Rác thải y tế nguy hiểm cho con người có thể gây bệnh trực tiếp, gián tiếp và nguy cơ xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất, phóng xạ trong quá trình điều trị người bệnh rất lớn. Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã xác định rõ công tác xử lý rác thải, nước thải y tế vô cùng quan trọng để giảm thiểu tác hại của rác thải tới môi trường. Tất cả các loại chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường đều được tập kết, phân loại ngay từ ban đầu. Lãnh đạo bệnh viện giao trực tiếp cho Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn thực hiện chặt chẽ việc quản lý, tuyệt đối không để rò rỉ, rơi vãi chất thải nguy hại ra môi trường.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Định, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện, hàng ngày chất thải được tập kết lại và xử lý theo phân loại. Với chất thải nhựa, chất thải y tế không nguy hại xử lý tại bệnh viện trên 300kg, ngày cao điểm có thể lên tới 500kg. Bệnh viện có hai nhà máy xử lý rác thải với công suất từ 30 – 50kg/mẻ, công nghệ xử lý bằng tiệt khuẩn, ma sát và vi sóng tích hợp nghiền cắt. Đối với chất thải y tế nguy hại, bệnh viện thuê Công ty ETC tiếp nhận và xử lý. 

y te thanh hoa.png
Tập huấn cho nhân viên y tế về quản lý chất thải y tế tại bệnh viện.

Từ năm 2014, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đưa hệ thống máy xử lý vào vận hành, công suất 700 m3/24h với công nghệ hiện đại (công nghệ xử lý được áp dụng: AAO), bảo đảm đầy đủ các tiêu chí, quy định của pháp luật hiện hành về môi trường.

Trong thời gian qua, Bệnh viện Thanh Hóa đã tích cực triển khai giảm thải rác thải nhựa bảo vệ môi trường, xây dựng bệnh viện xanh. Bệnh viện đã tuyên tuyền vận động tới 100% cán bộ, nhân viên y tế không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, cam kết giữa đơn vị và ngành y tế, các khoa phòng với giám đốc. Bệnh viện Bệnh viện đa khoa tỉnh đã xác định rõ ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu.

Các đơn vị trong bệnh viện hướng dẫn, truyền thông cho nhân viên, người bệnh, người nhà bệnh nhân, đơn vị cung cấp các dịch vụ tại khoa thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong đơn vị. Tại các khoa, phòng, đơn vị đưa ra các nghiên cứu, giải pháp áp dụng các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của khoa.  Giảm thiểu chất thải nhựa phải được lồng ghép vào thi đua và các tiêu chí đánh giá chất lượng tại khoa. 

Ngoài ra, Bệnh viện cũng cử cán bộ chuyên trách tham dự các chương trình tập huấn về công tác quản lý và xử lý chất thải nguy hại, mua sắm phương tiện phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại giảm thiểu tác hại ra môi trường.

Theo quy định, các sự cố chất thải y tế nguy hiểm đó là sự sự rò rỉ, rơi vãi, tràn đổ, hỏng thiết bị xử lý chất thải, nước thải y tế, khí thải (từ phòng xét nghiệm vi sinh) làm phát tán chất thải lây nhiễm ra môi trường trong quá trình quản lý chất thải y tế gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng. Chính Phủ đã ban hành kế hoạch số: 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 về Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023- 2020.

Theo đó, Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ ban hành các quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ và quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Bộ Y tế chỉ đạo, tăng cường công tác phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Nghiên cứu, đánh giá các nguy cơ lây nhiễm đối với chất thải y tế và xây dựng các biện pháp phòng ngừa tương ứng. Cử cán bộ tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ứng phó sự cố chất thải.

Thu Hiền và nhóm PV, BTV