“Mẹ ơi, về nhà đi, con tiểu ngồi cũng được!”

Đó là câu nói đầu tiên của Tiến (5 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi) khi di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Tim đau nhói, chị Lan siết chặt tay con vào làm thủ tục nhập viện.

Đây là lần phẫu thuật dị tật sinh dục lần thứ 5 của cậu bé. Bệnh viện Nhi đồng 1 như chiếc phao cuối cùng chị Lan có thể níu lấy.

“Tôi sinh Tiến nhờ thụ tinh ống nghiệm. Lúc mang thai, tôi đã biết con có nhiều dị tật, bác sĩ chỉ định chấm dứt thai kì nhưng gia đình quyết tâm giữ. Sau đó, là liên tiếp những tháng ngày sống trong bệnh viện: mổ lắp hậu môn, mổ u bàng quang. Ám ảnh nhất là 4 lần phẫu thuật lỗ tiểu thấp”.

Chị Lan và con trai 5 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Chị Lan nhớ lại, 3 ngày sau lần mổ đầu tiên, vết mổ bị toác ra. Mỗi lần Tiến đi vệ sinh, nước tiểu tràn ra thay vì thành tia như bình thường. Vài ngày sau, cậu bé ôm bộ phận sinh dục nhảy khắp nhà vì đau mà không thể đi tiểu. Chị ôm con chạy thẳng vào bệnh viện. 

“Sau 4 lần phẫu thuật, lỗ tiểu của con ngày càng tụt xuống thấp, không biết phải làm sao”, nỗi đau dày vò người mẹ trẻ. 

Một cơ duyên nào đó, chị được người quen khuyên nên tìm đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Từ Hải Dương, hai mẹ con chị Lan dắt díu nhau vào Nam. Tiến co rúm người bảo mẹ: “Mẹ cho con về nhà đi, con đi tiểu bô ngồi cũng được mẹ ạ”. Cậu bé đã 5 tuổi, đủ ý thức về căn bệnh của mình. 

Rất nhanh sau đó, ca phẫu thuật ngày 9/5 kết thúc, người mẹ run run gọi video-call cho chồng ở Hải Dương. Chồng chị rơm rớm: “Sao đẹp vậy? Mấy lần trước băng gạc thấm máu, xót lắm”.

Sau ca phẫu thuật, trẻ cần theo dõi từ 7-14 ngày.

Xung quanh giường của Tiến là gần 20 bệnh nhi cũng vừa phẫu thuật lỗ tiểu thấp. Họ khoe nhau những ‘con chim” đã lành lặn của con trai mà trong mắt lại đầy nước. Có trẻ đến từ Huế, Nha Trang, Bình Dương, nhưng xa nhất là mẹ con chị Lan.  

“Tôi bị sốc vì chỉ phải đóng viện phí 1 triệu đồng, không phải mua thêm máy móc thuốc thang bên ngoài.  Ăn trưa có cơm từ thiện. Hôm con phẫu thuật, tôi còn gửi phong bì cho các cô gây mê, nhưng các cô ấy mắng và đuổi ra ngoài. 

Xa xôi đến đây, toàn người lạ nhưng tôi ấm lòng vô cùng”, chị Lan vừa nói vừa vỗ về cậu con trai đang say ngủ.

Bác sĩ ám ảnh vì lời đồn oan nghiệt 

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thanh Hùng, người đứng sau các ca phẫu thuật sinh dục trẻ nhỏ là Trưởng khoa Ngoại thận – Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Từ năm 1994 đến 1998, ông và đồng nghiệp đã được các chuyên gia đầu ngành của thế giới trong lĩnh vực niệu nhi đến đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. 

Trong hơn 20 năm qua, không thể nhớ hết bao nhiêu đứa trẻ đã tìm lại được hình dáng và cuộc sống từ khoa bệnh đặc biệt này. Nhiều nhất là trẻ bị dị tật lỗ tiểu thấp, sau đó là vùi dương vật (ở bé trai) và cả dị dạng sinh dục ở bé gái. 

