Ngay khi tiến hành tháo các lớp vải liệm của bà Hiệu, chúng tôi bất
ngờ phát hiện thi thể của bà đẹp như con gái. Dẫu da dẻ do thời gian nên có màu
tái xanh.
TIN BÀI KHÁC
Tháng Giêng năm 1994. Trong đợt chỉnh trang các khu nghĩa địa và khu gò mả nhỏ
lẻ cho phù hợp với kiến trúc đô thị chung, nhiều công nhân bắt đầu tiến hành
khai quật 16 ngôi mộ nằm riêng lẻ trong khu xóm Cải, quận 5.
Những ngôi mộ khác được tiến hành bình thường, cho đến khi các công nhân chạm
phải ngôi mộ nằm trong khuôn viên cả trăm mét vuông với kết cấu chắc chắn như
một ngôi đình.
Cứ liệu lịch sử của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM ghi chép rất tỉ mỉ về
kết cấu ngôi mộ này. Vòng thành mộ hình chữ nhật có kích thước dài 10m, ngang
6m, cao 1,2m, dày 0,8m. Cổng tam quan có hình mặt tròn, trang trí búp sen trên
đầu cột. Cổng cao 1,4m , rộng 0,8 m vào cao 0,6m được xây dựng có mái vòm cong
lót giả ngói ống trang trí hình rồng. Sân thờ là khoảng đất rộng có chiều dài
6m, và ngang 4m…
Gò mộ là khối hợp chất lớn dài 3,6m, rộng 3m,cao 3,2m bao gồm 2 phần: Phần trước
có bia mộ nằm chìm trong khối hợp chất và phần sau có trang trí hoa văn, mỗi bên
hông đều có vẽ hình mặt tròn lớn. Chữ trên bia mộ đã bị mòn, chỉ đọc được 3 chữ
Kỷ Tỵ Niên.
Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu nay được đặt trong tủ kính và bện cạnh là chiếc quan
tài bằng gỗ tại bảo tàng (Ảnh: VnMedia) |
Huyệt mộ nam dài 2,3m, rộng 0,8m, sâu 1,56m, từ miệng huyệt xuống đến đáy mộ được bao phủ nhiều lớp hợp chất. Đáng lưu ý, có một lớp cát mỏng phủ trên quách gỗ. Quách và quan tài còn nguyên màu sơn đen, bên trong quan tài còn lại một ít xương cốt và những hiện vật như: 7 chiếc nhẫn vàng có mặt đá, quạt giấy, lược, ống và cây ngoáy trầu bằng đồng, hộp bạc có dây xích hình cầu dẹt chạm dây lá, nút áo mạ vàng, bút lông…
Trao đổi với PV, nhà khảo cổ học lừng danh Đỗ Đình Truật cho biết thêm: Ngay khi tiến hành tháo các lớp vải liệm của bà Hiệu, chúng tôi bất ngờ phát hiện thi thể của bà đẹp như con gái. Dẫu da dẻ do thời gian nên có màu tái xanh. Những trang sức bà Hiệu mang theo khi chết nhiều khả năng được xứ Chân Lạp tiến cống cho triều đình nhà Nguyễn. Vua nhà Nguyễn ban lại cho người thân, nên bà có được. Tôi tin, bà Hiệu là em ruột của Nguyễn Phúc Luân, Cha của Nguyễn Ánh, tức Gia Long. Xét, bà là cô ruột của Vua Gia Long, nên mộ của bà mới đồ sộ như vậy. Theo khảo sát của tôi, bà Hiệu đi tu từ rất sớm nên không thể có chồng. Ngôi mộ được gọi là mộ ông, tôi không được biết. Nhưng, có chi tiết quan trọng không thể bỏ lỡ đó chính là, khi tiến hành khai quật ngôi mộ cổ của bà Hiệu, chúng tôi phát hiện có mộ yểm. Mộ yểm, chính là những ngôi mộ của các cung nữ hoặc binh lính được chôn theo để bảo vệ chủ nhân. Mộ yểm, còn có ý nghĩa khác về mặt tâm linh. Ngôi mộ yểm mà tôi đào được nằm sâu dưới lòng đất, có thể đó là mộ của binh lính, xương cốt đã vỡ vụn. Khi mang thi thể bà Hiệu về Trường đại học Y Dược để nghiên cứu, chúng tôi đã sơ suất quên mất việc khảo nghiệm hàng tạ nhựa thông lâu năm được đặt dưới quách của bà Hiệu. Thứ nhựa thông quý, có khả năng tạo ra mùi thơm hàng trăm năm cũng như ngăn chặn không cho vi khuẩn lẫn côn trùng hủy hoại thi thể người chết. Do sơ suất này, hàng tạ nhựa thông đã bị ăn cắp hết. Chất liệu để xây mộ cho đến giờ còn là một bí ẩn, bởi độ kết dính lẫn khả năng chịu tác dụng ngoại lực của khối hợp chất này là khủng khiếp. Chúng ta chỉ có thể biết đến một số chất và suy đoán thêm, nhưng cách thức, tỷ lệ để phối hợp hợp chất thì không thể đoán biết hết được. |
Huyệt mộ nữ nhỏ hơn huyệt mộ nam một chút. Quách và quan tài còn nguyên vẹn, tiến hành mở quách rồi mở tấm ván thiên quan tài, giới khảo cổ thấy bên trong được sắp xếp rất ngăn nắp. Phía trên là 2 chiếc chiếu cói trải rộng che phủ diện tích áo quan, 2 chiếc chiếu này còn giữ được màu sắc tươi mới. Phía dưới 2 chiếc chiếu cói là một lớp giấy bản, từng tờ cuộn dày khoảng 10cm trải đều. Tiếp đến, là một tấm lá triệu (có thể là lá phướn – PV) bằng lụa, trên mặt lụa có nhiều chữ Hán nhưng do bị dung dịch làm nhòe mặt chữ, nên giới khảo cổ chỉ đọc được 4 chữ với nghĩa là “… Hoàng gia cung liệm”.
