Quảng Ngãi có đồng bào Ca Dong, Cor, Hrê sinh sống tại 5 huyện miền núi. Mỗi dân tộc có vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng góp phần làm cho kho tàng văn hóa truyền thống của vùng cao tỉnh Quảng Ngãi giàu có, phong phú.

Đó là những làn điệu dân ca Ta lêu, Kachoi da diết của người Hrê, những thanh âm độc đáo của cây đàn Kađác, kèn Amáp của người Cor, tiếng chiêng rền vang núi rừng hay những điệu múa đặc trưng của đồng bào Ca Dong… 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, giao thoa văn hóa diễn ra sôi động như hiện nay, để bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số không bị mai một, các cấp, ngành, địa phương và bản thân mỗi người dân phải chủ động, có ý thức nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Trang phục của đồng bào Cor

Thời gian qua, cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước được địa phương triển khai hiệu quả, các huyện tỉnh Quảng Ngãi đã có chuyển biến. Một số mô hình sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc đã và đang được phục dựng, như Khu bảo tồn văn hóa Cor tại huyện Trà Bồng; Khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ); Trung tâm Bảo tồn văn hóa Hrê tại huyện Sơn Hà... Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế và du lịch cộng đồng.

Nhằm phát huy hiệu quả Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, chính quyền xã Ba Thành đã phối hợp với đoàn thanh niên và cộng đồng người Hrê địa phương tổ chức sinh hoạt, truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê cho thanh niên. Đồng thời, quảng bá, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Huyện Ba Tơ đã tổ chức hàng chục lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, đánh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào. Qua việc truyền dạy của các nghệ nhân cao tuổi, nhiều nam, nữ thanh niên Hrê đã thuộc các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình, biết đánh chiêng 3, chiêng 5 và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống. 

Với huyện miền núi Trà Bồng, thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa dân tộc Cor", các giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc Cor đã được phục hồi, giữ gìn, phát huy. Toàn huyện Trà Bồng có khoảng 300 bộ chiêng, riêng thôn 2, xã Trà Thủy có gần 100 bộ chiêng. Nghệ thuật cồng chiêng của đồng bào Cor được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2019.. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã phục dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào Cor như lễ ăn trâu, lễ mừng lúa mới, lễ ngã rạ...

Ở huyện Sơn Hà- nơi dân tộc H’re chiếm hơn 82% dân số, Nghị quyết chuyên đề 03 của huyện ủy về bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc H’re gắn với du lịch cộng đồng đã đuộc ban hành năm 2021. 

Thống kê chưa đầy đủ, người dân ở huyện Sơn Hà đang lưu giữ hơn 1.000 bộ cồng chiêng. Nghệ nhân ưu tú Đinh Văn Bôn ở xã Sơn Trung có một “bảo tàng” thu nhỏ. Hơn 10 năm qua, ông Bôn miệt mài sưu tập những giá trị văn hóa của dân tộc H’re. Hơn 100 hiện vật đã được sưu tầm. Mỗi hiện vật là một câu chuyện văn hóa, là linh hồn dân tộc H’re gìn giữ lại. 

Hiện nay, tại huyện Sơn Hà, bước đầu các khu bảo tồn văn hóa H’re để phục hồi, phục dựng các nhà sàn. Bên cạnh đó địa phương cũng tạo điều kiện cho bà con DTTS học hát các bài dân ca dân vũ cổ truyền cùng với việc khôi phục các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát.

Bảo Phùng, Giao Linh, Huyền Sâm, Hoài Thanh, Phùng Thuỷ