– Dư luận đang rất bức xúc
với kiểu hành nghề của các phòng khám Trung Quốc. Điều đáng nói là đây không
phải lần đầu tiên các phòng khám này mắc sai phạm. Trước đó, nhiều phòng khám đã
bị xử phạt nhưng xử phạt xong thì đâu lại vào đó. Phải chăng cơ quan chức năng
đang bó tay với các phòng khám này?
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Y học
cổ truyền về những vấn đề trên.
>>
Đề xuất rút giấy phép hai phòng khám Trung Quốc
>>
Những “chiêu” đối phó thanh tra của phòng khám Trung Quốc
>>
Lại phát hiện phòng khám y học cổ truyền trá hình
Khâu cấp phép “có điểm bất cập”
- Xin ông cho biết tính đến thời điểm này, có bao nhiêu thầy thuốc đông y
người nước ngoài được cấp phép hành nghề y học cổ truyền tại Việt Nam? Trước khi
được cấp phép hành nghề, cơ quan chức năng của ta có kiểm tra trình độ chuyên
môn của họ hay không?
Tính đến thời điểm hết năm 2011 có 67 thầy thuốc đông y được cấp chứng chỉ hành
nghề tại Việt Nam, trong đó có 1 người quốc tịch Canada, 2 người Hàn Quốc, 1
người Pháp, số còn lại (63 người) là quốc tịch Trung Quốc.
67 thầy thuốc này hoạt động tại 17 tỉnh, thành, trong đó tập trung đông nhất ở
Hà Nội (trên 20 người) và TP HCM (trên 15 người). Số thầy thuốc này đang hoạt
động tại 17 tỉnh, thành, trong đó Hà Nội có trên 20 người, TPHCM có trên 15
người.
Bệnh nhân điều trị tại một phòng khám đông y TQ trên đường Giải Phóng (Hà Nội) bị thu tiền với giá cắt cổ và sử dụng nhiều thuốc kém chất lượng. Sự việc bị phát hiện vào tháng 9/2011 |
Trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, những văn bằng, tài liệu nước ngoài do họ cung cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch và công chứng. Các loại bằng cấp này phải phù hợp với yêu cầu của Việt Nam.
Các thầy thuốc đông y này
đều có bằng cử nhân y học cổ truyền do các trường ĐH hoặc học viện trung y của
Trung Quốc cấp, sau đó thi chứng chỉ và được công nhận là bác sĩ.
- Thẩm quyền cấp phép, quản lý đối với các thầy thuốc và các cơ sở y học cổ
truyền hiện nay được thực hiện ra sao? Khi xảy ra nhiều sai phạm như vậy, trách
nhiệm thuộc về đơn vị nào?
Trước khi triển khai luật Khám chữa bệnh (trước thời điểm 1/1/2011) thì việc cấp
phép hành nghề cho người nước ngoài và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt
động cho cơ sở y tế thuộc về các Sở Y tế.
Từ 14/112011 trở đi, việc cấp phép hành nghề cho người nước ngoài thuộc thẩm
quyền của Bộ Y tế. Còn việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho cơ sở
y tế vẫn thuộc về các Sở Y tế.
Trong quá trình hoạt động thì dù chứng chỉ do Bộ hay do Sở cấp thì việc quản lý
trên địa bàn vẫn thuộc UBND các tỉnh, thành và các Sở Y tế phải tham mưu cho
công tác quản lý. Tất nhiên là Bộ Y tế cũng phải cùng tham gia vào công tác này.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng hiện nay việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người
nước ngoài đang có điểm bất cập.
Theo quy định, chứng chỉ
được cấp một lần. Đối với thầy thuốc nước ngoài, nếu họ được cấp và hành nghề
liên tục tại Việt Nam thì không sao nhưng nếu họ nghỉ, về nước một thời gian rồi
lại sang và lại hành nghề trở lại thì việc kiểm soát xem thực sự họ có hành nghề
không là rất khó khăn.
Quảng cáo: Duyệt một đằng, đăng một nẻo
- Hiện nay Sở Y tế TP HCM đã có báo cáo cụ thể nào về các sai phạm xảy ra tại
các phòng khám đông y Trung Quốc chưa, thưa ông?
Về phía Thanh tra Bộ thì tôi không nắm rõ nhưng Vụ Y học cổ truyền thì chưa nhận
được báo cáo nào.
Kiểm tra phòng khám TQ tại TP HCM (Ảnh: Thanh Huyền) |
- Nhiều ý kiến cho rằng
việc các phòng khám “nhờn thuốc”, không sợ bị phạt là bởi có sự bao che, “báo
trước” mỗi khi thanh tra. Hiện nay, công tác thanh tra chưa mang lại hiệu quả
như kỳ vọng. Ông đánh giá gì về những nhận định này?
Không biết có chủ quan hay không nhưng tôi đánh giá là không có bao che hay báo
trước. Nếu thực hiện kiểm tra đột xuất thì cũng phải có lý do. Việc kiểm tra
cũng rất khó vì không thể thực hiện liên tục được. “Cánh tay” của họ không thể
nối dài, vươn tới mọi ngóc ngách được.
Hiện nay, cán bộ thanh tra phải đóng giả làm bệnh nhân mới phát hiện được sai
phạm. Thanh tra mà đi thành đoàn thì không phát hiện được.
Ngoài ra, mức xử phạt hiện nay có thể chưa đủ mức răn đe nên các phòng khám cứ
tái phạm.
- Một trong những lý do quan trọng khiến các phòng khám này dù sai phạm vẫn
có khách kéo đến là vì các chiêu quảng cáo rất tinh vi. Khi kiểm tra hồ sơ quảng
cáo, thanh tra vẫn thấy họ đã được cấp phép nhưng thông điệp đến với bệnh nhân
lại hoàn toàn khác. Theo ông, cần xử lý tình trạng này thế nào?
Giữa nội dung quảng cáo được Sở hay Bộ Y tế phê duyệt với nội dung quảng cáo do
họ đưa ra hoặc đăng tải trên các phương tiện truyền thông có sự sai lệch về
thông điệp khiến người bệnh tin tưởng, kéo đến.
Theo tôi, cần có sự phối hợp giữa cơ quan thông tin đại chúng với Bộ Y tế trước
khi đăng tải các quảng cáo này.
- Xin cảm ơn ông!
Cẩm Quyên (Thực hiện)