Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu chùm 3 bài Bay cao khát vọng sông Hồng của nhóm tác giả Tuấn Ngọc và Quỳnh Trang. 

Bài 1: Sông Hồng, cái nôi của những vùng văn hóa

Bài 2: Dòng sông của những bản hùng ca

Bài 3: Khát vọng nơi đầu nguồn biên giới

anhbia3songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Ở 2 bài viết trước, chúng tôi đã kể những câu chuyện về sông Hồng nơi đầu nguồn biên giới tỉnh Lào Cai gắn với những giá trị về văn hóa, lịch sử làm nên bản hùng ca đáng tự hào của dân tộc. Sông Hồng nơi mảnh đất biên cương còn mang đến nhiều giá trị trong bảo tồn và giao lưu văn hóa, khai thác tiềm năng du lịch, hình thành các đô thị và tạo thành một trục kinh tế quan trọng đưa Lào Cai trở thành một trong những “cánh chim đầu đàn” của vùng Tây Bắc nói riêng, các tỉnh biên giới nói chung.

Biến di sản thành tài sản

Những chứng tích của người Việt cổ ở Lào Cai mà chúng tôi phản ánh trong bài viết trước giờ trở thành di sản vô giá mang trên mình những giá trị về thời đại, về văn hóa, về khảo cổ. Đặc biệt, sông Hồng và những đền, chùa gắn với tín ngưỡng văn hóa ngàn đời của cư dân vùng ven sông đang hình thành nên tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng, mở ra những mùa lễ hội. 

anh7songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Lễ hội Đền Bảo Hà ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên nơi “cửa ngõ” tỉnh Lào Cai đón chào du khách vào tháng Bảy âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công lao của Tướng quân Hoàng Bảy. Ngược dòng sông lên thành phố Lào Cai, Lễ hội Đền Thượng khai hội vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch với chuỗi hoạt động nhộn nhịp, mang đậm nét văn hóa của vùng biên. Nơi vùng cao xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát mỗi độ tháng Ba về, hoa gạo rực đỏ ven sông Hồng, nhân dân lại hân hoan niềm vui của Lễ hội đền Mẫu. 

Nếu đã ngược dòng sông Hồng lên thăm miền biên ải, du khách không thể bỏ lỡ điểm đến đặc biệt - cột cờ Lũng Pô. Từ trên cao nhìn xuống, dải đất giống như một con thuyền khổng lồ mà cột buồm là cột cờ sừng sững dựng lên ngay ngã ba sông, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Lá cờ Tổ quốc diện tích 25m2 tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai soi bóng xuống sông Hồng, hiên ngang, khí phách giữa đất trời biên giới. Bất cứ ai khi đến nơi đây ngắm nhìn sự hùng thiêng của bờ cõi, chào Tổ quốc từ ngã ba sông đều dâng lên niềm tự hào và lòng yêu nước thiết tha, mãnh liệt.

Dòng sông Hồng tự ngàn đời vẫn chảy trôi nhưng đã đắp bồi bao nền văn hóa, vẽ nên cung đường di sản sông Mẹ chảy qua. Để khai thác và phát huy các giá trị ấy, biến di sản thành tài sản, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Đề án tổ chức Festival sông Hồng giai đoạn 2024 – 2034. Trên cơ sở làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao đổi với châu Hồng Hà (Trung Quốc) quan điểm năm 2024, Lào Cai tổ chức Festival với quy mô cấp tỉnh, những năm tiếp theo nâng cấp quy mô quốc gia, quốc tế; xây dựng Festival thành thương hiệu, điểm nhấn của Lào Cai và châu Hồng Hà. 

Theo dự kiến, Festival Sông Hồng năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn như Trưng bày hiện vật bảo tàng “Văn hóa sông Hồng trong lịch sử”; Giải chạy Marathon “Chinh phục nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”; Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua - Hai Quốc gia”…

Thông qua đó, tăng cường liên kết, giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế, du lịch; kết nối giao thương của các tỉnh phía Tây Bắc, các tỉnh dọc sông Hồng của Việt Nam với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; đồng thời, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Lào Cai trong xu hướng hội nhập, phát triển chung của cả nước.