Kế đến, là một lớp vải tròn thắt 9 nút cũng trải đều trên diện tích mặt áo quan. Nhiều khả năng, 9 nút thắt này tượng trưng cho phái nữ theo tín ngưỡng “Nam thất nữ cửu” (Trai 7 gái 9).
Phần chính yếu là một bọc dài lớn cuốn bằng lụa và gấm, có 9 dây vải cũng thắt 9 nút. Tiến hành tháo mở lớp vải này, giới khảo cổ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra xác của người phụ nữ hầu như còn nguyên vẹn, tóc vẫn còn đen mun. Duy chỉ có điều, nhãn cầu và sụn mũi đã bị phân hủy, da và các khớp, cơ… vẫn còn mềm có màu tái xanh. Phía dưới chân người phụ nữ này còn đi hài bằng vải bố thêu kim tuyến, bên cạnh là một đôi hài khác.
Xác ướp được quấn hàng chục lớp vải may theo kiểu vừa áo vừa quần bằng lụa và gấm, áo rộng cài khuy chéo. Khuy được làm bằng mã não và kim loại mạ vàng.
Trên cổ xác ướp này còn có một xâu chuỗi lằm bằng hạt bồ đề, một túi nhỏ bằng gấm, bên trong có phong bì thư đựng 3 tờ giấy viết chữ Hán, bao gồm 1 tờ ghi chép bài chú Vãng sanh Tịnh độ, một tờ ghi tên năm vị phật và một tờ giấy khác với ngữ nghĩa của việc quy y. Trên 2 cổ tay của xác ướp có đeo 2 vòng kim loại bằng vàng.
Dưới lớp vải bọc xác là một lớp nhựa thông dày khoảng 10cm. Sau cùng, là một tấm gỗ đục 7 lỗ theo hình Thất tinh, cách ván địa vài xentimet. Với tấm gỗ này, vô hình trung đã tạo một cỗ áo quan có hai đáy.
Tất cả những vật dụng này đều được thấm một lớp dung dịch màu đỏ, có mùi thơm, hơi nhầy.
Trong bức ảnh đươc chụp lại khi tiến hành mở vải bóc xác, còn thể hiện lớp dung dịch đỏ thẫm này rất dày và có cảm giác sền sệt như hồ dán.
Sau khi kiểm tra sơ bộ, xác ướp này được chuyển về Bệnh viện Đại học Y Dược để tiếp tục nghiên cứu và khảo nghiệm. Kế đến, giới khảo cổ chuyển giao lại xác ướp cho Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Và từ khi ấy cho đến nay, xác ướp trên được lưu giữ tại nơi này.
Những vật dụng tùy táng cộng với dòng chữ “Hoàng gia cung liệm”, bên cạnh vị trí của ngôi mộ, cho phép nhận định đây là ngôi mộ của hai người thuộc hoàng thân triều Nguyễn. Niên đại được xác định là vào thời Vua Tự Đức.
Mật mã xác ướp cổ
Căn cứ vào các di vật tìm kiếm được trong huyệt mộ nữ, giới khảo cổ tạm chấp nhận quan điểm về nhân thân của xác ướp này. Bà tên là Nguyễn Thị Hiệu, có khả năng mất vào năm 60 tuổi.
Việc bảo quản xác ướp bà Hiệu là nhằm kéo dài tuần lễ ma chay, điều chỉ thực hiện ở các tầng lớp trên, dành cho Hoàng thân quốc thích. Tiếp đến, phân tích vào tờ lòng phái quy y và những chữ Hán còn sót lại trong mảnh lụa phủ quan tài, có thể thỏa mãn nhận định: “Bà Hiệu có pháp danh là Minh Trường. Vị sư truyền đạo cho bà là Thiền sư Chánh Niệm, tên húy là Tiên Liễu, thuộc đời thứ 37 dòng đạo Bổn Nguyên, tông Lâm Tế. Nhiều khả năng bà là dâu hoặc thân thích bên đằng ngoại của các chúa hay vua triều Nguyễn”.
