"Chúng tôi vẫn hợp tác vô cùng chặt chẽ với Pháp trên nhiều ưu tiên chung, không chỉ ở riêng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì giá trị nền tảng cho mối quan hệ đối tác đó", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo hôm 16/9.
Theo hãng thông tấn Reuters, tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken được cho là nhằm xoa dịu Pháp, sau khi quốc gia châu Âu này phản ứng giận dữ vì không được báo trước về thỏa thuận hợp tác an ninh xuyên lục địa giữa Mỹ, Anh và Australia, gọi tắt là AUKUS.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP |
Theo thỏa thuận này, Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia có thể chế tạo các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không trang bị vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận sẽ giúp Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu loại tàu ngầm chạy bằng nguồn năng lượng này.
Tuy nhiên, AUKUS cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Pháp, khi Australia sẽ hủy bỏ thỏa thuận mua các tàu ngầm trị giá khoảng 40 tỷ USD từ tập đoàn đóng tàu Pháp Naval.
Giới chức Pháp đã giận dữ chỉ trích cả Australia và Mỹ vì thỏa thuận trên. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 16/9 đã phát biểu: "Đó thật sự là một cú đâm sau lưng. Chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ tin cậy với Australia, nhưng niềm tin này đã bị phản bội. Hôm nay, tôi rất tức giận và cay đắng... Đây không phải là điều mà các đồng minh làm với nhau".
Ngoại trưởng Le Drian cho rằng, động thái của chính quyền Tổng thống Joe Biden gợi nhớ đến người tiền nhiệm Donald Trump, người từng khiến châu Âu phải lúng túng với những quyết định không thể đoán trước. Ông cũng đồng thời mô tả những gì đã xảy ra là "không thể chấp nhận được".
Về phần mình, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết giới chức Mỹ đã liên lạc với các đối tác bên Pháp trong vòng 24-48 giờ qua để thảo luận về AUKUS, trước cả khi thỏa thuận được công bố chính thức. Tuy nhiên, người phát ngôn Đại sứ quán Pháp tại Washington D.C. cho biết hai bên chưa có cuộc thảo luận nào về vấn đề này.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, AUKUS đang "gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, làm gia tăng các hoạt động chạy đua vũ trang và gây tổn hại đối với các nỗ lực quốc tế nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân".
Nhà Trắng đã bảo vệ quyết định tiến hành thỏa thuận hợp tác an ninh với Anh và Australia, đồng thời bác bỏ những chỉ trích từ cả Trung Quốc và Pháp về thỏa thuận này. Hôm 16/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định việc triển khai AUKUS “không nhằm mục đích gây xung đột với Trung Quốc".
Việt Anh
Mỹ, Anh, Australia công bố thỏa thuận hợp tác an ninh-quốc phòng
Mỹ, Anh và Australia vừa công bố một thỏa thuận hợp tác an ninh-quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.