Người trẻ mua nhà chục tỷ

Theo CBRE, giá trung bình tại phân khúc hạng sang đạt 6.308 USD/m2 (khoảng 158 triệu đồng/m2) trong quý IV/2019, tăng 10% cùng kỳ. So sánh với các thị trường lân cận, mức giá hiện tại của phân khúc hạng sang đã tiệm cận các thị trường phát triển trong khu vực như: Bangkok (Thái Lan) khoảng 8.500 USD/m2, Singapore là 16.000 USD/m2, Kuala Lumpur (Malaysia) gần 3.000 USD/m2, Jakarta (Indonesia) gần 4.000 USD/m2.

Với mức giá cao ngất ngưởng như vậy, mỗi căn hộ tính trung bình cũng lên tới hàng triệu đô. Song nhóm khách hàng sở hữu lại ngày càng trẻ. Theo thống kê từ giao dịch thành công của CBRE Việt Nam, sản phẩm căn hộ hạng sang được săn đón bởi cả khách trong nước (TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành lân cận) và ngoài nước.

Nhóm khách người Việt chiếm đa số với khoảng 68% lượng giao dịch, trong đó, ngày càng nhiều người mua thuộc thế hệ Y chiếm khoảng 35% dân số Việt Nam, tương đương khoảng 33 triệu người.

{keywords}
Căn hộ 300 triệu đồng/m2: Cuộc đua của giới nhà giàu

Đơn vị tư vấn này dự báo giá sơ cấp trong năm tới dự kiến tiếp tục tăng so với năm 2019. Phân khúc hạng sang sẽ duy trì tốc độ tăng giá 10% theo năm. Phân khúc cao cấp và trung cấp sẽ tăng chậm hơn do có thêm nguồn cung mới và năm 2019 đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Mức tăng giá tại hai phân khúc này dự kiến là 5% theo năm.

Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc của JLL Việt Nam, ước tính mật độ căn hộ cao cấp trên đầu người tại TP.HCM sẽ đạt mức 3 căn trên mỗi 1000 dân, gần tương đương mức ở Bangkok, Kuala Lumpur và Manila, nhưng vẫn cao hơn Jakarta.

Theo báo cáo JLL, tổng nguồn cung căn hộ đã hoàn thành tại TP.HCM và Hà Nội tính đến quý IV/2019 đạt lần lượt 201.707 căn và 224.179 căn ở tất cả các phân khúc, tương đương với tỷ lệ 17 căn hộ/1.000 người

Trong vòng hai thập kỉ tới, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số vàng. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất gia tăng, 25% dân số nằm trong độ tuổi từ 10-24, độ tuổi trung bình là khoảng 30.

Thế hệ "millennial" được kỳ vọng sẽ là tầng lớp thúc đẩy cho phân khúc nhà ở bình dân trong những năm tiếp theo, đặc biệt là tại những khu dân cư nằm gần các khu công nghiệp có kết nối thuận tiện đến các trục đường chính.

Nhóm nhân khẩu học này sẵn sàng chi trả thêm để nâng cấp lên phân khúc trung cấp, có được kết nối tốt hơn với khu vực trung tâm và các cơ sở tiện ích như trường học, bệnh viện và công viên.

Vợ chồng trẻ càng khó có nhà

Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, trong 10 năm qua, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, hiện đạt mức 23%. Theo đó, nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết.

Trong khi một vài người trẻ dễ dàng sở hữu căn hộ triệu đô thì số đông vẫn đang khó khăn khi mua nhà dù là căn hộ giá rẻ. Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, năm 2019 giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20%, cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với năm 2018. Theo HoREA, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời.

{keywords}
Mua nhà vẫn khó với nhiều người

Phân khúc căn hộ giá rẻ đã có mức tăng đột biến. Tại TP.HCM chỉ trong vòng 5 năm qua, giá nhà đã tăng 50-60%, trong khi nguồn cung nhà giá rẻ (căn hộ hạng C) sụt giảm. Cá biệt trong quý 2/2019 không có căn hộ giá rẻ nào được mở bán.

Mức tăng giá của đất nền còn "kinh khủng" hơn khi trong 5 năm qua tăng hơn 100%, có chỗ tăng hơn 200%. Giá nhà đất tăng phi mã trong khi thu nhập, lương của người lao động tăng theo không kịp.

Căn hộ hạng C người trẻ dễ mua nhất, nhưng lượng căn hộ hạng C rất ít. Nếu năm 2016 căn hộ hạng C chiếm khoảng 30% thì đến năm 2018 còn khoảng 17%, đến tháng 9.2019 gần như đã biến mất khỏi thị trường.

Theo tính toán của chuyên gia, nếu một người trẻ thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, muốn mua căn nhà khoảng 1,5 tỉ đồng thì phải tích cóp trong 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà có còn ở mức 1,5 tỉ đồng/căn hay đã tăng gấp mấy trăm phần trăm.

Theo quan niệm của người Việt, “an cư” là điều kiện và nền tảng của “lạc nghiệp”. Để chung tay giải bài toán này, tất cả chủ thể tham gia thị trường bao gồm Chính phủ, Nhà nước, các Bộ ban ngành, doanh nghiệp, chủ đầu tư và cả khách hàng.

D.Khánh