Doanh nghiệp "tí hon" giữ ngôi vị "quán quân" về lương nhân viên
Tính đến ngày 30/4/2024, 13/15 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (BHNT) lớn nhất đã công bố báo cáo tài chính năm 2023.
Bất ngờ tại FWD Việt Nam, doanh nghiệp còn non trẻ này vươn lên để thành nơi có chế độ đãi ngộ tốt nhất cho nhân viên.
Tuy nhiên, trước tiên cần lưu ý rằng, nhân viên ở đây không bao gồm các đại lý trực tiếp bán bảo hiểm mà chỉ bao gồm những người thuộc bộ phận “back office” - khối hành chính văn phòng.
Cụ thể, chi phí lương và các chi phí liên quan bình quân trong năm 2023 tại FWD lên tới 1,41 tỷ đồng/người, tương đương trung bình 118 triệu đồng/người/tháng.
FWD Việt Nam cũng là doanh nghiệp tinh gọn nhất hiện nay khi chỉ có vỏn vẹn 66 nhân sự tại thời điểm 31/12/2023 (con số đầu năm là 100 người).
Đứng thứ hai về chi phí lương và các chi phí liên quan cho nhân viên là “ông lớn” Prudential Việt Nam, với mức chi bình quân 913 triệu đồng/người/năm, tương đương 76 triệu đồng/người/tháng.
Prudential cũng là doanh nghiệp đứng thứ hai về số lượng nhân sự (sau Dai-ichi Life) với 1.688 cán bộ nhân viên tại ngày 31/12/2023. Do vậy, doanh nghiệp bảo hiểm đến từ Anh quốc này đã phải chi tới 1.541 tỷ đồng chi phí cho nhân viên trong năm 2023.
Fubon Việt Nam đứng thứ ba về mức đãi ngộ cho nhân viên khi mạnh tay chi bình quân hơn 794 triệu đồng/người, tương đương hơn 66 triệu đồng/người/tháng.
MVI Life Việt Nam (tiền thân là Aviva Việt Nam) có mức chi gần bằng 786 triệu đồng/người, tương đương 65,5 triệu đồng/người/tháng.
MB Ageas, doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Ngân hàng MB, cũng tỏ ra mạnh tay chi cho nhân viên, bình quân 666 triệu đồng/người, tương đương 55,53 triệu đồng/người/tháng.
Sun Life Việt Nam, doanh nghiệp duy nhất báo lỗ trong năm vừa qua (lợi nhuận sau thuế âm 808 tỷ đồng) nhưng cũng rất bạo tay khi chi phí cho nhân viên lên tới 633,612 triệu đồng/người năm 2023. Mức chi này tương đương gần 53 triệu đồng/người/tháng.
Một liên doanh khác là Công ty TNHH BHNT Mirae Asset Prévoir năm vừa qua cũng đã chi hơn 563 tỷ đồng lương, phụ cấp và các khoản chi theo lương cho mỗi nhân viên, tương đương mức chi bình quân 47 triệu đồng/người/tháng.
Doanh nghiệp BHNT Chubb Việt Nam công bố mức chi bình quân cho mỗi nhân viên trong năm vừa qua là hơn 503 tỷ đồng, tương đương 42 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, mức chi trung bình cho mỗi nhân viên của Generali Việt Nam là 443 triệu đồng, tương đương 37 triệu đồng/người/tháng.
Liên doanh bảo hiểm BIDV MetLife cũng có mức đãi ngộ nhân viên là hơn 422 triệu đồng/người trong năm vừa qua, tương đương hơn 35 triệu đồng/người/tháng.
Bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife là liên doanh giữa Tập đoàn MetLife (Hoa Kỳ) với Ngân hàng BIDV và Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC).
Biểu đồ: Tuân Nguyễn.
Đứng sau BIDV MetLife về mức chi cho nhân viên là Cathay Life, chi phí 346,64 triệu đồng/người/năm, 29 triệu đồng/người/tháng
Trong khi đó, thu nhập của hội đồng thành viên và ban giám đốc (gồm 8 thành viên) của Cathay Life năm 2023 là 5,95 tỷ đồng.
Hanwha Life Việt Nam ở vị trí áp chót khi mức chi bình quân hơn 284 triệu đồng/người trong năm qua, tức 23,7 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, Dai-ichi Việt Nam đứng vị trí cuối bảng trong danh sách này với mức chi 209 triệu đồng/người, tương đương 17,423 triệu đồng/người/tháng.