Bác sĩ Lê Thành Hùng bị ám ảnh bởi một bé trai 4 tuổi đến từ Sóc Trăng. Bé bị vùi dương vật, khi chào đời đã không nhìn thấy “chiếc chim” xinh xắn. Kể từ đó, gia đình sống trong cô quạnh, không giao lưu với bên ngoài. Cậu bé không được sang nhà hàng xóm chơi. Họ lầm lũi bởi những lời đồn ác nghiệt của hàng xóm. 

“Người ta đồn, cha mẹ ăn ở ác đức nên con đẻ ra không có cơ quan sinh dục. Tôi nghe xong mà lòng nặng trĩu. Không hiểu sao, ca bệnh nào đến đây cũng thương tâm và nghèo khổ. Vì vậy, mình càng phải cố gắng chữa bệnh cho các con trở nên bình thường”, bác sĩ Hùng tâm tư. 

BS Lê Thanh Hùng kiểm tra vết mổ cho một bệnh nhi sống tại Bình Dương,

Ở nước ngoài, trẻ mắc dị tật như lỗ tiểu thấp, vùi dương vật được can thiệp rất sớm. Những trường hợp lỗ tiểu thấp thể nặng và phức tạp cần 2-3 lần phẫu thuật để hoàn thiện tạo hình, chức năng. 

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ từ 12 tháng đã có thể được phẫu thuật. Đôi khi vẫn có bệnh nhi trên 10 tuổi, bắt đầu dậy thì và có những xáo trộn tâm lý.  “Can thiệp khi đó sẽ khó khăn hơn. Dị tật sinh dục sửa lỗi càng sớm, trẻ càng tránh được tự ti, mặc cảm vì khi lớn lên, trẻ sẽ quên đi ký ức về ca phẫu thuật”, bác sĩ Hùng giải thích.

Không chỉ “sửa lỗi” dị tật, khoa Ngoại thận – Tiết niệu còn tiếp nhận những ca tai nạn gây biến dạng cơ quan sinh dục. Đầu năm 2022, một bệnh nhi 12 tuổi nhập viện, dương vật bị vùi trong lớp sẹo co rút. 

Gia đình cho biết, cách đây vài năm, cậu bé bị điện giật bỏng tay, chân và cả bộ phận sinh dục. Sau khi phẫu thuật, ghép da tại một bệnh viện lớn của TP, sẹo bị co rút gần như vùi mất luôn dương vật. Cha mẹ em vô cùng lo lắng khi con trai đã đến tuổi dậy thì. 

Sau nhiều đắn đo, các bác sĩ quyết định sẽ phẫu thuật và nhận thấy bộ phận sinh dục chỉ hoại tử một phần. Ê-kip nỗ lực bóc tách sẹo để dương vật dài ra thêm nhiều nhất có thể. Cuối cùng, bác sĩ tạo hình da dương vật từ da bìu để có hình hài hoàn thiện. 

Cậu bé và cha mẹ đều thở phào, ngay lập tức gọi video-call khoe thành quả với người thân ở quê. “Con trai có súng rồi nhé”, gia đình hân hoan. 

“Câu hỏi chúng tôi thường xuyên gặp là chức năng sinh lý sau này của các con có bình thường không. Tôi hay tếu táo trả lời, có khi cháu nó lấy 2-3 vợ vẫn được đấy. Thế là bố mẹ yên tâm ngay. Trẻ nhỏ vui, bố mẹ vui, bác sĩ chúng tôi cũng mừng lây”, bác sĩ Hùng nói. 

Linh Giao

Hội chứng lạ, 3 anh em trai có bộ phận sinh dục nữ hoá

3 anh em ruột ở Hà Giang mắc rối loạn phát triển giới tính, dù là nam nhưng bộ phận sinh dục lại bị nữ hoá.