"Thành phố đóng"

Thành phố Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg, Nga) từng là trung tâm sản xuất chính của tổ hợp công nghiệp-quân sự Liên Xô kể từ Thế chiến II. Thành phố này đôi khi được gọi là Pittsburgh của Nga vì có ngành công nghiệp sản xuất thép. Tại đây, người ta sản xuất xe tăng, tên lửa và các loại vũ khí trang bị khác. Đến những năm 1970, 87% sản phẩm công nghiệp của thành phố phục vụ quân sự, chỉ 13% cho dân sự. Trong Chiến tranh Lạnh, Sverdlovsk đã trở thành một "thành phố đóng" của Liên Xô – nơi người nước ngoài bị hạn chế đi lại.

Cơ sở chiến tranh sinh học ở Sverdlovsk được xây dựng trong giai đoạn từ 1947-1949 và là cơ sở phụ của cơ sở quân sự chính ở Kirov. Nó tiếp nhận địa điểm trước đây là Học viện Bộ binh Cherkassk-Sverdlovsk, tiếp giáp với khu công nghiệp phía nam của thành phố. Cơ sở mới, được gọi là Viện Nghiên cứu Khoa học Vệ sinh của Bộ Quốc phòng Liên Xô, bắt đầu hoạt động ngày 19/7/1949. Năm 1974, viện được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Khoa học Chế phẩm vắc xin vi khuẩn.

{keywords}
Nguyên nhân dịch bệnh than ở Sverdlovsk năm 1979 vẫn chưa được sáng tỏ. Ảnh: Topcor

Cơ sở Sverdlovsk trên thực tế nằm trong một căn cứ quân sự được gọi là Khu liên hợp 19 (“phố lính”), được thành lập từ năm 1947-1949. Ngay tại trung tâm Khu liên hợp 19 được canh gác và được rào bằng hàng rào thép gai là khu làm việc đặc biệt, nơi đặt tòa nhà hành chính cùng với các phòng thí nghiệm bí mật và các đơn vị sản xuất nằm dưới lòng đất.

Điều gì đã thực sự xảy ra?

Ngày 4/4/1979, bệnh nhân đầu tiên tử vong ở Sverdlovsk được báo cáo. Sau đó, trong 2-3 tuần hầu như ngày nào cũng có 5 người chết. Chẩn đoán xác định dạng bệnh than (Bacillus anthracis) chỉ được đưa ra vào ngày 10/4, sau khi khám nghiệm tử thi. Theo nhiều nguồn khác nhau, từ 65 đến 100 người chết vào thời điểm đó.

Bệnh than đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến nhà máy sản xuất gốm sứ nằm ở phía nam “phố lính”, nơi có ít nhất 18 công nhân đã chết. Vụ việc là yếu tố chính đầu tiên để phương Tây cho rằng Liên Xô đã bắt tay vào một chương trình nhằm phát triển và sản xuất quy mô lớn vũ khí sinh học.

Hàng đêm, các đội hóa học đi quanh thành phố và khử trùng kỹ lưỡng các đường phố. Để đối phó với sự cố, chính quyền Xô Viết đã điều động các đội y tế ở huyện bị ảnh hưởng. Teracycline đã được sử dụng cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, các phòng bệnh đã được khử trùng và thu dọn khăn trải giường và quần áo có khả năng bị ô nhiễm. Chiến dịch kiểm tra bệnh tật của các thành viên trong gia đình đã được thực hiện.

Những người bị sốt đã được chuyển đến phòng khám đa khoa và những người bị bệnh nặng được chuyển đến Bệnh viện địa phương 40. Ngày 22/4, một ủy ban đặc biệt đã được Moscow thành lập để quản lý sự cố. Việc tiêm phòng quy mô lớn cho người dân ở huyện Chkalovskii bị ảnh hưởng cũng được chính quyền thực hiện. Tổng cộng, khoảng 80% trong số khoảng 59.000 người đủ điều kiện đã được tiêm vắc xin bệnh than STI của Liên Xô.

Có một số giả thuyết về cách bệnh than xâm nhập vào thành phố. Theo một trong số đó, nguyên nhân là do vật nuôi bị nhiễm bệnh các trường hợp tử vong do tiêu thụ thịt nhiễm độc từ khu vực.

Theo giả thuyết khác, một trong những nhân viên phòng thí nghiệm sinh học bí mật đã vô ý loại bỏ một bộ lọc ô nhiễm để bảo vệ môi trường khỏi mối đe dọa rò rỉ các chất độc hại, không chép vào sổ trực ban. Ca tiếp theo bật thiết bị, từ đó các bào tử than bắt đầu phát tán mà không bị cản trở. Cùng với gió, đám mây chết chóc bay về phía đông nam và phía nam, kết quả là những người sống ở “phố lính” 32 lân cận, cũng như công nhân của nhà máy gốm, bắt đầu bị ảnh hưởng.

