới biển sâu của mảng kiến thức, đời sống, mà còn phải có khả năng tìm ra những sản vật cho mình ở ngay cả những vũng lầy. Người viết cần lặn vào cuộc sống, phải có những chuyến đi của riêng mình là tự làm đầy kho dữ liệu - thậm chí là những tư liệu thấm máu.

Là một trong những đại diện của thế hệ nhà văn trẻ, Nguyễn Xuân Thuỷ chia sẻ "thế giới thông tin là một món quà của thời đại cho các nhà văn trẻ, một điều kiện thuận lợi mà các thế hệ hệ trước không có được, vì vậy họ cần phải gạn lọc được những gì cần thiết cho quá trình sáng tạo của mình".

Một trong những nhà văn trẻ nhất của Hội nghị lần này, Phạm Phú Uyên Châu (Mergi Phạm) sinh năm 1991 lại có một tham luận đầy cá tính và đam mê mang tên "Tôi viết và nghĩ". Uyên Châu chia sẻ, cô viết không phải để nổi tiếng hay để được lăng xê, mà trước hết là để được viết để bày tỏ suy nghĩ của chính bản thân mình, để cảm thấy nhẹ lòng. Trên con đường cầm bút, Uyên Châu cũng tìm kiếm việc ghi lại thực tại, những mơ ước, suy nghĩ của mình, hạnh phúc của mình một cách thành thực nhất có thể. Cô gái 19 tuổi nghĩ rằng, những dằn vặt như thể "Tôi là ai?" "Hạnh phúc là gì?" không hẳn chỉ là câu hỏi suốt đời, mà sự dằn vặt này cũng là để mở rộng nhận thức, và cũng là một dạng của hạnh phúc. Uyên Châu nói "văn chương phải là sự cân bằng với các câu hỏi và văn chương mang lại hạnh phúc, chính là khi con người tìm thấy hạnh phúc cho mình"

Nhà văn trẻ Phạm Phú Uyên Châu - sinh năm 1991, đại biểu Huế
Tham luận của Phạm Phú Uyên Châu đã gây nhiều ngạc nhiên cho các đại biểu cũng như khách mời với sự mới lạ và cách thức tư duy có xu hướng triết học của cô gái Huế. Uyên Châu mới phát hành tiểu thuyết "Giám đốc và em".

Có mặt cùng với các nhà thơ, nhà văn trẻ, dịch giả tiếng Trung - Nguyễn Thuý Ngọc tỏ ra là một cây bút dày dặn, có kinh nghiệm và trách nhiệm trong nghề viết. Bản tham luận mang nhiều tính chia sẻ về nghề dịch thuật của cô cho ngưoiừ nghe thấy được sự nỗ lực hoàn thiện không ngừng về khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng như trách nhiệm với mỗi bản dịch tới tay độc giả của Thuý Ngọc. "Phải thuần thục cả ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ đích. Tác phẩm dịch là một sản phẩm được sáng tạo lại, sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ một cách nhuần nhuyễn".

Đại diện cho thế hệ lý luận phê bình trẻ, đại biểu Hoàng Đăng Khoa (sinh năm 1977 - Quảng Bình) đã trình bày một tham luận có tính khái quát cao "Phê bình trẻ: tồn tại hay không tồn tại". Anh chỉ ra những ngóc ngách khá chi tiết trong văn hoá đọc, văn hoá viết, trong nhận định, thưởng thức và phê bình của văn học trẻ. Đứng trong mối quan hệ đa chiều giữa người đọc - người viết trẻ - nhà phê bình trẻ, sự phát triển đa dạng và phức tạp của sản phẩm văn học đòi hỏi phê bình trẻ phải vào cuộc, đóng vai trò hướng đạo và phê bình đối với độc giả. Hoàng Đăng Khoa đã bắt mạch khá sát, thông minh, cập nhật và cũng đưa ra những yêu cầu, trách nhiệm cao đối với chính mình và lớp thế hệ người viết văn hiện tại.

Nhà lý luận phê bình trẻ Hoàng Đăng Khoa
 
Tham luận của 12 nhà văn, nhà thơ, dịch giả và cả các nhà lý luận, phê bình trẻ cho thấy quá trình tham gia đa dạng của họ với những đề tài khác như Phát triển văn học dân tộc thiểu số (đại biểu Lý Hữu Lương - đoàn Quân đội), "Các cây bút dậy thì và trách nhiệm văn chương" - đại biểu Biên Di (Gia Lai), Một số đề xuất với Ban văn trẻ của Hội nhà văn - đại biểu Nguyễn Quang Hưng.

Chia sẻ tại Hội nghị, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh cũng dành cho những cây bút trẻ những lời chân tình và nhiều hy vọng. Hội nghị sẽ tiếp tục phiên thứ 2 vào chiều ngày 9/9. Sang ngày 10/9, hai hội thảo chuyên đề "Thơ trẻ - dòng chảy và công chúng" và "Văn trẻ - nhận diện và phát triển" sẽ được tiếp tục triển khai và làm việc với sự góp mặt của 112 đại biểu hiện đang có mặt tại Tuyên Quang.

Hồ Hương Giang