Nền tảng sẵn sàng cho chuyển đổi số

Tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Lê Nguyên Bồng đã báo cáo về tình hình triển khai một số nội dung liên quan đến công tác xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm và triển khai nâng cấp dịch vụ, tiện ích ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”.

Đây là những nền tảng quan trọng phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam bên cạnh việc hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, xây dựng các phần mềm, thu thập dữ liệu của ngành những năm qua.

{keywords}
 

Về công tác xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định CSDL quốc gia về bảo hiểm. Trong đó, BHXH Việt Nam đã rà soát, chuẩn hóa các CSDL chuyên ngành của ngành để cung cấp cho CSDL quốc gia về bảo hiểm các thông tin theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 43/2021/NĐ-CP; đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đồng bộ, hoàn thiện CSDL.

Đến nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc rà soát đối chiếu hàng triệu thông tin cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư. Ngày 28/5/2021, BHXH Việt Nam đã triển khai việc xác thực thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công (DVC) BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID...

Về việc triển khai nâng cấp dịch vụ, tiện ích trên ứng dụng VssID: Từ khi ra mắt đến nay, ứng dụng đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp. Hiện ứng dụng có nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Cùng với đó, ứng dụng VssID còn cung cấp các tiện ích tra cứu: Mã số BHXH; cơ quan BHXH; cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT; cơ sở KCB cấp giấy nghỉ hưởng chế độ BHXH; đơn vị tham gia BHXH; điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình;… Và các DVC của ngành như: Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng BHXH…

Đặc biệt, sau 2 lần nâng cấp, ở phiên bản 1.5.3, ứng dụng VssID đã có thêm nhiều tính năng tiện dụng như: Cho phép người dùng đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (đăng ký trên ứng dụng, không qua Cổng DVC; hỗ trợ tra cứu, quét mã QR thẻ BHYT/thẻ CCCD để tự động điền các thông tin mã số BHXH, họ tên, số CCCD, địa chỉ; bổ sung lựa chọn gửi email tờ khai...);…

Với phiên bản 1.5.4, ứng dụng thêm tính năng cho phép người dùng đăng ký tài khoản giao dịch điện tử cho con dưới 18 tuổi; tính năng hiển thị hình ảnh cá nhân tại màn hình "Sử dụng thẻ BHYT" giúp việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB thêm thuận tiện, chặt chẽ…

Nỗ lực triển khai chuyển đổi số

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, những năm qua, việc ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặt nền tảng quan trọng, vững chắc cho việc chuyển đổi số của ngành, góp phần vào thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia. CSDL của ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với CSDL quốc gia và các bộ, ngành, địa phương. Các phần mềm, ứng dụng của ngành không ngừng được nâng cấp, cải tiến, kết nối, liên thông, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN..

Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, cụ thể hoá nhiệm vụ của từng đơn vị trong công tác chuyển đổi số của ngành để góp ý cụ thể hơn vào kế hoạch; hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, hoàn thiện các phần mềm, ứng dụng, dữ liệu để kết nối, liên thông; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong các vấn đề liên quan… Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo mật, an toàn thông tin khi CSDL của ngành ngày càng lớn và có tính thiết yếu với mỗi người dân, người lao động.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý, công cuộc chuyển đổi số của ngành có khối lượng công việc rất lớn nên cần có lộ trình, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm. Bên cạnh việc chuyển đổi số của toàn ngành thì mỗi đơn vị, cán bộ trong ngành cũng cần có sự chuyển đổi để phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thúy Ngà