Bà Ninh Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Tin tức cho biết: Trên các sản phẩm báo của Báo Tin tức, từ nhiều năm nay, tỷ lệ thông tin, tin bài liên quan đến phổ biến, tuyên truyền, phân tích, nhận định, phản hồi phản biện… về chính sách luôn chiếm tỷ lệ không dưới 30% tổng lượng nội dung của báo, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Trong đó, đáng chú ý là hàng ngàn thông tin phổ biến, cập nhật chính sách mới mỗi năm về mọi lĩnh vực của toàn bộ hệ thống chính trị; các bài và tuyến bài chuyên biệt phản ánh hoạt động đưa chính sách vào đời sống; các bài tư vấn, phân tích, phản biện, tổng hợp chính sách…
Thông tin liên quan chính sách, triển khai chính sách thường được lồng ghép vào tin, bài trong các chuyên mục, chuyên trang: “Chính sách mới”, “Chính sách và Cuộc sống”, “Vấn đề hôm nay”, “Góc nhìn”… trên cả báo điện tử baotintuc.vn lẫn báo giấy Tuần tin tức.
Nhiều diễn đàn trao đổi, phản biện về các chính sách cụ thể đã được triển khai trên báo điện tử để rộng đường dư luận; tạo sự kết nối giữa người làm chính sách, thực thi chính sách với người thụ hưởng chính sách...
“Với đầy đủ các loại hình thông tin báo giấy, báo điện tử, báo hình, chúng tôi đã chủ động tận dụng thế mạnh này để chuyển tải truyền thông chính sách một cách đa dạng, phong phú nhất có thể; tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, tránh khô cứng, khó tiếp cận”, bà Nga nhấn mạnh.
Các tác phẩm tuyên truyền chính sách không chỉ còn là các bài phản ánh dạng text mà được “thay áo mới”, thể hiện qua các loại hình đa phương tiện, tích hợp hình ảnh, đồ họa, clip, phỏng vấn, các bài mega story hay các talk show, phóng sự hình… tạo ra sự hấp dẫn, giúp bạn đọc dễ tiếp cận các vấn đề về chính sách.
“Bên cạnh đó, thông tin về chính sách còn được đưa lên các trang mạng xã hội, fanpage của Tòa soạn. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng các bài ghi nhận trong cuộc sống liên quan đến tác động, thực thi chính sách, có sự phản ánh từ dưới lên (ý kiến người hưởng thụ chính sách) đồng thời với ý kiến từ trên xuống (từ các nhà quản lý, hoạch định chính sách), góp phần tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong thực thi chính sách, tạo sự đồng thuận từ nhiều phía”, bà Nga cho biết thêm.
Qua trải nghiệm thực tiễn, Tổng Biên tập Báo Tin tức lưu ý: Các cơ quan báo chí ngày càng chú trọng, chủ động, sáng tạo trong công tác truyền thông chính sách. Thế nhưng, về phía các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, có vẻ như sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ này ở nhiều bộ ngành còn yếu ớt. Nhận thức của nhiều địa phương, cơ quan hành chính về công tác này còn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là trong công tác cung cấp thông tin, giải thích thông tin chính sách cho các cơ quan báo chí còn thiếu chủ động, linh hoạt, sáng tạo; chưa được chuẩn bị tốt, đầy đủ, kịp thời; chưa có chiến lược tuyên truyền bài bản trước, trong và sau khi ban hành chính sách; thậm chí có nhiều nơi còn né tránh, thoái thác, cung cấp qua loa cho có hoặc chỉ có ý kiến khi có sự vụ xảy ra…
“Phóng viên của chúng tôi khi đi tác nghiệp, nhất là về những bất cập trong xây dựng và thực hiện chính sách thường gặp nhiều khó khăn, bị từ chối cung cấp thông tin là thường xuyên; hiếm khi được cơ quan chức năng chủ động cung cấp, giải thích thông tin… Phần lớn phóng viên phải dựa vào ý kiến của các chuyên gia độc lập. Điều này dẫn đến nhiều khi đáng lẽ thông tin của các cơ quan báo chí chính thống là thông tin định hướng, dẫn dắt dư luận thì lại phải “nhường chỗ” cho các trang mạng xã hội “dắt mũi” dư luận trước”, bà Nga tâm tư.
“Thủ tướng Chính phủ từng nói: “Muốn truyền thông mà các bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông”. Trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn như hiện nay, việc không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí không phải là việc làm đúng đắn và khôn ngoan, nếu như chưa muốn nói đây chẳng khác gì hành động “tự sát” trước dư luận mà nếu không xử lý kịp thời thì rất có thể dẫn khủng hoảng truyền thông và xa hơn nữa là tình trạng không đồng thuận đồng lòng trong thực thi chính sách, gây bất ổn xã hội. Đây có thể coi là một lực cản lớn mà báo chí phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ trở thành nguồn lực quan trọng về truyền thông chính sách”, bà Nga nhận định.