Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa công bố “Sách trắng về phòng, chống thiên tai năm 2022”. Theo thống kê trong năm 2022, nước ta có 7 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 4 cơn bão (số 2, 3, 4, 5) ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta (34/63 tỉnh, thành phố) làm 31 người chết, mất tích (do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão).
Thiệt hại ước tính do bão, mưa lũ sau bão gây ra khoảng 8.735 tỷ đồng (chiếm 44,8% tổng giá trị thiệt hại trên cả nước). Trong đó, 2 cơn bão số 4 và số 5 đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền khu vực miền Trung nước ta gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản.
Đặc biệt là cơn bão số 4 (Noru) được đánh giá đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua (RRTT cấp 4) kể từ khi cơn bão Xangsane năm 2006 đổ bộ trực tiếp vào thành phố Đà Nẵng và cũng là cơn bão gây thiệt hại lớn nhất về kinh tế so với các cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Theo đó, ngày 23/9, áp thấp nhiệt đới hoạt động ở phía Đông đảo Lu-dông (Philippines) mạnh lên thành bão (tên quốc tế Noru). Rạng sáng 28/9, bão đổ bộ vào khu vực giữa Đà Nẵng đến Quảng Nam, đi sâu vào đất liền các tỉnh, thành phố Trung Trung Bộ và suy yếu thành ATNĐ.
Bão Noru (bão số 4) đổ bộ vào đất liền nước ta khu vực từ thành phố Đà Nẵng đến tỉnh Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 13 và gây mưa lớn tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị - Quảng Ngãi, hoàn lưu sau bão tiếp tục gây mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó tại tỉnh Nghệ An đã có mưa lớn diện rộng gây lũ, ngập lụt, đặc biệt xảy ra sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại huyện Kỳ Sơn.
3 công điện của Thủ tướng Chính phủ được ban hành về việc ứng phó với cơn bão, hàng loạt công điện, văn bản của Ban chỉ đạo quốc gia gửi các tỉnh, thành phố cũng được phát đi.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo tăng cường công tác trực ban 24/24h phòng, chống bão, mưa lớn từ ngày 24/9 đến 2/10 với 267 lượt cán bộ tham gia trực.
Văn phòng Ban chỉ đạo cũng thường xuyên trao đổi với các Bộ ngành và đôn đốc các địa phương, nắm bắt tình hình ứng phó như: kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền; rà soát, cập nhật phương án ứng phó, đặc biệt là phương án sơ tán dân, khách du lịch vùng nguy cơ cao ảnh hưởng của bão, nguy cơ mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; xác định các trọng điểm bao gồm: Trực tại Ban Chỉ đạo tiền phương, Trực tổng hợp tại Văn phòng thường trực và trực chuyên môn tại các đơn vị như: Trực thông tin, truyền thông; Trực thông tin thiên tai quốc tế; Trực đê điều; Trực điều hành liên hồ chứa; Trực cơ sở dữ liệu; Trực văn thư, hành chính, hậu cần.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo sẵn sàng 244.768 cán bộ, chiến sỹ, 2.921 phương tiện ứng trực; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với ngành thuỷ sản, chính quyền địa phương kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn 57.840 tàu/299.678 người di chuyển tránh trú bão; tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu; bắn pháo hiệu tại 33 điểm ven biển.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của các Bộ ngành, từ Trung ương đến địa phương đã hạn chế thấp nhất tổn thất do bão gây ra. Cụ thể, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị - Bình Định đã sơ tán dân ứng phó với bão và đảm bảo an toàn cho tổng số 108.441 hộ/340.863 người .
Tỉnh Nghệ An đã kịp thời sơ tán, đảm bảo an toàn cho các hộ dân khu vực sạt lở đất, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn nên đã hạn chết thấp nhất thiệt hại về người.
Về tàu thuyền, đảm bảo an toàn 57.840 tàu/299.678 người từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu, đảm bảo an ninh trật tự và. phòng, chống cháy nổ. Đảm bảo an toàn 721 tàu vận tải (285 tàu biển và 436 phương tiện thủy nội) trong khu vực quản lý của các cảng vụ từ Thanh Hoá - Bình Thuận.
Các địa phương cũng đã tiến hành gia cố lồng bè, di dời người trên 20.712ha và 4.571 lồng, bè (Thừa Thiên Huế 2.000; Quảng Nam 1.110; Quảng Ngãi 161; Bình Định 1.300).
Với sự vào cuộc ứng phó quyết liệt, khẩn trương, từ sớm, từ xa nên thiệt hại đã được giảm thiểu ở mức tối đa (không có người chết do bão).
Từ những kết quả này, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai rút ra kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, ứng phó với bão. Thứ nhất, phải cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm (bão, lũ quét, sạt lở đất) là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão nên không để thiệt hại trên biển.
Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng, chống bão kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, chủ động xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống bão phù hợp tình hình, thường xuyên tổ chức diễn tập, cập nhật, hoàn thiện và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình tình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Thứ năm, thông tin thông suốt, toàn diện, đầy đủ, hướng dẫn kịp thời để các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân chủ động ứng phó.
Thứ sáu, các địa phương đã phát huy tinh thần chủ động, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hay hoang mang, mất bình tĩnh trong ứng phó thiên tai. Các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã chủ động, bản lĩnh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, kinh nghiệm, hiểu biết của mình, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của nhân dân với tinh thần đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để ứng phó với thiên tai.
Thứ bảy, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; không để người dân đánh bắt cá, vớt gỗ và các hoạt động ở khu vực nước chảy xiết; cảnh báo sớm đến người dân ở khu vực thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn, nhất là các vị trí đã xảy ra trong những năm trước đây sẽ giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.