Lung linh thành phố bên sông

Trên hành trình chúng tôi đã đi qua suốt dọc dải sông Hồng nơi đầu nguồn biên giới tỉnh Lào Cai, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của những vùng đất ven sông. Những bản làng hoang vắng sau chiến tranh biên giới năm 1979 đầy rẫy bom mìn, lau lách, giờ đây đã “hồi sinh” trở thành những xóm thôn trù phú, đông vui, cuộc sống ấm no. Đặc biệt, nơi dòng sông Hồng đi qua trung tâm các huyện Bát Xát, thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên đã hình thành nên những đô thị sầm uất soi bóng bên sông, hiện hữu một nhịp sống sôi động của phố phường. 

anh8songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Ai đã đến thành phố Lào Cai cách đây hơn 30 năm bây giờ trở lại hẳn không khỏi bất ngờ. Thị xã Lào Cai trước đây thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, đến năm 1991 tỉnh Hoàng Liên Sơn chia tách thành 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và kể từ đó thị xã Lào Cai được tái lập. Từ một đô thị hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh biên giới, đến khi tái lập thị xã Lào Cai vẫn bề bộn khó khăn. Năm 2022, thành phố Lào Cai tưng bừng kỷ niệm 30 năm tái lập thị xã tỉnh lỵ Lào Cai, tự hào đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. 

Thành phố Lào Cai hôm nay như chàng thanh niên mười tám, đôi mươi căng tràn sức trẻ đang vươn lên bên bờ sông Hồng lộng gió, nay mai sẽ trở thành đô thị loại I. Này cửa khẩu quốc tế Lào Cai sôi động là “Quốc môn” của đất nước đông vui khách du lịch xuất nhập cảnh hằng ngày, khu thương mại cửa khẩu quốc tế Kim Thành chật kín những chuyến xe qua lại trên cầu Kim Thành đón đưa hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc. Này những phố phường đông vui bên những tuyến đường rộng mở như đường Hoàng Liên, Quy Hóa, đại lộ Trần Hưng Đạo thênh thang. Đặc biệt là tuyến đường An Dương Vương nối với đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc sông Hồng xuống phía Nam thành phố. Nhìn sang bên kia sông là phường Lào Cai, xã Vạn Hòa đang khởi sắc từng ngày. Rồi những cây cầu bắc qua sông Hồng như cầu Kim Thành, Cốc Lếu, Phố Mới, Vạn Hòa, Giang Đông, Phố Lu, tới đây là những cây cầu mới như cầu Phú Thịnh, cầu Bản Vược. 

Quả thực, không tự hào sao được khi Lào Cai là thành phố biên cương duy nhất của cả nước có sông Hồng chảy qua, lại nằm ở vị trí thiêng liêng nơi đầu nguồn biên giới. Nhìn ra thế giới, những thành phố giàu đẹp nhất đều gắn với những dòng sông như Paris (Pháp) có dòng sông Seine, thành phố St. Petersburg (Nga) với dòng Neva, London (Anh) với dòng sông Thames, Thượng Hải (Trung Quốc) với dòng sông Hoàng Phố, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) với dòng sông Hàn. Ở Việt Nam, nhiều thành phố lớn như cố đô Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng có những con sông chảy qua lòng phố.

Trục kinh tế đưa Lào Cai phát triển

Ngược dòng ký ức, trong suốt chiều dài lịch sử từ thời cổ đại đến nay, dòng sông Hồng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của những vùng đất, tộc người nơi nó chảy qua. Từ khi sông Hồng khai mở nền văn minh lúa nước, bước sang thời kỳ trung đại, cận đại, giao thông đường thủy trên sông Hồng phát triển nhộn nhịp. Giữa thế kỷ thứ 19, mỗi năm trên tuyến sông Hồng có khoảng 1.500 – 2.000 thuyền buôn vận chuyển hàng hóa ngược xuôi. Tiếp đó, từ năm 1890 đến năm 1910, trao đổi buôn bán qua sông Hồng phát triển mạnh nhất. 

