Chiều nay (23/9), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó bão số 6.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các điểm cầu: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm. Ảnh: N.Hà |
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, lúc 16h, vị trí tâm bão cách bờ biển Bình Định khoảng 130km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 140km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 160km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 220km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Từ tối và đêm nay, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6-8, vùng sát biển có gió cấp 6-7, có nơi cấp 8, giật cấp 10.
Từ đêm nay đến ngày 24/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và giông với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.
Từ ngày 24-25/9, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Lũ thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định lên mức báo động (BĐ)1 và trên BĐ1, hạ lưu các sông ở Hà Tĩnh còn dưới BĐ1; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Gia Lai lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông ở Kon Tum lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.
Với kịch bản mưa lũ trên sẽ có khoảng 32 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt; 29 huyện có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực BCĐ quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 15h, số lượng tàu trong vùng nguy hiểm là 21 tàu (Đà Nẵng 5 tàu; Bình Định 5 tàu; Quảng Ngãi 11 tàu). Các tàu đều nắm được thông tin và tiếp tục di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.
Các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã cấm biển.
Đại tá Trần Thái Bình, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các lực lượng tuyến biển và biên giới chủ động xây dựng phương án phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là ở những nơi trong các cơn bão vừa qua có dấu hiệu mất an toàn cao để chủ động phối hợp với các địa phương phòng tránh.
Các đơn vị hiện nay đã sẵn sàng có thể huy động cũng như các phương tiện tàu thuyền và con người thường trực ứng cứu khi có điều động.
Phải bám sát tình hình
"Bão số 6 là cơn bão được hình thành ngay trên Biển Đông, có những diễn biến bất thường, vì vậy phải bám sát tình hình", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay.
Ông lưu ý, khu vực bão đổ bộ cũng là những nơi đang có dịch bệnh Covid-19, điều này đòi hỏi công tác phòng, chống bão kết hợp phòng chống dịch để bảo đảm thiệt hại của thiên tai là thấp nhất.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: N.Hà |
Trước dự báo đêm nay hoặc sáng mai bão sẽ đổ bộ, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị bám sát từng giờ, trực liên lục, có những dự báo chính xác, thông tin kịp thời để người dân nắm được.
Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương thông tin kịp thời để tàu thuyền còn đang trên biển về bờ và vào khu vực tránh bão.
Các địa phương tập trung sắp xếp chỗ ở kết hợp với việc test nhanh Covid-19 cho thuyền viên, để tránh việc phát sinh ổ dịch khi về nhà. Chuẩn bị phương án di dân thật tốt ở những khu vực nguy hiểm.
“Phòng, chống bão trong tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp đòi hỏi không được chủ quan, phải rất căn cơ, sơ sẩy có thể thiệt hại gấp nhiều lần so với tình hình bình thường mà không có dịch bệnh”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Hương Quỳnh
Bão số 6 đi nhanh, giật cấp 10, miền Trung có nơi mưa trên 300mm
Tốc độ di chuyển của bão số 6 nhanh, dự báo chưa đến 24h tới bão sẽ vào bờ. Từ chiều nay đến ngày mai, từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa rất to.