Giả thuyết do sơ suất không hoàn toàn phù hợp, bởi vì bộ lọc là hai hoặc ba tầng, được tích hợp trong các hệ thống kỹ thuật. Ngay cả khi một bộ lọc bị hỏng, hai bộ lọc nữa được lắp đặt để đảm bảo an toàn hơn, vì vậy giả thuyết phá hoại có vẻ hợp lý hơn. Cũng có vẻ kỳ lạ khi các bào tử bệnh than có thể bay một quãng đường dài 50km với nồng độ cần thiết. Bình thường, càng gần nguồn nhiễm thì thương vong phải càng lớn. Nhưng trong sự cố này, mọi thứ đều ngược lại - ở “phố lính” không ai bị bệnh than!

Có một giả thuyết cho rằng đó là một vụ phá hoại. Mikhail Supotnitsky, Tiến sĩ Sinh học, người làm việc tại “phố lính”, gắn dịch bệnh tại địa phương với các điệp viên nước ngoài. Một sự thật đáng kinh ngạc, cũng khẳng định sự phá hoại đó là thời gian ủ bệnh của bệnh than xâm nhập qua đường hô hấp là 4-5 ngày. Theo các nhà khoa học, bị nhiễm bệnh than không dễ - cần ít nhất 40 nghìn bào tử để lây nhiễm cho một người.

Lần đầu tiên ở phương Tây nói về vụ Sverdlovsk là vào tháng 1/1980 trên một tạp chí ít người biết đến ở Frankfurt có tên là Possev, được xuất bản bởi một nhóm người Nga di cư. Năm 1986, Giáo sư Matthew Meselson thuộc Đại học Harvard được chấp thuận ở 4 ngày tại Moscow, nơi ông phỏng vấn một số quan chức y tế cấp cao của Liên Xô về sự bùng phát dịch bệnh.

Báo cáo của ông đồng ý với nhận định của Liên Xô rằng, vụ bùng phát là do một nhà máy chế biến thịt bị ô nhiễm, kết luận lời giải thích chính thức của Liên Xô là hoàn toàn "hợp lý và phù hợp với những gì được biết từ các tài liệu y tế và ghi chép kinh nghiệm của con người với bệnh than".

Tuy nhiên, giả thuyết các sự kiện ở Liên Xô đã bị hư cấu nghiêm trọng khi, vào tháng 10/1991, Wall Street Journal đã cử Giám đốc Văn phòng Moscow, Peter Gumbel, đến Sverdlovsk để tái điều tra.

Sau khi phỏng vấn nhiều gia đình, nhân viên bệnh viện và bác sĩ, ông được cho là đã phát hiện ra giả thuyết của Liên Xô "đầy rẫy những mâu thuẫn". Tiếp theo là sự thừa nhận vào tháng 5/1992 của Tổng thống Yeltsin, người từng là Bí thư Đảng ủy Sverdlovsk vào thời điểm vụ tai nạn rằng, KGB đã tiết lộ với ông rằng "sự phát triển quân đội là nguyên nhân".

Dựa trên những báo cáo đó, một nhóm các nhà khoa học phương Tây do Meselson dẫn đầu đã được tiếp cận khu vực này vào tháng 6/1992. Họ đã được chính quyền cung cấp danh sách 68 nạn nhân vụ việc được biết đến ở Sverdlovsk.

Bằng cách hỏi và thăm tại nhà những người thân của những người quá cố, các nhà nghiên cứu điều tra đã xác định được cả nơi các nạn nhân đã sống và nơi họ có mặt vào thời điểm có khả năng bào tử bệnh than được thả vào không khí. Khi các vị trí được vẽ trên bản đồ, những nơi mà các nạn nhân sinh sống không đưa ra được manh mối rõ ràng.

Tháng 8/2016, tạp chí Science đưa tin, nhà nghiên cứu bệnh than Paul Keim của Đại học Bắc Arizona và các đồng nghiệp đã cố gắng giải trình tự bộ gen của Bacillus anthracis từ hai mẫu lấy từ nạn nhân của vụ rò rỉ bệnh than Sverdlovsk.

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã có thể phân lập DNA của mầm bệnh và ghép toàn bộ bộ gen của nó lại với nhau, so sánh nó với hàng trăm chủng bệnh than khác. Keim và cộng sự cho biết, họ không tìm được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy quân đội Liên Xô đã cố gắng phát triển một chủng kháng sinh hoặc kháng vắc xin hoặc biến đổi gen theo bất kỳ cách nào.

Tháng 8/2020, cáo buộc liên quan đến chương trình vũ khí sinh học, Cục Công nghiệp và An ninh Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt các hạn chế trong "danh sách đen" đối với ba viện sinh học quân sự của Nga. Một trong số đó là viện Sverdlovsk (hiện hoạt động dưới tên Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương 48, Yekaterinburg). Tuy vậy, ngày 2/3/2021, các biện pháp trừng phạt bổ sung của Mỹ đã được áp đặt đối với viện này cùng với các viện quân sự liên quan của nó ở Kirov và Sergiev Posad.

Theo VOV

Xem thêm tin thời sự quốc tế trên VietNamNet

 

Vắc xin đã thay đổi lịch sử loài người như thế nào?

Vắc xin đã thay đổi lịch sử loài người như thế nào?

Nước Nga thời Nga hoàng và Liên Xô là một trong những quốc gia tiến bộ nhất về tiêm chủng và bảo vệ dân chúng trước các bệnh truyền nhiễm.