Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) là Hiệp định giữa các chính phủ, được thiết lập nhằm mục tiêu kiểm soát hoạt động buôn bán quốc tế mẫu vật của các loài động, thực vật hoang dã một cách bền vững, đảm bảo rằng hoạt động này không làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của loài trong tự nhiên.
Sau khi trở thành thành viên của Công ước CITES năm 1994, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bài viết giới thiệu những nội dung chính của Công ước CITES và một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Việt Nam để thực thi Công ước này.
Cuối tháng 4 vừa qua, tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo đánh giá “Việc thực hiện các kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật thực thi Công ước CITES”.
Đây là một thỏa thuận quốc tế với 184 thành viên gồm các chính phủ, các nhà nước và các khu vực kinh tế nhằm đảm bảo việc thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã không đe dọa tới sự tồn vong của các loài trong tự nhiên.
Hội thảo ghi nhận nhiều vấn đề còn tồn tại, bất cập liên quan đến việc chống buôn bán động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam, nâng cao năng lực cho các lực lượng có liên quan và củng cố các nỗ lực về giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ cho những tác động lâu dài hay những đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường thực thi Công ước CITES.
Tại Việt Nam, nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã như sừng tê giác, vảy tê tê hoặc ngà voi là rất lớn, và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự sinh tồn của các loài động vật này trên toàn thế giới.
Năm 2019, hơn 9 tấn ngà voi đã bị hải quan Đà Nẵng thu giữ, đây là vụ thu giữ lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay. Trong vài tháng gần đây, hơn 600kg ngà voi đã bị thu giữ tại Cảng Hải Phòng, 500kg ngà voi bị thu giữ tại Cảng Lạch Huyện và hôm 20/3 lại có thêm 7 tấn ngà voi bị thu giữ tại Cảng Hải Phòng.
Trong vòng 12 tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, hơn 90% quảng cáo trực tuyến cho các sản phẩm từ tê tê là về việc sử dụng vảy tê tê làm thuốc. Nhu cầu này có nguy cơ khiến tê tê, bao gồm cả hai loài ở Việt Nam, bị tuyệt chủng.
Những thông tin trên cho thấy, Việt Nam vừa là điểm trung chuyển, vừa là điểm đến của những hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nên Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật về bảo vệ, quản lý động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm, loài được ưu tiên bảo vệ, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường sau khi thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này đã kiến nghị sửa đổi các Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời đề nghị Chính phủ cần sửa đổi các quy định trong các văn bản dưới luật, tránh chồng chéo cũng như phân rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực thi công ước.
Nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, TRAFFIC đã kết nối và phối hợp với các đơn vị thành viên trong cơ quan Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành và các chuyên gia quốc tế để tập trung tăng cường nỗ lực bảo vệ và quản lý động, thực vật hoang dã và đưa ra các biện pháp can thiệp hiệu quả để giảm cầu.
"Với khung pháp lý về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã có thể nói là vững chắc trong khu vực, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để có những hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an, số vụ phát hiện, xử lý liên quan đến động vật hoang dã các năm gần đây cho thấy lực lượng công an đã nỗ lực rất nhiều trong phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Cụ thể từ năm 2018 đến tháng 6/2022, trong tổng số 1.708 vụ việc phát hiện, lực lượng Công an đã khởi tố hình sự 460 vụ án với 574 bị can, xử lý hành chính 1.070 vụ, hiện đang tiếp tục điều tra, xử lý 178 vụ.