Khi tiến hành khai quật ngôi mộ trên, giới khảo cổ xác định được vật liệu xây dựng một rất cầu kỳ. Đó là một hỗn hợp vôi sống giã nhỏ từ san hô, vỏ sò trộn với cát, mật đường mía, than và một số chất khác chưa phân tích được. Tất cả hỗn hợp này khi quyện vào nhau trở thành một kết cấu bền chắc đến mức “cứng hơn cả bê tông”.
Để bảo vệ xác ướp, có thể gia quyến của bà Hiệu đã dùng hợp chất này đổ thành
một khối thống nhất và hết sức rắn chắc bao bọc toàn bộ nấm mộ sâu đến tận huyệt.
Khi khai quật, các nhà khảo cổ phải nhờ đến sức của 15 công nhân mày mò đục từng
mảnh nhỏ của khối kết cấu này, đục ròng rã 40 ngày mới chạm được đến lớp cát dày
khoảng 40cm phủ trên quách của quan tài.
Nhà khảo cổ học lừng danh Đỗ Đình Truật, người có mặt từ đầu cho đến cuối để
giám sát và tìm hiểu việc khai quật mộ cổ đã mô tả chi tiếc ngôi mộ và lai lịch
xác ướp.
Theo tư liệu của nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật thì bọc ngoài quan tài là cái quách
bằng gỗ rất dày, cao 0,5m dài 2,2m. Toàn bộ quách và quan tài được phủ một lớp
sơn ta cổ, rất tốt và kín mịt tựa như lớp dầu hắc (hắc ín). Chính nhờ lớp sơn
này, mà nước mưa thấm vào lòng đất không thể ngấm vào áo quan và dung ướp xác
cũng không tràn ra bên ngoài. Việc dung dịch ướp xác không tràn ra bên ngoài,
giúp cho thi hài của người chết được bảo quản tốt. Đó là lý do vì sao thi hài
của bà Nguyễn Thị Hiệu hầu như còn vẹn nguyên, trong khi thi hài của ngôi mộ kế
bên (khả năng rất cao là chồng của bà Hiệu) dung dịch bị tràn ra ngoài nên chỉ
còn xương cốt.
Đôi hài còn lại được đặt bên cạnh chân của bà Hiệu được dục 7 lỗ theo chòm sao
Đại Hùng tinh Bắc Đẩu rất giống với những ngôi mộ cổ của bậc cung phi, hoàng
thân vua chúa từng được khai quật ở khu vực phía Bắc. Quan niệm về chòm sao Đại
Hùng tinh Bắc Đẩu xuất phát từ đạo Lão, người xưa tin rằng chòm sao trên sẽ bảo
vệ vong linh người đã chết thoát khỏi các tai ương của đời sống dưới cõi âm.
Về dung dịch bao bọc xác ướp bà Hiệu, cô hướng dẫn viên bảo tàng nói với tôi
rằng được tạo thành bởi dung dịch vữa ô dước và nhựa thông. Vữa ô dước ở miền
Bắc còn gọi là nhựa dây tơ hồng, một hợp chất tự nhiện có độ kết dính rất cao.
Nhà khảo cổ Đỗ Văn Ninh viết, những cách thức bảo quản này giữ được các ngôi mộ
cổ hầu như còn nguyên vẹn cả quan tài và các di vật chôn theo. Thậm chí, cả
miếng cau tươi, cả miếng trầu không, hộp thuốc, quạt giấy, tràng hạt… đều có màu
sắc như mới, cảm giác rằng có thể nhón tay bắt lấy và sử dụng được.
Sau khi bị không khí xâm nhập, thi thể của bà Hiệu đã không còn mềm như lúc được
bao bọc bởi dung dịch. Quan sát xác của bà đặt trong lồng kính của Viện Bảo tàng,
thấy thi hài bà đã trở nên khô cứng như mảnh cau khô. Duy trên đầu, vẫn còn chỏm
tóc dài màu đen, phất phơ. Hốc mắt và mũi của bà gần như bị phân hủy hoàn toàn.
Vài năm trước, khi vào Viện Bảo tàng thăm quan, tôi còn được thấy những vật dụng
tùy táng của bà. Nhưng hiện tại, thi thể của bà Hiệu đã được đặt trong một không
gian khác, đẹp hơn, trông thoáng hơn… nhưng do kết cấu của căn phòng nên những
vật dụng này không còn khoảng không để trưng bày buộc phải lưu giữ trong kho của
Viện Bảo tàng. Các mảnh xương sọ của cụ ông cũng được lưu trữ trong kho này.
Theo định kỳ, thi thể của bà Nguyễn Thị Hiệu sẽ được đưa ra khỏi lồng kín để bảo
quản bằng hóa chất hiện đại… trăm năm nữa, thi thể của bà sẽ tự phân hủy (?!).
Có thể nói, xác ướp gần như còn vẹn nguyên của bà Hiệu là xác ướp rất độc đáo mà
giới khảo cổ vô tình phát hiện được tại Sài Gòn. Còn để xác định sâu hơn nhân
thân của bà hiệu, có lẽ vẫn còn phải chờ. Kể cả gốc tích nơi sinh sống, gia
quyến, phẩm hàm, mối quan hệ với vương triều Gia Long…
(Theo 24h/An ninh thế giới)