Nguồn tin của Báo cho hay trên chuyến bay VJ877 mới đây từ Hong Kong về Tân Sơn Nhất, một nữ tiếp viên đã phát hiện một nam hành khách người Trung Quốc có hành vi trộm đồ trên máy bay.
“Tổ tiếp viên đã nghi ngờ hành khách này ngay từ đầu nên đã để ý kỹ mọi động tĩnh. Do đó, việc khách đứng dậy và lục đồ trên cabin đã không thoát khỏi tầm mắt của tiếp viên”, nguồn tin nói và cho biết thêm ngay khi hành khách về chỗ ngồi, tiếp viên chuyến bay đã tiếp cận ngay.
Tuy nhiên, nam hành khách đã ném chiếc phong bì ra khỏi túi và nói không phải của mình. Sau đó, tiếp viên chủ động thông báo cho các hành khách khác cùng chuyến bay kiểm tra lại tư trang hành lý của mình. Hành khách Sarisoy Sedat, quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, số ghế ngồi 7D đã nhận phong bì đựng tiền nói trên là của mình và lấy lại.
Trộm cắp trên máy bay thời gian qua hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp, tinh vi và tính toán kỹ lưỡng. |
Được biết, nam hành khách trộm đồ trên máy bay tên Zhu Peng, quốc tịch Trung Quốc, số ghế ngồi 10C.Vụ việc sau đó được bàn giao cho lực lượng chức năng tại Tân Sơn Nhất để xử lý theo thẩm quyền.
Nhận định từ Ủy ban An ninh hàng không thuộc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), Văn phòng Interpol và cảnh sát sân bay của một số quốc gia khu vực châu Á cũng khẳng định trộm cắp trên máy bay là loại tội phạm có tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp, tinh vi và tính toán kỹ lưỡng trước khi hành động.
Những kẻ trộm cắp sẽ quan sát ngay từ khi làm thủ tục, lợi dụng thời điểm nạn nhân và những người xung quanh đang ngủ, tiếp viên không có mặt để lục lọi, trộm đồ trên máy bay, ở cả khoang hạng thương gia và hạng phổ thông. Các loại vali, túi xách sang trọng, đắt tiền sẽ dễ bị kẻ xấu tấn công hơn do họ cho rằng trong đó chứa đồ vật quý giá. Họ thường lựa chọn chuyến bay nội địa Việt Nam và giữa các nước Đông Nam Á - các điểm đến không yêu cầu thị thực khi đi du lịch.
Tại Việt Nam, đại diện một hãng hàng không cho biết thủ đoạn trộm cắp của một số người này ngày càng tinh vi, thậm chí có người còn đóng vai doanh nhân đi máy bay hạng thương gia để có nhiều cơ hội ra tay hơn và “miếng mồi” to hơn.
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết trong các trường hợp nhận được yêu cầu hỗ trợ của hãng hàng không về các nghi phạm nói trên, các cảng đều cử nhân viên an ninh ra tàu bay để đưa khách chuyển cơ quan chức năng xử lý.
Tuy nhiên, cũng theo ACV, việc xử lý người nước ngoài có hành vi trộm cắp tài sản hoặc nghi ngờ trộm cắp tài sản của hành khách khách trên tàu bay rất khó khăn, phải có sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan. Các nghi phạm không thừa nhận hành vi vi phạm trong khi lại không có bằng chứng, nhân chứng cụ thể.
(Theo Báo Giao thông)