Cháy nổ, tai nạn rình rập

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (CTCH) TP.HCM tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM. Nhiều năm qua, nhân viên y tế và người bệnh ở đây đều chung một nỗi khổ do cơ sở vật chất xuống cấp. 

Chắn phía ngoài bệnh viện là Ký túc xá Cao Thắng với tuổi đời hơn 60 năm. Tầng trệt hiện được cho thuê làm các điểm giữ xe máy, phí 10.000 đồng/lượt. Nếu người bệnh đến không đúng lúc, dù bỏ gấp đôi tiền cũng không còn chỗ gửi xe và chỉ có thể chờ đợi. 

Bất tiện là một chuyện, nguy hiểm lại là chuyện khác. 

Khu giữ xe máy ở tầng trệt ký túc xá tràn ra cả vỉa hè. 

Ngày 11/7/2019, một căn phòng ở ký túc xá này phát hỏa, toàn bộ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình phải di tản. Y bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân chạy theo 3 hướng, tránh trú sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới gần đó. Bệnh nhân đang mổ và hồi sức cũng được di chuyển khỏi vùng nguy hiểm.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM đã điều 13 xe cứu hỏa đến hiện trường. Sau khi an toàn, bệnh nhân lại được chuyển về Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, tiếp tục điều trị.

Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 31/7/2019, một vụ cháy khác lại xảy ra tại ký túc xá này. Bệnh viện lại thêm một phen hoảng hốt.

Ngay sau đó, tháng 8/2019, Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP, kiến nghị cần phải tháo dỡ ngay tòa nhà ký túc xá Trường kỹ thuật Cao Thắng.

Sở Y tế nhận định, tòa nhà này đã xuống cấp và gây nhiều sự cố lớn, có nguy cơ đe dọa tính mạng, sức khỏe đối với bệnh nhân, thân nhân và y bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.

Ví dụ, năm 2017, nước thải từ bô rác của ký túc xá đã chảy sang bệnh viện gây nhiễm khuẩn khu vực cấp cứu và hành lang. Năm 2015, một ống nước bằng sắt rơi từ lầu 8 ký túc xá, xuyên qua mái tôn bệnh viện đâm thẳng vào phòng mổ. Năm 2007, một tấm bê tông từ lầu 5 ký túc xá rơi xuống làm chết 1 người xe ôm. 

Đặc biệt, nếu sự cố xảy ra vào ban đêm, hậu quả sẽ vô cùng lớn bởi đặc thù người bệnh tại đây là bệnh chấn thương, di chuyển rất khó khăn…

Đến nay, sau 3 năm Sở Y tế gửi văn bản kiến nghị, ký túc xá Trường kỹ thuật Cao Thắng vẫn đang sừng sững trước mặt Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. 

Không biết khi nào được xây mới

Bên ngoài là nguy cơ cháy nổ, bên trong lại là cảnh quá tải kéo dài.

Ghi nhận ngày 1/8, chị Nguyễn Thị Nhãnh (36 tuổi, ngụ Đồng Tháp) đang tranh thủ chợp mắt giấc ngủ trưa ngay bên ngoài Hội trường A của bệnh viện. Con trai chị, V.M.M (17 tuổi) nằm trên giường xếp. M. bị tai nạn đứt gân tay, đứt dây thần kinh. Em được chuyển từ Đồng Tháp lên TP.HCM phẫu thuật. 

“Bác sĩ ở đây giỏi lắm nên tôi rất yên tâm. Nhưng bệnh viện chật và ngột ngạt, có phòng đến 10 người nằm giường sát nhau. Tôi vào trong thấy ngộp nên cho con ra nằm ở hành lang, dễ chịu hơn nhiều. Nhiều bệnh nhân cũng nằm vậy mà”, chị Nhãnh nói. 

Ở một số bệnh viện, hành lang trở thành phòng bệnh khi vào mùa dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết… Còn ở đây, quá tải diễn ra quanh năm. 

Bệnh viện xuống cấp và quá tải nhiều năm.

Trước khi có dịch Covid-19, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình là nỗi ám ảnh về sự xuống cấp và chật chội. Ở hiện tại, nội khu bệnh viện mới được sơn sửa sạch sẽ, nhiều khoa phòng được chỉnh trang lại. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bệnh viện vẫn là cơ sở y tế xuống cấp trầm trọng mà chưa được xây mới.

Trên thực tế, năm 2009, dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM mới đã được lập thiết kế xây dựng ở một vị trí khác, thay thế cơ sở hiện tại. Địa điểm là tại khu 6A, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Diện tích xây dựng 5,2 hecta, quy mô 500 giường. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.680 tỷ đồng. Thời gian dự kiến khởi công vào quý 2 năm 2017. 

Tuy nhiên, dự án chậm trễ nhiều năm dù cơ quan chức năng nhiều lần vào cuộc. Nguyên nhân được cho là vì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Hơn 10 năm sau, dự án này đã không còn được ai nhắc đến. Còn người bệnh và nhân viên y tế vẫn nơm nớp nỗi lo cháy nổ, xuống cấp mỗi ngày. 

Nhiều công trình y tế TP.HCM vượt sóng Covid-19

Trong khi dự án xây mới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình dường như ... mất tích, năm 2022, ngành y tế TP.HCM vẫn nỗ lực đưa vào hoạt động nhiều công trình quan trọng khác. Cụ thể như: Trung tâm tim mạch chuyên sâu trẻ em (Bệnh viện Nhi đồng 1), Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2; khởi công Trung tâm điều trị kỹ thuật cao (Bệnh viện Nhi đồng 2)...