Đa số các ca bệnh xuất hiện ở châu Âu và Bắc Mỹ, những nơi vốn không phổ biến loại virus này. Các nước có nhiều bệnh nhân gồm Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. 

Nhiều người bệnh không có liên hệ với các quốc gia Trung hoặc Tây Phi - nơi thường xảy ra bệnh đậu mùa khỉ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) đã nâng mức cảnh báo về bệnh đậu mùa khỉ lên cấp độ 2, khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang và áp dụng các biện pháp y tế khác.

Ảnh minh họa: Reuters

Với căn bệnh trên, CDC Mỹ đưa ra 3 mức độ: Quan sát, Đề phòng, Cảnh báo. 

Hiện tại, cơ quan y tế của Mỹ xác định đậu mùa khỉ đang ở cấp độ 2: Đề phòng. Theo đó, người dân cần: 

- Tránh tiếp xúc gần với người bệnh, gồm những người có tổn thương da, bộ phận sinh dục.

- Tránh tiếp xúc với động vật hoang dã gồm động vật gặm nhấm (chuột, sóc) và động vật linh trưởng (khỉ, vượn).

- Tránh ăn, chế biến thịt động vật hoang dã hoặc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã châu Phi (kem, sữa tắm, bột).

- Tránh tiếp xúc với đồ dùng của người bệnh (quần áo, giường, đồ trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe) hoặc đồ liên quan động vật nhiễm bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm của đậu mùa khỉ trong cộng đồng thấp, nhưng bạn nên đi khám ngay nếu có vết phát ban da mới, không rõ nguyên nhân và tránh tiếp xúc với người khác. Hãy cho bác sĩ biết nếu trước đó, bạn: 

- Từng tiếp xúc với một người có thể đã bị đậu mùa khỉ. 

- Đang ở khu vực mới có bệnh đậu mùa khỉ (châu Âu, Bắc Mỹ, Australia) hoặc ở khu vực thường có bệnh đậu mùa khỉ (Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Cộng hòa Trung Phi, Cameroon, Gabon, Liberia, Sierra Leone, Sudan...).

Các triệu chứng của đậu mùa khỉ ban đầu tương đối giống bệnh cúm nhưng sau đó sẽ nhanh chóng xuất hiện sưng hạch bạch huyết và phát ban khắp cơ thể. Cuối cùng, tổn thương hình thành trên các vùng phát ban, để lại sẹo. 

Trong khi đó, Tiến sĩ Andrew Rambaut tại Đại học Edinburgh (Vương quốc Anh) đã phát hiện 47 đột biến trong bộ gen của virus đậu mùa khỉ ở đợt bùng phát hiện nay so với các mẫu bệnh giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, ông chưa đề cập nhiều tới vai trò của các đột biến này. 

“47 đột biến trong vòng 3-4 năm là con số không tưởng. Đậu mùa khỉ được mặc định là virus lây truyền từ động vật sang người nhưng đây là bằng chứng cho thấy sự thích nghi của chúng”, Tiến sĩ Rambaut nói. 

Trong khi đó, Tiến sĩ Vinod Scaria, Viện Di truyền và Sinh học Tích hợp của Delhi (Ấn Độ), đánh giá: “Mặc dù số lượng đột biến có vẻ lớn hơn rất nhiều so với dự đoán nhưng có thể dao động tùy theo vật chủ là động vật hay con người”. 

An Yên (Theo CDC, Hindu)