Hà Nội dự tính lập gần 100 trạm thu phí (phương án trước đây là 87 trạm) ô tô đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nếu đề án được thông qua, Hà Nội sẽ thí điểm thu phí từ năm 2024. Đường Vành đai 3 trở vào được xác định là khu vực để thiết lập trạm thu phí.
Thời điểm năm 2024 không còn xa, người dân đặt ra hàng loạt vấn đề Hà Nội cần trả lời trước khi tính tới việc thu phí ô tô mức 55 nghìn đồng/lượt như đề án đưa ra.
Bệnh viện lớn, trường đại học còn ở nội đô, sao giãn được dân cư?
Khi Hà Nội dự tính thu phí phương tiện vào nội đô “nóng” lên, vấn đề rất nhiều bạn đọc nêu ra là việc di dời công sở, xí nghiệp, bệnh viện… ra ngoại thành. Đây là điều được nêu ra rất nhiều năm, nhằm giải quyết một cách căn cơ vấn đề ùn tắc trong nội thành nhưng chưa thực hiện được.
"Hà Nội đã phát triển hơn, mật độ dân số đông hơn, vì vậy cần phải mở rộng thành phố, chuyển các cơ quan, trường học, bệnh viện có lưu lượng người lớn ra ngoại thành và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương... Kèm theo đó, phải có cơ sở hạ tầng, chỗ ở cho người làm việc, để kéo giãn mật độ dân số. Hiện nay, dù có thu phí thì người dân vẫn phải vào nội đô để tới các bệnh viện trung ương, cơ quan, trường đại học.. ”, một bạn đọc phản hồi với VietNamNet.
Đồng quan điểm, bạn Nguyễn Dương đánh giá, giải pháp thu phí không khả thi, không có tính chiến lược, không phù hợp với đặc điểm hạ tầng giao thông và điều kiện làm việc của Hà Nội hiện nay.
“Giải pháp chiến lược lâu dài và hiệu quả Hà Nội cần làm là: Dừng các dự án xây dựng nhà chung cư trong nội đô; đẩy nhanh tiến độ di dời các trường đại học, bệnh viện và các đơn vị hành chính sự nghiệp ra ngoại thành.... Khi đó, lượng phương tiện giao thông đi vào nội đô sẽ giảm, ùn tắc giao thông sẽ được giải quyết”, bạn đọc Nguyễn Dương nêu.
Chia sẻ về giải pháp xử lý tận gốc vấn đề, bạn Vũ Anh nêu, thu phí xe vào nội đô là giải quyết phần ngọn. Còn muốn giải quyết tận gốc vấn đề, giảm được mật độ dân cư trong nội đô, phải quyết liệt di dời tất cả các trường ĐH, bệnh viện lớn, nhà máy, bến xe ra ngoại thành. Việc này đã có chủ trương từ lâu rồi, thành bại nằm ở khâu quyết liệt thực hiện, khi đó, Hà Nội sẽ thông thoáng!
Một bạn đọc cũng nêu nguyên nhân, nhìn tình trạng ùn tắc hàng ngày, có thể thấy rõ mật độ dân ở khu vực nội đô quá cao. Khi học sinh, sinh viên chưa lên học đường vắng hẳn. Vì thế, muốn giảm ùn tắc phải xem lại quy hoạch dân cư ... Di dời toàn bộ các nhà máy, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành sẽ hạ được mật độ dân xuống. Còn các bác cứ làm nửa vời thế này thì không bao giờ hết kẹt đường nhé.
Thu phí mà không giảm ùn tắc, tính sao?
Bạn Trần Dũng nêu thực trạng khu vực nội đô Hà Nội hiện nay vừa đông dân cư vừa nhiều nhà cao tầng, nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông nói riêng và phát triển giao thông công cộng tiện ích như bãi đỗ xe, phương tiện công cộng lại rất ít lựa chọn.
Đặc biệt, khi việc xây cao ốc để bán tăng nhanh, các dự án xe điện đô thị lại chậm tiến độ, còn bệnh viện lớn, trường đại học vẫn ở trong nội đô, sẽ có tình trạng chấp nhận đóng phí để vào nội đô làm việc.
Nêu thực tế không có phương tiện công cộng trung chuyển, bạn đọc Hoàng Đức nói, “chấp nhận mất phí để đi vào nội đô còn rẻ hơn gấp nhiều lần phải đi taxi để giải quyết công việc”.
Khi đó, sẽ có tình trạng thu phí vào nội đô, nhưng hệ thống giao thông công cộng không đồng bộ thì vẫn không khả thi. Sẽ có tình trạng người có tiền mua ô tô để đi, sẽ không tiếc 55.000 đồng để lái xe vào nội đô giải quyết công việc. Khi đó, lượng xe vào nội đô vẫn như vậy, mục tiêu giảm ùn tắc không đạt được.
Bạn đọc Dương Lương băn khoăn, nếu thu phí rồi mà vẫn ùn tắc thì ai là người chịu trách nhiệm. Người trả phí để đi vào khu vực không ùn tắc, nhưng thực tế vẫn tắc đường thì sao?
“Đóng phí đi vào cao tốc là để đi nhanh, thông thoáng hơn. Còn thu phí vào nội đô nhằm tránh ùn tắc, nhưng mọi người nộp phí, khi vào TP vẫn tắc thì sao”, bạn Nguyễn Anh Minh đặt vấn đề.
Nhìn nhận từ thực tế mật độ dân nội thành quá cao, bạn Mai Khiêm hoài nghi việc thu phí sẽ hạn chế được số lượng phương tiện. Người ở khu vực nội thành vẫn dùng xe, rồi người đến khu vực nội thành giải quyết công việc cũng dùng xe, tất cả chấp nhận trả phí, khi đó chỉ được nguồn thu mà không đạt được mục tiêu giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm.
Thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn thí điểm (từ năm 2024-2025): 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn, nguy cơ cao ùn tắc giao thông. Sang giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030): Mở rộng vùng thu phí ô tô phía bờ Nam sông Hồng. Cụ thể, đường Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3. Giai đoạn 3 (sau năm 2031): TP Hà Nội sẽ thực hiện giai đoạn 3, mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3. |