Số liệu này do Bộ Y tế báo cáo cập nhật tới ngày 18/5. Theo đó, từ ngày 19/4 đến 18/5, cả nước ghi nhận gần 11.200 ca sốt xuất huyết, gần bằng tổng lượng ca mắc trong 4 tháng trước cộng lại.

Trong gần 2 tuần qua (từ 19/5 đến nay), nhiều địa phương liên tục ghi nhận sự gia tăng chóng mặt các ca sốt xuất huyết.  

Từ ngày 20-26/5, TP.HCM ghi nhận hơn 1.400 ca mắc mới, tăng hơn 48% so với trung bình tháng trước, cao hơn tuần trước đó gần 500 ca.

Tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay ở thành phố đông dân nhất cả nước là hơn 10.000 ca, tăng hơn 46% với cùng kỳ năm ngoái, có 7 ca tử vong. Số ca sốt xuất huyết nặng là 194, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tại nhiều nơi, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, số ca mắc cũng gia tăng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 330 trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết, trong đó có 16% ca nặng. Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc thể nặng tái sốc kèm suy đa cơ quan.

Bình Dương đang là địa phương có diễn biến dịch sốt xuất huyết phức tạp. Toàn tỉnh đã có hơn 2.200 ca mắc tuy nhiên vẫn chưa phải đỉnh dịch.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Lan, Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Thuận An (Bình Dương), cho biết những ngày cuối tuần, nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện không đủ giường nằm. Khoa Nội của bệnh viện cũng được huy động để hỗ trợ.

Sở Y tế Bình Dương cho biết tỉnh này đã ghi nhận ít nhất 5 ca tử vong do sốt xuất huyết trú tại thị xã Tân Uyên (2 ca), TP.Thuận An (1 ca) và TP.Dĩ An (2 ca). 

Theo dự báo số ca mắc sẽ tăng do khu vực phía Nam bắt đầu vào mùa mưa.

Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 1.300 ca sốt xuất huyết, tăng cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.   

Tại Hà Nội, 5 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 55 ca sốt xuất huyết, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông thường, theo chu kỳ 4-5 năm, sốt xuất huyết lại bùng phát thành dịch lớn. Các chuyên gia dự báo năm 2022, nguy cơ bùng dịch này là rất lớn. Đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 6-7.

Chia sẻ về căn cứ khoa học để đưa ra cảnh báo này, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho hay, sốt xuất huyết trở thành dịch khi có sự mất cân bằng giữa 3 yếu tố: Tác nhân gây bệnh (là virus sốt xuất huyết), vector lây truyền (muỗi vằn) và khối cảm thụ (là con người).

Theo vị chuyên gia, trong năm 2022 nếu chúng ta không chủ động từ đầu với từng hộ gia đình, người dân trong việc phát hiện, loại trừ bọ gậy thì nguy cơ bùng dịch không chỉ ở khu vực phía Nam. Dịch có thể bùng phát tại các thành phố lớn trên cả nước, xa hơn là trên phạm vi toàn cầu nếu không kiểm soát chặt chẽ một cách liên tục, thường xuyên với vector truyền là muỗi vằn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết, tại miền Bắc, thời tiết năm nay thay đổi thất thường. Nếu như mọi năm, vào tháng 5 trời đã chuyển nắng nóng thì năm nay vẫn có thời tiết lạnh. Vì vậy, có thể dịch sốt xuất huyết tại Thủ đô sẽ bùng phát muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8.

Theo bác sĩ Hường, không phải tất cả bệnh nhân sốt xuất huyết đều phải nhập viện nội trú. Nếu tiểu cầu của bệnh nhân ở trong giới hạn cho phép, không có dấu hiệu cô đặc máu và các chức năng gan, thận bình thường, bệnh nhân có thể ở nhà theo dõi ngoại trú và hẹn khám định kỳ sau 2 ngày.

“Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đau đầu, chóng mặt không ăn được và nôn nhiều thì cần phải nhập viện lập tức”, bác sĩ Thu Hường lưu ý.  

Ngoài ra, khi người bệnh sốt xuất huyết có một trong các biểu hiện như: Giảm thân nhiệt mạnh, đau bụng dữ dội, chảy máu lợi, thở gấp, mệt mỏi li bì… cũng cần được đưa đến bệnh viện gấp.

Thanh Hiền

Sốt xuất huyết gần vào mùa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng tránhSốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe, thậm chí gây tử vong.