Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy hoàn toàn.

Tại Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh luôn nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để quản lý, xử lý vấn đề rác thải y tế. Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thu gom, phân loại và xử lý chất thải y tế. Các đơn vị phải có khoa, phòng, cán bộ chuyên về công việc xử lý môi trường y tế, không để xảy ra các sự cố môi trường y tế đáng tiếc nào trên địa bàn. 

Để đảm bảo cho xử lý chất thải y tế lâu dài, bền vững, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quyết định số 578 từ năm 2020 về việc thu gom, vận chuyển xử lý chất thải y tế nguy hại. Việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phân chia theo 4 cụm là: Khu xử lý chất thải rắn Khe Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên và Trung tâm Y tế huyện Hải Hà với công nghệ lò đốt chưng cất khí khô tiên tiến của Nhật Bản và công nghệ vi sóng ở áp suất thường tích hợp nghiền, cắt.

Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) là điểm sáng về công tác xử lý rác thải y tế.  Trung bình hàng ngày Bệnh viện khám trên 1000 lượt người, điều trị nội trú, 1000 bệnh nhân và hơn 900 cán bộ, nhân viên, người lao động. Áp lực về rác thải tại đây vô cùng lớn. 

hcat thai.png
Khu lưu trữ chất thải của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí. Ảnh: Giang Nhị. 

Với lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày một tăng, cùng với xu thế sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong ngành y tế đã khiến lượng chất thải y tế tại đây phát sinh nhiều, việc quản lý xử lý chất thải rắn y tế trở nên quá tải. Ban lãnh đạo bệnh viện đã chú trọng phân công, thực hiện theo đúng quy chế của Bộ Y tế, tiếp cận áp dụng các công nghệ xử lý chất thải y tế mới có xu hướng thân thiện với môi trường. Bệnh viện đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt rác thải y tế và hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Hằng ngày, bệnh viện đã triển khai đầy đủ việc phân loại chất thải y tế tại nguồn, thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn y tế, nước thải y tế bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển rác thải y tế tại các khoa lâm sàng và các kho chứa chất thải; Quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện đều được đánh giá thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng đang triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực y tế nằm trong “Dự án giảm thiểu ô nhiễm” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Tổ chức Winrock International được USAID ủy quyền quản lý và hỗ trợ kỹ thuật. Chương trình được triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 với mục đích nhằm gia tăng khả năng xử lý và tái chế rác thải nhựa y tế, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, Bệnh viện đang triển khai các sáng kiến giảm thiểu rác thải y tế: Tái chế chất thải nhựa lây nhiễm sau xử lý bằng công nghệ không đốt. Đây là giải pháp tái chế chất thải nhựa y tế bằng phương pháp hấp, không phát sinh khói bụi, các chất khí độc hại ra môi trường so với phương pháp lò đốt, sản phẩm đầu ra đảm bảo an toàn trong y tế. 

Bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, công nghệ này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn cả có giá trị trong bảo vệ môi trường, giảm thải tác hại của rác thải y tế với môi trường.

Khánh Chi