Đồng bào dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều, Pa Kô mang họ Bác Hồ sinh sống chủ yếu ở những bản làng miền núi ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị.

Văn hóa phi vật thể của đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị rất phong phú, đa dạng. Trong đó, nhạc cụ chiếm vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tâm tư, tình cảm sâu sắc, thay lời muốn nói của con người đến với con người, con người đến với thần linh, vạn vật xung quanh.

Đặc biệt, nhiều loại nhạc cụ của người Vân Kiều, Pa Kô góp phần làm cho lời ca, tiếng hát của đồng bào nơi đây bay bổng, thêm hay, thêm đẹp. Mỗi loại nhạc cụ để phục vụ một lễ hội khác nhau. Nếu như trong tục đi sim, người Bru Vân Kiều, Pa Kô sử dụng đàn Ta lư và sáo Khui thì trong lễ tế thần linh, lễ tang phải có thanh la, chiêng, trống; mừng lúa mới phải có nhạc cụ xa rờ; lễ cúng cầu hồn phải có sáo pi… 

anh man hinh 2024 03 07 luc 193108.png
Đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, Pa Kô còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc. 

Trong đó, Ta lư là một loại nhạc cụ tuy đơn giản về hình thức nhưng rất đẹp về ý nghĩa khi sử dụng. Không rõ đàn Ta lư xuất hiện từ khi nào nhưng với đồng bào Bru Vân Kiều, Pa Kô, đây là loại nhạc cụ gắn bó như máu thịt. Nguyên bản của đàn Ta lư rất nhỏ gọn, đơn giản. Đàn được tạo nên bởi một đoạn tre già, chắc, to bằng cổ tay người lớn, khoét thông 2 ống và khoét một mặt trên thân tre tạo lỗ phát âm sao cho cân đối giữa hai bên đầu ống tre.

Ngày nay, đàn Ta lư được cải tiến bền, thẩm mỹ hơn so với trước đây. Đàn được làm bằng một loại gỗ tốt, bề ngoài hình dáng gần giống đàn ghi ta nhưng nhỏ hơn và chỉ có hai dây, tiếng nhạc vẫn giữ được êm ái, trong trẻo.

Cũng như đàn Ta lư, khèn bè được người Bru Vân Kiều, Pa Kô sử dụng khá phổ biến trong sinh hoạt thường ngày. Vật liệu làm khèn chủ yếu bằng cây nứa nhỏ, già, thẳng, cứng nhằm tạo cho khèn bền, bóng đẹp. Cấu trúc chính của khèn gồm 14 ống tre xếp lại thành 7 cặp có độ dài khác nhau, gắn kết với nhau bằng sợi mây và một cái “lưỡi gà” tạo âm. Lỗ thoát hơi của khèn được làm ở giữa thân ống. “Lưỡi gà” được làm bằng đồng bạc cũ hoặc đồng nguyên chất. 

Ngoài 2 loại nhạc cụ đặc sắc trên, người Bru Vân Kiều, Pa Kô còn chế tác, sử dụng nhiều loại nhạc cụ độc đáo phục vụ đời sống tinh thần như kèn trĩl, sáo khui, sáo pi, sáo tà ring, kờng, amam, đàn pơ lửa, Abel, Achung, tro, pr-tểng, mprểh, pa-tâl, a-pôông, kâl-tôôk, areng, ng-koái, ng-kong, kr-tưưng...

Mỗi nhạc cụ của người Bru Vân Kiều, Pa Kô dường như được mang một sứ mệnh riêng. Các dịp quan trọng như đám cưới, mừng lúa mới, lễ tạ ơn các vị thần linh, kết nối giao duyên đôi lứa hay gặp gỡ giữa các dòng họ lâu ngày không gặp thì vai trò của nhạc cụ lại càng không thể thiếu. Nhạc cụ cũng chính là cầu nối con người xích lại gần nhau hơn, bỏ qua thù hận, gắn kết cộng đồng.

Văn Dương và nhóm PV, BTV