Theo tờ Vice (Mỹ), khi nhiếp ảnh gia người Đức Christian Petersen-Clausen tới Triều Tiên vào năm ngoái, điện thoại di động vẫn là “hàng hiếm”. Tuy nhiên, năm nay, khi vị nhiếp ảnh gia này quay trở lại, điện thoại di động đột nhiên xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Christian Petersen-Clausen ngạc nhiên nói: “Dường như người nào cũng có điện thoại. Đôi khi tôi còn thấy mỗi người có tận hai chiếc”.
Theo tờ Vice, thực tế, điện thoại di động vẫn còn hiếm ở Triều Tiên, chỉ có 2,5 triệu thuê bao di động trong tổng số 24 triệu dân. Tuy nhiên, số người có điện thoại tăng nhanh là một dấu hiệu cho thấy số người giàu mới nổi của nước này đang tăng lên.
Điều đó phù hợp với nhận định của các nhà nghiên cứu về Triều Tiên trong nhiều năm qua.
Đó là, có một tầng lớp dân tương đối khá giả đã xuất hiện và có số lượng ngày càng tăng, những người này không có mối liên quan trực tiếp đến Đảng Lao động Triều Tiên. Họ được gọi là “donju”, có nghĩa là "bậc thầy của tiền bạc".
Những người này hay lui tới nơi mà người nước ngoài gọi họ là “Pyonghattan", biệt danh dành cho một vùng đất giàu có ở thủ đô Bình Nhưỡng. Nơi đây có các cửa hàng, nhà hàng và quán cà phê 24 phục vụ giờ sang trọng.
Một người đàn ông đang dùng điện thoại thông minh (smartphone) ở ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng |
Theo Michael Madden, một học giả về nghiên cứu quốc tế tại Viện Mỹ-Hàn Quốc thuộc Trường Johns Hopkins, cho hay, giới giàu có nói trên bắt đầu xuất hiện sau khi một nghị định của chính phủ Triều Tiên năm 2002 cho phép các công dân giao dịch hàng hóa và mở các doanh nghiệp.
Ông Madden cho rằng, ngày nay các donju có mối quan hệ cộng sinh với chế độ của ông Kim Jong-un. Cho đến nay, Triều Tiên đã tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lĩnh vực từ giao thông vận tải đến bất động sản.
Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế ngăn Triều Tiên nhập khẩu hàng hóa xa xỉ, nhiếp ảnh gia Petersen-Clausen cho hay, các donju vẫn dễ dàng mua các hàng hóa đắt tiền.
Ông cho biết đã nhìn thấy một vài chiếc Audi A6 mới trên đường phố, những chiếc TV màn hình phẳng và những chiếc túi xách tay hàng hiệu trong các cửa hàng bách hóa của Bình Nhưỡng.
Người đàn ông này đang có tới 2 chiếc điện thoại. |
Trong khi đó, theo tờ Washington Post, phụ nữ tại Bình Nhưỡng thích mặc quần tất và áo bó. Thương hiệu thời trang họ ưa chuộng nhất là Elle, trong khi nam giới thích đồ Adidas và Nike. Những mặt hàng thời trang của Uniqlo, Zara và H&M được dùng phổ biến.
Tại một khu giải trí tại trung tâm Bình Nhưỡng, nhiều người tập luyện trên các máy chạy bộ, tập yoga. Ở khu này còn treo nhiều màn hình hiển thị các bộ phim hoạt hình Disney.
Quán cà phê trong khu vực sang trọng ở Bình Nhưỡng có giá đồ uống tới mức từ 4-8 USD. Giá một ly cà phê mô-ca có đá là 9 USD. Trong khi đó mức lương chính thức tại Bình Nhưỡng chưa tới 10 USD/tháng.
Washington Post cho hay, một trong những thay đổi rõ ràng nhất tại Bình Nhưỡng là sự bùng nổ của hoạt động xây dựng. Nhiều tòa nhà cao tầng đã mọc lên.
Ông Kim Jong-un cũng đã cho xây các công viên giải trí, công viên nước, sân chơi ván trượt và cả khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Các sân bóng rổ và tennis luôn có nhiều thanh niên tới chơi.
Tuy nhiên, theo Petersen-Clausen, ở bên ngoài Bình Nhưỡng, mọi thứ khác hẳn, nhiều người đang phải sống rất nghèo khổ. Ông nhớ lại một lần đi qua một trang trại khi đi từ thủ đô Bình Nhưỡng đến thành phố biển Wonsan.
Ông kể: "Khi đó là vào mùa thu hoạch. Tôi thấy khoảng 30 người đang đứng thành hàng chuyển từng bắp ngô từ người này sang người khác. Đó là một công việc rất vất vả”.
Hai phụ nữ trẻ đang chăm chú với chiếc điện thoại
Cô dâu chú rể đang chụp ảnh cùng chú chó đốm giống Dalmatian.
Một người phụ nữ đang tập cưỡi ngựa tại Câu lạc bộ Cưỡi ngựa ở Bình Nhưỡng.
.
Một người phụ nữ ăn mặc sang trọng ở Bình Nhưỡng
Một người đàn ông cầm túi da vừa bước ra từ xe taxi.
Hai sinh viên đại học đang dùng máy ảnh Canon Powershot A3300
Theo nhiếp ảnh gia Petersen-Clausen, trước kia rất khó gặp một người béo như vậy tại Triều Tiên
Một người phụ nữ đang tiễn người còn lại sang Trung Quốc.
(Theo Infonet)