Hàng tỷ đô mua sắm

Sau một thời gian chờ đợi, ngày độc thân chính là cơ hội để các sàn thương mại điện tử “chơi lớn” dịp cuối năm trước khi cạnh tranh với ngày Black Friday và Cyber Monday của Mỹ. Chiến dịch mua sắm ngày độc thân bắt nguồn từ đại gia thương mại điện tử Trung Quốc, sau đó đã lan rộng sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Đây là dịp để các công ty kinh doanh trực tuyến thu về doanh số bán hàng tối đa khi tung ra các sản phẩm khuyến mãi cũng như chiến dịch quảng bá rầm rộ. Sau 10 năm, ngày độc thân đã trở thành ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới.

Năm ngoái, Alibaba mở màn sự kiện khuyến mại Ngày Độc thân 2019 với các màn trình diễn của ca sĩ nổi tiếng Mỹ Taylor Swift và các ngôi sao của Trung Quốc như Jackson Yee. Liên tục phá kỷ lục doanh thu, ngày Singles Day hàng năm đã trở thành "truyền thống" của Alibaba. Sàn thương mại điện tử này đạt doanh thu 268,4 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 38,3 tỷ USD), tăng 26% so với năm 2018 trong ngày độc thân.

{keywords}
Kinh doanh trực tuyến lời khủng ngày độc thân

Trên nền tảng của Alibaba, các sản phẩm phổ biến nhất trong Ngày Độc thân là quần áo và các nhu yếu phẩm hàng ngày, như sản phẩm chăm sóc da, sức khỏe và các sản phẩm dành cho trẻ em. Alibaba cho biết họ đã nhận được hơn một tỷ đơn đặt hàng một ngày trước khi lễ mua sắm bắt đầu, điều đó có nghĩa là 77% dân số Trung Quốc sẽ có một gói hàng.

Alibaba không phải là công ty duy nhất giảm giá trong ngày mua sắm trực tuyến 11/11. Vào năm 2012, đối thủ JD.com bắt đầu cung cấp giảm giá trên nền tảng riêng của mình, đạt doanh thu 23 tỷ USD trong năm 2018.

Pinduoduo - nền tảng thương mại điện tử lớn thứ ba của Trung Quốc, cũng đã tăng nhanh kể từ năm 2015. Công ty chiếm 3% doanh số của Ngày Độc thân, theo Syntun, một công ty dữ liệu thương mại điện tử Trung Quốc.

Dân Việt chờ đợi

Tại Việt Nam, ngày độc thân cũng được các đại gia thương mại điện tử tận dụng làm chiến dịch bán hàng cuối năm. Tiki, Lazada và Shopee coi ngày độc thân là mùa mua sắm lớn nhất năm với hàng loạt chương trình khuyến mại lên tới 90%.

Dù mới xuất hiện tại Việt Nam không lâu, nhưng "Ngày độc thân" 11/11 đang trở thành dịp để người tiêu dùng chờ đợi để mua sắm với giá ưu đãi và tận hưởng những hoạt động ý nghĩa dành riêng cho ngày lễ này.

Năm 2019, các sàn thương mại điện tử cũng đạt doanh thu khủng từ sự kiện này. Theo bà Lưu Hạnh, Giám đốc truyền thông Lazada Việt Nam, trong ngày độc thân, Lazada đã lập kỷ lục thế giới mới khi doanh thu đạt tới 38,4 tỷ USD, quy tụ hơn 200 thương hiệu với 1 triệu sản phẩm mới được ra mắt. Còn thống kê của Shopee cho thấy, 70 triệu sản phẩm được bán ra trong ngày 11/11. tăng gấp 3 lần số đơn hàng bán ra trong giờ đầu tiên so với năm 2018.

{keywords}
Khuyến mại rầm rộ ngày độc thân

Năm nay, các sàn thương mại điện tử cũng kỳ vọng rất nhiều vào ngày 11/11 tới. Nhìn vào hoạt động quảng bá, bán hàng trên thị trường sẽ thấy các đại gia lớn đã rục rịch khuyến mãi trước một tuần, thậm chí có trang bắt đầu "sale đạp sàn" từ đầu tháng 11 và chính thức tăng tốc trước ngày 11/11.

Đại diện Lazada tiết lộ, ngày Độc thân năm nay, gần 3.000 thương hiệu hàng đầu cam kết sẽ đưa ra những ưu đãi tốt nhất cho người dùng. Theo đó, hơn 11 triệu khuyến mãi áp dụng trên toàn sàn.

Tổng giá trị voucher giảm giá dành cho người dùng đến 22 tỷ đồng với hơn 1 triệu lượt voucher được tung ra mỗi ngày, trong đó voucher giá trị lớn nhất 1,1 triệu đồng được tung ra nhiều lượt mỗi ngày. Sàn này tiếp tục áp dụng mã miễn phí vận chuyển cho toàn bộ hóa đơn từ 30.000 đồng và áp dụng trên toàn quốc.

Tương tự, Shopee cũng tung ra chương trình sale khủng theo khung giờ và mã freeship cho đơn từ 0 đồng và mã hoàn xu, giảm giá trực tiếp, deal 1K... Trong khi đó, Tiki mang đến chương trình vạn deal hàng quốc tế với nhiều khuyến mãi hấp dẫn, từ đồ đồng giá 11K, mua 1 tặng 1, săn sale bí mật đến coupon 1 triệu... Các mặt hàng giảm giá gồm đồ điện tử, làm đẹp, hàng quốc tế, đồ gia dụng...

Ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng. Bà Phan Thu Hà - Giám đốc Chiến dịch Lazada Việt Nam - nhận xét người dùng ngày càng dành nhiều thời gian để mua sắm online.

Trong quý III, số lượng người tiêu dùng mua sắm thông qua kênh livestream trên Lazada tăng mạnh, giúp doanh thu của các thương hiệu và nhà bán hàng tăng hơn 420 lần cùng kỳ năm trước. Gần 20.000 tập livestream được thực hiện trong 3 tháng qua, tổng lượt xem tăng 1,5 lần so với quý II/2020.

Về phía người tiêu dùng, với mức giảm giá lớn, người mua đang chờ đợi cơ hội săn hàng giảm giá. Chị Hoàng Mai Lan (nhân viên văn phòng) chia sẻ “đang đợi đến dịp này để sắm một số đồ mỹ phẩm và thời trang, nhưng mức chi tiêu thì chưa rõ, còn phải xem chất lượng và giá cả”.

Khuyến mại phải đi kèm với chất lượng thì mới thực sự thu hút khách hàng. Thách thức lớn nhất của thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn là niềm tin của người tiêu dùng, thể hiện qua tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt còn cao, thích nhận hàng rồi mới trả tiền. Mỗi mùa giảm giá là một dịp để người dùng có thể "kiểm tra" chất lượng dịch vụ các sàn thương mại điện tử.

Duy Anh