Bảy tháng qua, 89 giáo viên ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, không được nhận lương khiến cuộc sống khó khăn, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy.
Ngày 1/11, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết đang tổ chức cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc 89 giáo viên và 12 nhân viên hợp đồng ở thị xã Gia Nghĩa 7 tháng không được nhận lương.
"Tỉnh mới tiếp nhận thông tin và đang tổ chức cuộc họp nghe báo cáo sơ bộ từ UBND thị xã Gia Nghĩa. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ yêu cầu Sở Nội vụ kiểm tra, xác minh việc UBND thị xã Gia Nghĩa ký hợp đồng lao động đối với số giáo viên và nhân viên này rồi đưa ra hướng xử lý" - ông Lộc nói.
Mượn tiền đổ xăng đi dạy
Chị Hà Thị Huyền Tr., giáo viên một trường tiểu học ở thị xã Gia Nghĩa, ký hợp đồng với UBND thị xã Gia Nghĩa từ tháng 3/2017 đến nay. Tuy nhiên, sau 7 tháng đi dạy, chị chưa nhận được đồng lương nào.
"Để chi phí ăn uống, trả tiền nhà trọ, xăng xe đi dạy, tôi phải vay mượn hết người này đến người nọ. Tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị đến ban giám hiệu nhà trường nhưng đều nhận được thông tin là ngoài tầm xử lý và phải tiếp tục chờ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì tôi đành phải xin nghỉ dạy, kiếm công việc khác" - chị Tr. buồn rầu.
UBND thị xã Gia Nghĩa, nơi ký hợp đồng với 89 giáo viên |
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ph. cho biết quê ở miền Trung, gia đình khó khăn. Sau khi tốt nghiệp ra trường, loay hoay mãi nhưng chị vẫn không xin được việc. Khi nghe thông tin tỉnh Đắk Nông tuyển giáo viên dạy hợp đồng, chị Ph. vay mượn bạn bè 3 triệu đồng làm lộ phí, rồi khăn gói đi tìm cơ hội.
Đầu năm 2017, chị Ph. được ký hợp đồng lao động 1 năm tại một trường tiểu học ở thị xã Gia Nghĩa. Niềm vui chưa được bao lâu thì sau đó phải khốn đốn vì không được trả lương. "Ở đây không có người thân nên thỉnh thoảng tôi phải cầu cứu bạn bè cho vay vài triệu đồng để cầm cự. Tôi cũng tính bỏ cuộc về lại quê nhưng số tiền nợ hiện giờ đã gần 10 triệu đồng, không biết tìm đâu ra nên đành ở lại mong chờ lương" - chị Ph. nói.
Chưa có hướng xử lý
Theo UBND thị xã Gia Nghĩa, hằng năm, số lượng học sinh trên địa bàn đều tăng. Do không được giao biên chế mới nên để đáp ứng nhu cầu học hành của các cháu, UBND thị xã Gia Nghĩa phải hợp đồng thêm giáo viên để giảng dạy.
Năm học 2016-2017, UBND thị xã phải hợp đồng thêm 80 giáo viên, năm học 2017-2018 tổng giáo viên dạy hợp đồng là 111 người. Ngoại trừ 22 giáo viên hợp đồng được UBND tỉnh cho chủ trương, 89 giáo viên còn lại được UBND thị xã chi trả chế độ từ nguồn ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, theo UBND thị xã Gia Nghĩa, Công văn số 989/UBND-NC ngày 3/3/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông quy định: "Không hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ quan đơn vị". Căn cứ vào quy định trên, Phòng Giao dịch Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Nông không giải quyết các chế độ cho 89 giáo viên này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tiến Tùng, Trưởng Phòng Nội vụ thị xã Gia Nghĩa, cho biết để đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy, căn cứ vào thực tế các trường, UBND thị xã ký hợp đồng lao động ngắn hạn 1 năm đối với 89 giáo viên. Theo quy định, số giáo viên này sẽ do địa phương tự cân đối ngân sách để chi trả.
Tuy nhiên, sau khi Công văn 989 ra đời, những giáo viên này trải qua nhiều tháng làm việc nhưng không được chi trả tiền chế độ. Điều đáng nói, phần lớn những giáo viên này còn trẻ, xa nhà phải đi ở trọ nên gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn. Trước thực tế trên, UBND thị xã Gia Nghĩa đề nghị các cấp, ngành cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, sớm trả lương cho người lao động nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.
Trả lời câu hỏi vì một số địa phương đã xảy ra tình trạng ký hợp đồng ồ ạt để tiêu cực, ông Tùng cho rằng toàn bộ những người được ký hợp đồng nói trên đều nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học. Bên cạnh đó, các giáo viên này ký hợp đồng 1 năm, năm sau có thể nghỉ việc, lương còn chưa có lấy đâu ra tiền mà "hối lộ".
Còn theo ông Ngô Xuân Lộc, hiện chưa thể khẳng định có thể trả lương đối với những trường hợp này hay không vì còn phải xác minh xem việc ký hợp đồng này có đúng quy định hay không. Sau khi làm việc, xác minh và Sở Nội vụ có văn bản báo cáo, UBND tỉnh mới quyết định.
Không cầm cự được lâu Ngoài 89 giáo viên nói trên, 12 nhân viên Đội Quản lý trật tự cảnh quan đô thị thị xã Gia Nghĩa cũng rơi vào tình trạng 7 tháng không nhận được lương. Anh Bùi Trọng Hiếu, nhân viên của đội này, cho biết: "Vợ tôi không có việc làm ổn định, 2 con nhỏ đang tuổi ăn học. Cả gia đình chỉ trông chờ vào những đồng lương ít ỏi của tôi nhưng hơn nửa năm đi làm, tôi chưa được nhận lương. Để có tiền cho con ăn học và sinh hoạt gia đình, tôi phải đi vay mượn người thân nhưng cũng không cầm cự được lâu nữa". |
Theo Cao Nguyên/ Báo Người lao động