Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, biển là một không gian liên thông, tài nguyên biển có tính chia sẻ, có nhiều đối tượng cùng khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên cùng một không gian, vì vậy, nếu không có sự điều phối hợp lý, việc khai thác tài nguyên biển có thể dẫn tới suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, phá hoại các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Để đảm bảo ngăn chặn các tác động xấu của việc khai thác tài nguyên biển, cần phải có một phương thức quản lý biển hợp lý. 

anh bai 11.jpg
Phương thức quản lý biển tốt nhất là quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái.

“Cho đến nay, phương thức quản lý biển tốt nhất đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới là phương thức quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái. Bản chất của phương thức quản lý này là đảm bảo việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển để phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Phương thức quản lý này đòi hỏi phải hài hòa lợi ích các bên liên quan trong khai thác, sử dụng, quản lý, bảo vệ tài nguyên và phòng chống thiên tai biển”, Phó giáo sư – Tiến sĩ Vũ Thanh Ca chia sẻ.

Cũng theo ông Ca, đại dương thế giới là một hệ sinh thái biển lớn (LME), nơi mà nhiều loài sinh vật biển có thể di cư theo mùa, và các chất ô nhiễm biển có thể được dòng chảy biển vận chuyển trên toàn bộ diện tích của nó. Do vậy, xu thế nghiên cứu biển hiện nay trên thế giới là các nhà khoa học tại nhiều quốc gia đã xây dựng và vận hành nhiều chương trình nghiên cứu khoa học biển trên quy mô khu vực hoặc toàn thế giới có sự tham gia của nhiều quốc gia.

Ở Việt Nam, Tổ chức Điều phối các biển Đông Á (COBSEA) đã xây dựng dự án Đảo ngược xu thế suy thoái môi trường Biển Đông và vịnh Thái Lan. Các hợp phần của dự án bao gồm điều tra, đánh giá và khôi phục các hệ sinh thái quan trọng, bảo vệ các đàn cá di cư, xác định các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu. 

Một trong những chủ đề nghiên cứu đang được coi là tâm điểm hiện nay là xây dựng các cộng đồng biển và vùng bờ biển bền vững. Những nội dung cụ thể bao gồm cơ chế tài chính để hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xanh, khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, tác động của đại dịch tới kinh tế biển và đời sống người dân rất lớn, và vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn rất lớn về nguồn tài chính cho nghiên cứu biển. Điều đó đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực để đầu tư tốt hơn cho các hoạt động nghiên cứu biển. 

Mặt khác, trong những năm qua, đã có xu thế phát triển mạnh mẽ các nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và diễn biến của đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản biển cũng như mối liên hệ giữa đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản biển với khai thác thủy sản và ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các nghiên cứu về các đặc trưng vật lý, hóa học và sinh vật biển tại các độ sâu lớn đang được triển khai thực hiện nhờ sử dụng các thiết bị lặn và đo đạc tự động cũng như các tàu ngầm có người và không có người. Xu hướng này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

Bên cạnh xu hướng nghiên cứu để phục vụ khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và vùng bờ biển, trên thế giới hiện nay đang có xu hướng nghiên cứu để phục vụ các ngành kinh tế đặc biệt. Một thí dụ rõ nhất là về công nghệ nuôi biển. Hiện nay, tốc độ khai thác hải sản biển trên thế giới đang vượt nhiều so với sức chịu tải của các biển và đại dương. Do vậy, nhu cầu nuôi biển để gia tăng nguồn thủy sản trở nên rất cấp bách. 

Tuy nhiên, “ngoài không gian dành nuôi trồng thủy sản gần bờ hoặc trên bờ hạn chế, việc nuôi thủy sản trên bờ hoặc gần bờ sẽ dễ gây ra ô nhiễm môi trường. Nuôi trồng thủy sản xa bờ yêu cầu phải áp dụng các công nghệ mới để tránh thiệt hại do các điều kiện động lực biển như sóng, gió, dòng chảy biển gây ra. Các nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ giúp thiết kế các hệ thống nuôi trồng thủy sản xa bờ như xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giám sát và điều khiển từ xa tự động... chịu được các điều kiện sóng gió, thậm chí các điều kiện bão”, ông Ca lưu ý thêm. 

Các đánh giá về giá trị kinh tế của biển và đại dương, đặc biệt là giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái biển và đại dương đang được triển khai trên thế giới, đã hỗ trợ hiệu quả cho việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ, bảo tồn tài nguyên và các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển. Dự báo các nghiên cứu theo hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. 

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV