Hệ tiết niệu gồm thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo và lỗ tiểu. Chức năng chính của bộ phận này là lọc các chất độc trong máu được sinh ra trong quá trình trao đổi chất ở thận và được đào thải qua nước tiểu.

Khi bị suy giảm chức năng, thận không thể thực hiện công việc của mình một cách đầy đủ. Lúc này, cơ thể sẽ trở nên quá tải vì độc tố và gây ra các rối loạn như: Thừa dịch, hội chứng ure máu cao, tăng kali máu, toan chuyển hóa máu, thiếu máu... dẫn đến bệnh nhân mệt mỏi, khó thở, phù… thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Chế độ ăn uống không hợp lý cũng như các tác nhân từ môi trường đã làm cho các bệnh lý về đường tiết niệu như: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo – bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến, u phì đại lành tính tuyến tiền liệt… có nguy cơ ngày càng gia tăng.

PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu thuộc Bệnh viện Việt Đức, cảnh báo các bệnh lý về thận – tiết niệu ở nam giới có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể dẫn tới vô sinh nếu không điều trị kịp thời.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức siêu âm thận cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Để chẩn đoán bệnh thận tiết niệu, các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết ngoài việc thăm khám lâm sàng còn cần tiến hành các xét nghiệm, thăm dò cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán. Nhiều xét nghiệm, thăm dò cận lâm sàng còn đóng vai trò là “tiêu chuẩn vàng” trong bệnh lý thận tiết niệu.

Trong đó, xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện rối loạn về thận, tiết niệu như xác định protein niệu; xác định cặn nước tiểu; xét nghiệm tìm vi khuẩn niệu và làm kháng sinh đồ để chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Bệnh nhân cũng được đo mức lọc cầu thận và đánh giá khả năng cô đặc nước tiểu, đánh giá mức độ suy thận mạn. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán hình ảnh qua siêu âm thận, hệ mạch thận; chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hệ thận - tiết niệu; sinh thiết thận, thăm dò chức năng thận bằng đồng vị phóng xạ...

Những người có tiền sử bệnh sau cần đi khám thận, tiết niệu

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm Thận – Tiết niệu và Lọc máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay những người tiếp xúc với dung môi hữu cơ có thể gây viêm cầu thận, công nhân nhuộm aniline và cao su có tỷ lệ mắc ung thư đường tiết niệu tăng, tiếp xúc lâu dài với chì và cadimi có thể gây tổn thương thận. Đây là những người nên đi kiểm tra thận, tiết niệu.

Người sống và làm việc trong môi trường nóng làm nước tiểu cô đặc hơn có thể dẫn đến hình thành sỏi thận, do đó nên đi khám. Bên cạnh đó, những người từng phát hiện bệnh thận; sỏi tiết niệu hoặc đã điều trị can thiệp về sỏi tiết niệu… cũng nên đi khám.

Người đã mắc hoặc vào nằm viện vì bệnh lý nhiễm trùng, sốt rét, xơ gan, lao phổi, điều trị ung thư, các bệnh máu, u lympho cần đi khám để phát hiện bệnh lý về thận, tiết niệu.

Nếu bị các rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu gấp; hoặc thấy sự thay đổi tính chất nước tiểu về màu sắc, có mùi, có bọt; Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát nhiều lần… cần đi kiểm tra.

Người phát hiện thiếu máu, mắc tăng huyết áp hay bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, gút, đau khớp… là những bệnh lý được bác sĩ điểm danh để khuyến cáo đi khám thận, tiết niệu.

Ngoài ra, nhóm người nên đi khám thận, tiết niệu còn gồm người có tiền sử sử dụng hoặc có các phản ứng bất lợi đối với các thuốc nhóm ức chế hệ renin-angiotensin-aldosterone; người sử dụng cocaine và thuốc lắc; hút thuốc lá hay lạm dụng rượu…

Nếu trong gia đình có người mắc bệnh thận thì các thành viên cũng nên đi kiểm tra bởi một số loại bệnh thận có tính chất gia đình như: Bệnh thận đa nang di truyền gen trội, bệnh thận đa nang di truyền…