Thực hiện “3 bám, 4 cùng”, BĐBP Lai Châu xây dựng vùng biên vững mạnh, tạo “lá chắn thép” bảo vệ Tổ quốc

Mô hình “Tay kéo biên phòng” được BĐBP Lai Châu duy trì thực hiện cắt tóc miễn phí cho các cháu học sinh vào chiều thứ Tư hằng tuần. 

Thực hiện tốt “3 bám, 4 cùng” 

Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (Nghị quyết số 33), đã xác định rõ: Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước. Là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, với phương châm hướng về cơ sở, BĐBP Lai Châu luôn chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kiên trì bám bản, gần dân.

Để xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân, những năm qua, BĐBP Lai Châu thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào với bà con), các cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu đã đồng hành giúp nhân dân vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

5 năm qua, Đảng uỷ, BĐBP Lai Châu đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tại 224 bản của 22 xã biên giới, thu hút hàng chục nghìn lượt cán bộ, nhân dân tham gia; triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn Biên phòng” tại 22 xã biên giới, đỡ đầu tổng cộng 76 lượt cháu học sinh với số tiền trung bình từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/cháu/tháng; nhận nuôi tổng cộng 16 cháu là con nuôi đồn biên phòng, và hiện đang chăm lo 230 cháu học sinh thuộc dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”.

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình “Thầy giáo quân hàm xanh” cùng tham gia chương trình xã hội học tập, phổ cập giáo dục, vận động 627 cháu học sinh trở lại trường học; 2307 cháu học sinh trong độ tuổi học tập ở khu vực biên giới được tới trường; duy trì mô hình “Tay kéo biên phòng” cắt tóc miễn phí cho các cháu học sinh vào chiều thứ Tư hằng tuần. 

Ngoài ra, tổ chức thăm hỏi, tặng 1346 phần quà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới được tới trường. Thăm hỏi, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới với tổng số tiền trị giá 687,3 triệu động. Các cán bộ, chiến sĩ tham gia ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn, đáp nghĩa”, “Tri ân liệt sĩ”… với số tiền 253,5 triệu đồng.

Đặc biệt, những năm qua, BĐBP Lai Châu đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương, cơ quan, đơn vị ở khu vực biên giới sữa chữa đường giao thông nông thôn 31,7km; sữa chữa 24 điểm trường; xây mới, sửa chữa, di dời 248 căn nhà cho hộ dân nghèo, khó khăn về nhà ở; giúp đỡ 494 hộ dân xoá đói giảm nghèo phát triển kinh tế; giúp dân chăm sóc, thu hoạch hoa màu… tổng cộng 12.329 ngày công; tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 1937 lượt người với số tiền trị giá 181 triệu đồng.

Trong đó, đã tham mưu triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dựng “phên giậu” xanh nơi biên giới

Dù mới được triển khai thí điểm trong năm 2023 tại xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) nhưng mô hình “Luỹ tre biên thuỳ” được chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây đánh giá cao. 

Mô hình “Luỹ tre biên thuỳ” được BĐBP Lai Châ triển khai trồng thí điểm dọc theo đường biên giới thuộc xã Huổi Luông vừa giúp đồng bào dân tộc vùng biên giới phát triển kinh tế, vừa bảo vệ đường biên, mốc giới. 

Mô hình “Luỹ tre biên thuỳ” được Đồn Biên phòng Huổi Luông phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và UBND xã Huổi Luông triển khai trồng thí điểm 3.600 cây tre bát độ dọc theo đường biên giới thuộc xã Huổi Luông dài gần 3km. Sau khi trồng xong đã bàn giao cho 82 hộ dân ở bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông vừa chăm sóc, quản lý, vừa trực tiếp tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới.

Chia sẻ với PV, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông, Trung tá Lê Văn Quyết cho biết: Xét về kinh tế thì giống tre bát độ có chi phí trồng và chăm sóc không cao, thời gian chăm sóc không nhiều nhưng lại có giá trị kinh tế cao, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng ở địa phương. Việc đưa giống tre này về trồng dọc theo đường biên giới vừa có thể phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, lại vừa giúp đồng bào dân tộc vùng biên giới phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Đặc biệt, mô hình “Luỹ tre biên thuỳ” vừa làm hàng rào biên giới “mềm” giúp nhân dân dễ nhận biết đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ biên giới, góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. 

Hiện nay, BĐBP tỉnh Lai Châu đang duy trì 17 mô hình giúp dân trên các lĩnh vực. Trong đó có 8 mô hình kinh tế, 5 mô hình xã hội, 2 mô hình quốc phòng - an ninh, 2 mô hình kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh.

Với nhiều mô hình, chương trình phát triển kinh tế đã được triển khai thực hiện có hiệu quả đã giúp đời sống của nhân dân và khu vực biên giới Lai Châu đổi thay rõ nét, được chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao. 

Cách thành phố Lai Châu gần 200km, xã biên giới Pa Ủ trước đây là vùng lõi nghèo và lạc hậu của huyện Mường Tè. Thế nhưng hiện nay, Pa Ủ như được khoác lên mình chiếc áo mới với những đổi thay đến ngỡ ngàng.

Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) chiếm tới 95% thì hiện nay tỷ lệ đói nghèo của Pa Ủ giảm xuống còn hơn 77% theo tiêu chí mới. Càng ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế và số hộ giàu ngày một nhân lên. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ trong suốt những năm qua đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân xuống núi lập bản, hướng dẫn phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, như mô hình chăn nuôi bò tập trung, mô hình trồng lúa nước 2 vụ, mô hình trồng thảo quả… Hiện nay, toàn xã Pa Ủ có gần 300ha cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao như: Sâm, thảo quả, sa nhân, quế, cam, mận...

Không chỉ ở Pa Ủ, các đơn vị khác thuộc BĐBP Lai Châu cũng đã có nhiều giải pháp để duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả, năng suất các mô hình để giúp nhân dân ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, có thêm sinh kế, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Những việc làm thiết thực của BĐBP Lai Châu đã góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc phát huy tinh thần đoàn kết, cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo bền vững để xây dựng vùng biên cương Lai Châu ngày càng giàu, đẹp, thực sự trở thành “phên giậu” vững chắc vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Phạm Thị Thiện, Trần Thị Hồng Nhì, Nguyễn Trần Đình Thành