anh9songhong.jpg
Ảnh: Tác giả cung cấp

Năm 1910, thực dân Pháp đưa vào vận hành tuyến đường sắt Điền – Việt chạy dọc sông Hồng từ Hải Phòng - Hà Nội đến Lào Cai sang Vân Nam (Trung Quốc) để khai thác tài nguyên. Giao thông đường thủy sông Hồng dần bị thay thế bởi đường sắt. Những năm gần đây, đường bộ có thêm tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai kết nối liên tỉnh. Dòng sông Mẹ đã hoàn thành sứ mệnh giao thương đường thủy suốt một thời kỳ lịch sử trải dài.

Ở nơi biên giới Lào Cai hôm nay, dòng sông Hồng đang trở thành mạch nguồn chắp cánh cho những ý tưởng mới của tương lai. Theo Quyết định 316 ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, không gian phát triển tỉnh Lào Cai dựa vào: “Một trục động lực; hai cực phát triển; ba vùng kinh tế; bốn trụ cột phát triển và năm nhiệm vụ trọng tâm”, trong đó trục động lực kinh tế của tỉnh là trục dọc sông Hồng.

Từ ý tưởng về trục kinh tế động lực đó, các địa phương dọc theo sông Hồng đang từng bước xây dựng những đồ án quy hoạch, phát triển những đô thị cũ và hình thành những đô thị mới. Tại huyện Bát Xát, những cư dân vùng  biên giới không giấu nổi niềm vui khi tuyến đường Kim Thành – Ngòi Phát chạy dọc sông Hồng sắp hoàn thành. Rồi các trục giao thông dọc sông Hồng lên tới Cột cờ Lũng Pô, đường kết nối lên đô thị du lịch Y Tý trong tương lai. Đặc biệt là cây cầu bắc qua sông Hồng kết nối xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) với khu Bá Sái, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang được khởi công xây dựng; khu công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường đang dần hình thành. 

Được coi là điểm nhấn trong trục động lực phát triển của tỉnh, huyện Bảo Thắng đang phấn đấu xây dựng đạt các tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025 và trở thành thị xã Bảo Thắng trước năm 2030. Suốt dọc dải sông Hồng chảy qua địa bàn huyện có chiều dài khoảng 35km sẽ là những bản làng nông thôn mới tươi đẹp, ấm no.

Trước khi chia tay tỉnh Lào Cai để chảy qua những tỉnh, thành phố khác về với biển cả, sông Hồng lưu luyến với khúc quanh mềm mại nơi huyện Bảo Yên, nơi có đền thiêng Bảo Hà thờ Thần vệ quốc Hoàng Bảy. Hiện nay, khu vực Bảo Hà – Tân An đang dần hình thành nên một đô thị mới sầm uất, hiện đại. Cũng ở Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã và đang hoàn thành giải phóng mặt bằng xây dựng Cảng hàng không quốc tế Sa Pa thuộc địa phận xã Cam Cọn ngay bên bờ sông Hồng, bám theo đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Khi sân bay hoàn thành, mỗi năm có thể đưa đón khoảng 3 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến với mảnh đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. 

Bên mâm cơm ngày mới đón gió sông Hồng, mấy người bạn tôi chạm ly rượu thóc, chụm tay hô vang “ Lào Cai! Bay!” rồi cười sảng khoái, nhìn dòng nước phù sa đỏ lựng mang theo bao ước vọng chảy về biển lớn. Có lẽ hình ảnh của một sân bay Sa Pa trong tương lai cũng chính là biểu tượng cho khát vọng bay cao, bay xa của tỉnh vùng cao, biên giới Lào Cai nơi có “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”. Tiếng sóng gió sông Hồng hòa vào tiếng nhạc lan tỏa khắp không gian, những ca từ sao trữ tình mà da diết “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi ấy đầu nguồn con nước, lắng phù sa soi bóng đôi bờ…”.

Tuấn Ngọc – Quỳnh Trang

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

BOXtaitro_Dongsong.jpg