Cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột gần 40 km, theo tuyến QL 27, buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk được xem là nơi duy nhất trên Tây Nguyên còn nghề làm gốm cổ của người M’nông Rlâm – là nghề từng rất hưng thịnh. Đến nay, trải qua nhiều đời, vẫn còn nhiều người M’nông giữ gìn nét độc đáo của nghề truyền thống này cho dù chỉ còn khoảng 10 nghệ nhân tâm huyết với nghề để giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Theo các kết quả sưu tầm, nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, trong các nhóm người dân tộc M’nông thì chỉ có nhóm M’nông Rlăm là có truyền thống nghề gốm lâu đời. 

Người dân ở buôn Dơng Bắk không biết nghề gốm nơi đây có từ khi nào, chỉ biết rằng từ xa xưa lắm, hầu hết các gia đình xung quanh buôn làng mình đều gắn bó với nghề nhào nặn đất sét này. Cứ thế, đời này truyền lại cho đời sau với những “bí quyết” tạo nên nét đặc sắc riêng của nghề gốm mà không nơi nào có được…

gomco.png

Để chế tác đồ gốm theo cách cổ xưa, những nghệ nhân người M’Nông R’lâm phải sử dụng loại đất sét được lấy ở nơi có nước sạch thì khi nung đất mới không bị nứt, bể. Đất sét được đánh nhuyễn, không pha trộn.

Kỹ thuật làm gốm của đồng bào khá độc đáo, nhất là kỹ thuật chế tác. Gốm cổ của người M’nông không dùng bàn xoay mà được nặn bằng tay và di chuyển xung quanh vật để tạo dáng, dùng đá đánh bóng, rồi lấy que tre để tạo hoa văn. Thân cây, cái chày, thanh tre, cọng đót, hòn sỏi, mảnh vải... đều có thể dùng làm công cụ chế tác gốm. 

Quy trình sản xuất gốm cổ gồm nhiều công đoạn. Nguyên liệu để chế tác đồ gốm là loại đất sét được đánh nhuyễn, không pha trộn, được lấy ở Đak Sang (tức là nơi có nước sạch) thì khi nung đất mới không bị nổ, gốm của người M’nông không dùng bàn xoay mà được nặn bằng tay và di chuyển xung quanh vật để tạo dáng, dùng đá đánh bóng, dùng một que tre để tạo họa tiết hoa văn rồi đem phơi khô.

Sau khi đã khô, sản phẩm gốm được nung lộ thiên khoảng 30 phút. Khi lớp củi trên cùng gần cháy hết người ta bắt đầu lấy ra và tạo màu cho sản phẩm bằng vỏ trấu và mùn cưa. Đồ gốm được làm nhiều nhất là chén, bát, ấm, ché chum, nồi chảo, các con vật như voi, hổ, trâu bò…

Từ khi gốm công nghiệp phổ biến, nơi đây, chỉ còn khoảng 4 hộ dân còn giữ nghề làm gốm cổ, đa số là phụ nữ. 

Để bảo tồn nghề làm gốm cổ, gần 10 năm trước, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã từng phối hợp với chính quyền địa phương mở lớp dạy làm gốm cho thanh thiếu niên và giới thiệu sản phẩm gốm Yang Tao với các đơn vị du lịch. Từ đó, có những đoàn khách du lịch ghé thăm làng gốm để trải nghiệm, mua gốm làm quà lưu niệm. Gốm Yang Tao cũng được tạo điều kiện tham gia trưng bày tại các kỳ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Festival gốm Thanh Hà - Hội An.

Mới đây nhất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp UBND huyện Lắk tổ chức lớp truyền dạy và thực hành nghề làm gốm thủ công của người M'nông. Lớp học được tổ chức từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tham gia lớp học có 20 học viên là phụ nữ dân tộc M'nông trên địa bàn xã.

 Hiện nay, trên địa bàn cũng đã hình thành một số điểm du lịch theo mô hình cộng đồng và có nhiều đoàn khách ghé thăm làng gốm. Chính quyền xã cũng định hướng kết nối các điểm du lịch với làng gốm tạo thành tour du lịch.

Vân Anh và nhóm PV, BTV