Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long vừa báo lãi lớn trong quý III, với lãi gộp gần 5,17 nghìn tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong kỳ của Hòa Phát cũng đạt gần 24,7 nghìn tỷ đồng, tăng 64% so cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hòa Phát ghi nhận doanh thu vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong 1 quý.

Lãi ròng của HPG đạt 3.772 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long lãi sau thuế 8.845 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 98% kế hoạch năm.

Một điểm đặc biệt trong báo cáo của Hòa Phát là tập đoàn này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng vọt trong mảng lĩnh nông nghiệp. Với vị thế là doanh nghiệp thép đầu ngành, Hòa Phát ghi nhận thép vẫn là mảng đóng góp chính, nhưng nông nghiệp đã vươn lên vị trí thứ 2.

Riêng mảng nông nghiệp mang về khoản lợi nhuận lên tới 1.400 tỷ đồng trong 9 tháng.

Mảng nông nghiệp ghi nhận kết quả vượt trội chủ yếu nhờ hoạt động bán lợn và bán trứng gà. Từ một “tay ngang” về nông nghiệp, giờ doanh thu Hòa Phát đã vượt cả đại gia trong lĩnh vực này là Dabaco.

{keywords}
Tỷ phú Trần Đình Long.

Hòa Phát cũng trở thành doanh nghiệp bán trứng gà nhiều nhất miền Bắc, mỗi ngày cung ứng ra thị trường 450.000 quả. Nếu hoàn thành giai đoạn 2 dự án chăn nuôi gia cầm, Hòa Phát dự kiến cung ứng gần 1 triệu trứng gà mỗi ngày.

HPG bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp từ đầu năm 2015, khởi đầu với mảng chăn nuôi và thức ăn gia súc. Công ty sau đó mở rộng hoạt động sang mảng gia cầm.

Lãi cao, doanh thu lớn nhưng vay nợ của tập đoàn này cũng gia tăng không ngừng. Tới cuối tháng 9, tổng tài sản của HPG vọt lên 117,5 nghìn tỷ đồng, nhưng vay nợ cũng tăng thêm gần 8.600 tỷ đồng trong 9 tháng lên mức gần 45,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Trong đó, vay ngắn hạn gần 24 nghìn tỷ đồng.

Cùng với kết quả ấn tượng, cổ phiếu Hòa Phát lập đỉnh sau 13 năm giao dịch, lên mức 31.400 đồng/cp như hiện tại (giá đã điều chỉnh). Vốn hóa HPG đạt hơn 104 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), nằm trong top 10 trên sàn HOSE.

Thị trường chứng khoán trong vài phiên gần đây chịu áp lực giảm nhưng một số cổ phiếu ngược dòng gồm: HPG, VIC, CTG, SAB, VPB,...

Theo BVSC, thông tin kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lộ diện và cho thấy những thông tin tích cực về lợi nhuận của các doanh nghiệp không tác động thật sự đáng kể đến diễn biến giá cổ phiếu trên sàn do các thông tin này đã phần nào được phản ánh vào giá trước đó.

Cùng với sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trụ cột, hầu hết các tỷ phú USD Việt ghi nhận tài sản tăng mạnh.

Theo Forbes, ông trùm ngành thép Việt Trần Đình Long quay lại danh sách tỷ phú thế giới một cách ấn tượng nhờ sức tăng trưởng của ngành thép trong bối cảnh kinh tế Việt Nam dần hồi phục sau đại dịch Covid-19. Ông Long có khối tài sản hiện khoảng 1,4 tỷ USD, xếp thứ 1.900 trong danh sách của Forbes.

Trong khoảng 2 tuần gần đây, giá trị tài sản ròng của các tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã tăng tới hàng trăm triệu USD như ông Phạm Nhật Vượng (VIC), Hồ Hùng Anh (Techcombank), Nguyễn Đăng Quang (Masan)...

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 28/10, chỉ số VN-Index hồi phục tăng nhẹ và hiện ở trên ngưỡng 950 điểm.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.

Theo SHS, VN-Index có thể sẽ rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 950 điểm do đây là vùng giá trước khi Covid-19 diễn ra. Những nhà đầu tư đã chốt lời các vị thế ngắn hạn quanh ngưỡng 950 điểm vào tuần trước nên đứng ngoài và quan sát thị trường, có thể cân nhắc mua vào nếu VN-Index có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 930 điểm (MA20).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, VN-Index giảm 4,33 điểm xuống 946,47 điểm; HNX-Index giảm 1,9 điểm xuống 137,13 điểm. Upcom-Index giảm 0,18 điểm xuống 63,4 điểm. Thanh khoản đạt 9,6 nghìn tỷ đồng.

V. Hà