Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu chỉ hơn 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 1.228 tỷ đồng. Doanh thu của công ty tụt giảm mạnh trong quý này do nguồn thu chính từ chuyển nhượng đất, hàng hóa bất động sản đều bằng 0.
Về lợi nhuận, do lĩnh vực chính không phát sinh doanh thu dẫn đến quý vừa qua PDR lỗ 229 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái PDR lợi nhuận dương hơn 751 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu của PDR đạt hơn 1.500 tỷ đồng, giảm 58% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 1.169 tỷ đồng, trong khi năm ngoái con số này đạt 1.860 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2022, PDR ghi nhận doanh thu tài chính 1.227 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt chưa đầy 7 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc lãi chuyển nhượng công ty con - CTCP Địa ốc Sài Gòn KL cho bất động sản Gemini.
Về các khoản nợ, tính đến hết quý IV/2022, tổng nợ của PDR là hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 1.477 tỷ đồng so với hồi đầu năm 2022. Trong đó, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.667 tỷ đồng, tăng 1.860 tỷ đồng; dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 1.772 tỷ đồng, giảm 850 tỷ đồng so với đầu năm.
Đối với các khoản nợ vay này, phần lớn PDR vay từ các ngân hàng, thời gian đáo hạn trong vài năm tới. Tuy nhiên, tổng nợ vay trái phiếu hơn 2.500 tỷ đồng PDR phải trả trong năm 2023. Đây là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp trong năm nay.
Theo PDR, các khoản vay trái phiếu phải trả trong năm 2023 được phát hành năm 2021, thế chấp bằng hàng chục triệu cổ phiếu PDR và các tài sản liên quan đến bất động sản. Trước mắt, PDR phải đối mặt kỳ thanh toán gốc trái phiếu gần 400 tỷ đồng vào ngày 2/2/2023.
Năm 2022, cổ phiếu PDR được ghi nhận giảm khoảng 80% giá trị, từ mức đỉnh hồi tháng 3 là 69.600 đồng/cp xuống quanh mức 15.000 đồng/cp như thời điểm hiện tại.
Thị giá cổ phiếu PDR giảm mạnh trong năm 2022 khiến tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT - giảm gần 20.000 tỷ đồng.
Bất động sản năm 2023 đối mặt thách thức
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán (CTCK) VNDirect về triển vọng năm 2023, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng và sự giám sát chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất tăng mạnh trong nửa cuối năm nay cũng làm suy yếu nhu cầu mua của khách hàng.
Ngoài ra, nguồn cung mới có thể sụt giảm khi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật Đất đai sửa đổi. CTCK VNDirect đưa ra quan điểm không lạc quan về sự phục hồi của bất động sản nhà ở trong ngắn hạn. Rủi ro mất khả năng thanh toán của chủ đầu tư vẫn là mối lo lớn nhất.
Trong khi đó, báo cáo chiến lược năm 2023 vừa công bố, CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định, ngành bất động sản cả nước trong năm 2023 nhìn chung vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh lãi suất đang neo ở mức cao.
VDSC cho rằng, một số khó khăn mà ngành này có thể sẽ phải đối mặt có thể kể đến như cung, cầu một số phân khúc phục vụ mục đích đầu tư (đất nền và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng) dự báo tiếp tục giảm. Hoạt động giao dịch bất động sản cũng cho thấy dấu hiệu chững lại từ quý III/2022.
Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà hiện ở mức cao và rủi ro kéo dài trong năm tới khiến thanh khoản các dự án thuộc phân khúc đầu tư khó có sự cải thiện đáng kể.