Với mức đãi ngộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nói trên, có thể suy ra mức lương của nhân viên một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như FWD, Prudential, Fubon, MVI hay MB Ageas,… còn cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân nhân viên tại không ít ngân hàng hiện nay.
Nhân viên MVI Life cống hiến nhiều nhất cho công ty
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào có chế độ đãi ngộ tốt nhất cũng dẫn đầu về mức đóng góp của nhân viên đối với lợi nhuận của công ty.
Xét theo tiêu chí đóng góp bình quân của nhân viên đối với lợi nhuận trước thuế (dựa trên số lượng nhân viên và lợi nhuận trước thuế của công ty năm 2023), MVI Life gây bất ngờ khi đang dẫn đầu toàn ngành, mức đóng góp cho lợi nhuận trước thuế (LNTT) bình quân lên tới 5,023 tỷ đồng/người.
Mức đóng góp bình quân của nhân viên đối với LNTT nói trên vượt xa phần còn lại. Ngay cả với doanh nghiệp đứng thứ hai là Prudential Việt Nam thì mỗi nhân viên của doanh nghiệp này cũng chỉ đóng góp 2,25 tỷ đồng vào LNTT năm 2023.
Một số doanh nghiệp “sàn sàn” nhau về mức đóng góp của nhân viên/LNTT, từ 2,05 đến 2,2 tỷ đồng/người gồm: Mirae Asset Prévoir, Cathay Việt Nam và Chubb Việt Nam.
Biểu đồ: Tuân Nguyễn
Mức đóng góp bình quân của mỗi nhân viên đối với LNTT tại Hanwha Life Việt Nam, Generali Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam từ 1,4-1,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, FWD dù dẫn đầu về chế độ đãi ngộ nhưng nhân viên công ty này chỉ đứng thứ 9 về mức độ đóng góp bình quân của mỗi cá nhân cho LNTT, với 1,3 tỷ đồng/người.
Ở mức thấp hơn đáng kể là BIDV MetLife (597 triệu đồng), MB Ageas (354 triệu đồng) và Fubon Việt Nam (327 triệu đồng).
Xếp hạng này không tính Sun Life Việt Nam do LNTT âm.
Xét về LNTT năm 2023, Manulife Việt Nam dẫn đầu với 4.000 tỷ đồng. Prudential bám sát với mức LNTT 3.800 tỷ đồng, Dai-ichi 3.000 tỷ đồng, Cathay Life 1.700 tỷ đồng, Hanwha Life 1.000 tỷ đồng, Generali 927 tỷ đồng, Chubb Life 900 tỷ đồng, MVI Life 547 tỷ đồng, Mirea Asset Prévoir 300 tỷ đồng, MB Ageas 155 tỷ đồng, BIDV Metlife 117 tỷ đồng, FWD 86 tỷ đồng, Fubon 39 tỷ đồng, Sun Life âm 807 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp BHNT không chỉ cung cấp thông tin về doanh thu, lợi nhuận, chi phí trong năm mà còn thể hiện mức đóng góp bình quân của mỗi nhân viên cho lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, đồng thời cho thấy bức tranh về thu nhập bình quân của nhân viên các công ty BHNT tại Việt Nam. Tuy nhiên, so sánh về thu nhập của nhân viên các công ty bảo hiểm chỉ mang tính chất tương đối, bởi báo cáo tài chính không thể hiện chi tiết mức chi lương, thưởng của từng doanh nghiệp. Thay vào đó, các doanh nghiệp chỉ công bố “chi phí lương và các chi phí liên quan” cho nhân viên, bao gồm lương, thưởng, phụ cấp và các chi phí theo lương như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ốm đau, thai sản,… Điều đáng tiếc là 3 “ông lớn” thuộc tốp 5 doanh nghiệp có thị phần bảo hiểm lớn nhất Việt Nam (theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm công bố tháng 6/2023) hoặc chưa/không công bố báo cáo tài chính hoặc báo cáo không thể hiện chi tiết. Cụ thể, đối với Bảo Việt Nhân Thọ (số 1 thị phần), kết quả kinh doanh được hợp nhất với Tập đoàn Bảo Việt. Trong khi Manulife Việt Nam (số 2 về thị phần) chỉ công bố báo cáo tài chính tóm tắt nên không thể hiện chi tiết số lượng nhân viên, chi phí lương và các khoản chi khác cho nhân viên,… Tuy nhiên, báo cáo cho thấy Manulife Việt Nam là quán quân về lợi nhuận khi doanh nghiệp này đạt 4.081 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. “Ông lớn” còn lại là AIA Việt Nam (số 5 về thị phần) chưa công bố báo cáo tài chính. |