Theo quy định, sau ngày 01.01.2022, mọi xe thực hành của học viên tại trường lái phải lắp thiết bị giám sát nếu muốn được hoạt động đào tạo. Không lắp thiết bị giám sát học viên lái xe, trung tâm sát hạch sẽ bị xử phạt theo quy định của Nhà nước.

Hiện nay, tất cả các xe học lái đã được lắp thiết bị giám sát. Thế nhưng, nhiều giáo viên và học viên học lái xe ôtô kêu trời vì thiết bị giám sát.

Nhiều giáo viên cho rằng lắp thiết bị trên xe học lái là cứng nhắc. Ảnh H.A

Giáo viên Mai Lâm Quý, Trung tâm đào tạo lái xe Đức Thịnh cho biết: “Từ khi lắp thiết bị giám sát thực hành chúng tôi gặp phải không ít khó khăn. Mỗi lần lên xe xuống xe phải quẹt thẻ vô cùng bất tiện. Nếu như quên quẹt thẻ hoặc thẻ bị trục trặc coi như công sức buổi học của cả thày cả trò đổ xuống sông, xuống biển”.

Anh Quý cho biết thêm, theo quy định mới giờ học lái xe thực hành trên đường giao thông đã tăng lên. Cụ thể,  đối với hạng B1 (học xe số tự động) tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 20 giờ lên 24 giờ, số km học theo quy định là 710 km. Đối với hạng B1 (số sàn) và hạng B2, tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 36 giờ lên 40 giờ. Số km học theo quy định là 810 km.

Việc học lái xe trên đường giao thông có rất nhiều tình huống nên việc lắp hành trình theo dõi là rất cứng nhắc. Ví dụ như theo quy định đi trong quá trình  học lái xe 2 tiếng phải nghỉ đủ 15 phút, nhưng nếu gặp phải trời mưa hay sự cố cần phải di chuyển thì lại không đáp ứng theo yêu cầu.

Anh Quý cho biết thêm, thời gian qua có học viên ở Sơn La học lái xe ôtô trên đường giao thông đủ 710 km. Thế nhưng, khi gửi dữ liệu về trung tâm bị lỗi hơn 300 km. Vậy là học viên này phải học lại 300 km mới được đi thi. Toàn bộ chi phí xăng xe, học lái phát sinh mất thêm 5 triệu đồng.  

Không chỉ giáo viên mà ngay cả học viên học lái xe ôtô cũng cảm thấy khó chịu với thiết bị giám sát xe dạy lái. Anh Trần Hòa, một học viên lái xe ở Nam Định cho biết: “trên xe  ôtô tập lái có lắp camera chiếu thẳng vào mặt khiến tôi vô cùng căng thẳng. Khi lái xe tôi khó mà tập trung được vì cảm giác bị theo dõi thời gian dài rất khó chịu”.

Còn chị N.T.T, một học viên lái xe ở Hà Nội thì tỏ ra bức xúc: “Hôm trước tôi học lái gần 2 tiếng đồng hồ trên đường giao thông với giáo viên nhưng sau đó giáo viên cho biết đường truyền bị lỗi phải học lại. Toàn bộ chi phí học lại do tôi phải chi trả. Tôi rất bực mình về vấn đề này vì lỗi này không phải do tôi. Thế nhưng tôi không muốn làm to chuyện vì mình còn chưa thi nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt, nộp số tiền mà giáo viên yêu cầu”.

Có thể nói việc lắp thiết bị giám sát xe tập lái nhằm quản lý tốt hơn quá trình đào tạo lái xe. Tuy nhiên, việc lắp các thiết bị này đang gây khó chịu cho giáo viên và học viên nên không ít người đề nghị tháo bỏ.

Theo Lao Động

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!