Ở giai đoạn phát triển nhất, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) hoạt động trong 7 lĩnh vực gồm bất động sản, sản xuất, thương mại và dịch vụ, xây dựng, cây công nghiệp, năng lượng, khoáng sản với hơn 36 công ty con và công ty liên kết tại 5 nước Đông Nam Á.
HAGL cũng là công ty có quy mô đất nông nghiệp lớn nhất tại 3 nước Đông Dương với 42.500 ha cao su, 8.000 ha mía đường, 4.000 ha cọ dầu, 5.000 ha ngô, đàn bò hơn 43.500 con.
Bán hàng loạt khoản đầu tư để trả nợ
Năm 2014, HAGL ghi nhận 3.056 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 1.773 tỷ. Những năm trước đó, mỗi năm doanh nghiệp của ông bầu phố núi đều thu về xấp xỉ 1.000 tỷ lãi ròng từ hoạt động kinh doanh.
Từ cuối năm 2015, HAGL gặp khó khăn khi vướng vào các khoản nợ vay hàng chục nghìn tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng nhanh khiến kết quả kinh doanh của tập đoàn đi xuống. HAGL cùng bầu Đức đã phải bán đi hàng loạt mảng kinh doanh, tài sản cá nhân để cơ cấu nợ cho tập đoàn.
Bầu Đức đã phải bán đi hàng loạt mảng đầu tư quan trọng để trả lại nhưng vẫn giữ lại bóng đá dù thua lỗ. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Mía đường từng được xem là “con cưng” của bầu Đức, trước 2014. Mỗi năm mảng này đều mang lại cho HAGL xấp xỉ 1.000 tỷ doanh thu và là một trong những mảng kinh doanh lớn nhất bên cạnh cao su và bất động sản.
Tuy nhiên, năm 2017, trước áp lực nợ phải trả hơn 36.000 tỷ, bầu Đức đã phải bán đứt mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công của đại gia Đặng Văn Thành. Giá trị thương vụ được xác định khoảng 1.330 tỷ đồng, Công ty Mía đường HAGL sau đó cũng được đổi tên thành Mía đường TTC Attapeu.
Sau mía đường, mảng chăn nuôi bò sữa và bò thịt từng là “cứu cánh” của HAGL giai đoạn 2015-2016 cũng được tập đoàn chuyển nhượng. Từng đóng góp 50% nguồn thu cho tập đoàn nhưng biên lãi gộp bò thịt liên tục sụt giảm khiến HAGL phải cân nhắc tới việc chuyển hướng kinh doanh. Mảng bò sữa cũng bị tập đoàn chuyển nhượng do kết quả kinh doanh không đạt hiệu quả.
Đến năm 2018, sau cú bắt tay cùng tỷ phú Trần Bá Dương, HAGL của bầu Đức đã phải bán 35% vốn sở hữu tại HAGL Agrico (công ty nông nghiệp quan trọng nhất) cho Thaco để cơ cấu nợ.
Tập đoàn cũng phải bán đứt mảng bất động sản cho Thaco khi chuyển nhượng toàn bộ dự án Hoàng Anh Myanmar cho Đại Quang Minh (công ty con của Thaco). Bầu Đức cho biết số tiền Đại Quang Minh chi ra để tiếp quản dự án này là 8.155 tỷ. Việc tiếp quản dự án này là một phần trong kế hoạch đầu tư hơn 22.000 tỷ của Thaco vào HAGL.
Chưa dừng lại, từ tháng 6 đến nay, HAGL đã chuyển nhượng vốn 6 công ty con (cả trực tiếp và gián tiếp) trong lĩnh vực cao su và cọ dầu với tổng giá trị 7.627 tỷ. Trong đó, có 3 công ty lớn nhất trong lĩnh vực cao su của tập đoàn.
Cụ thể, tháng 6 HAGL Agrico đã bán Công ty Cao su Đông Dương, tháng 8 bán tiếp Công ty Đông Pênh, và tháng 9 bán toàn bộ vốn tại Công ty Cao su Trung Nguyên, bên nhận chuyển nhượng là Thadi (công ty con khác của Thaco).
Ba công ty cao su này chiếm tới 57% tổng giá trị danh mục đầu tư của HAGL Agrico .Trong đó, Cao su Trung Nguyên có giá trị 3.278 tỷ, Cao su Đông Dương và Đông Pênh có giá trị đầu tư lần lượt 2.184 tỷ và 1.923 tỷ đồng.
Bóng đá thua lỗ vẫn được giữ lại
Báo cáo tài chính công ty mẹ HAGL quý III cho biết, đến cuối tháng 9, tập đoàn này còn 9.688 tỷ đồng giá gốc đầu tư vào các công ty con. Các mảng kinh doanh chính là nông nghiệp, năng lượng, bệnh viện, câu lạc bộ bóng đá và quản lý bất động sản.
Trong đó, công ty mới bán toàn bộ vốn sở hữu tại Công ty Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai cho đối tác và còn đầu tư trực tiếp trong 4 mảng, nông nghiệp (HAGL Agrico và Hưng Thắng Lợi Gia Lai), bệnh viện (Bệnh viện Đại học Y dược - HAGL), quản lý khách sạn (Công ty TNHH HAGL Vientiane), và cuối cùng là bóng đá (CTCP Thể thao HAGL).
Trong số này, câu lạc bộ bóng đá là mảng duy nhất đang thua lỗ toàn bộ giá vốn.
Giá gốc khoản đầu tư tại CLB bóng đá này là 59 tỷ đồng, tương đương 51% vốn. Hiện tại, toàn bộ khoản đầu tư này đã thua lỗ và phải trích lập dự phòng 100% giá vốn đầu tư.
9 tháng từ đầu năm, HAGL lỗ hợp nhất 1.265 tỷ và phải thu hẹp hầu hết mảng kinh doanh, nhưng công ty này vẫn rót thêm hàng chục tỷ cho bóng đá.
Khoản chi phí trả trước dài hạn cho biết, HAGL đã chi 45 tỷ đồng cho hoạt động đào tạo tại Học viện bóng đá HAGL - JMG, tăng 50% so với cùng kỳ. Tập đoàn cũng ghi nhận 39 tỷ chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại học viện bóng đá đến cuối tháng 9.
Những năm trước đó, dù kinh doanh đi xuống, chi phí đào tạo học viện bóng đá luôn duy trì ở mức 40-50 tỷ/năm. Nếu tính từ giai đoạn thành lập học viện bóng đá (2007), riêng chi phí đào tạo đã ngốn của bầu Đức không dưới 500 tỷ đồng.
Ngoài các khoản đầu tư, HAGL vẫn liên tục bơm thêm tiền cho CLB bóng đá thông qua các khoản cho vay từ tập đoàn mẹ.
Trong đó, HAGL mẹ đang cho Công ty Thể thao HAGL vay gần 271 tỷ đồng, tăng 11 tỷ so với đầu năm. Khoản lãi phải thu về cho vay hơn 99 tỷ, nhưng cũng chính công ty mẹ là bên đứng ra trả hộ hơn 4 tỷ đồng tiền lãi.
Mới đây, HAGL đã công bố chuyển nhượng toàn bộ vốn sở hữu tại Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai và chấm dứt hoạt động trong mảng thủy điện, tương tự các mảng trước đó bất động sản, mía đường, chăn nuôi bò…
(Theo Zing)