Bị gắn mác “kẻ phản bội”, trở thành tâm điểm chế nhạo và bắt nạt trên mạng là những điều Zeng Ying, phóng viên tự do và influencer Trung Quốc, phải hứng chịu sau khi khóc nức nở trong lúc đưa tin về vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng trước.

Vì quá áp lực, Zeng từng cố tự tử, theo SCMP.

Peter Yang, bạn của Zeng ở Tokyo (Nhật Bản), cho biết nhiều người tự nhận là người thân của nữ phóng viên và lan truyền thông tin sai lệch về cô.

Số khác làm phiền đồng nghiệp, gọi điện đến công ty Dodoculture (trụ sở tại Tokyo) do Zeng sáng lập, thậm chí gửi vòng hoa tang lễ cho bố mẹ cô như lời đe dọa.

“Một nhân viên lễ tân người Nhật Bản ở công ty Zeng đã nhận được nhiều cuộc gọi nặc danh. Cô ấy phải xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực”, Yang nói.

Nữ phóng viên bị tấn công vì khóc đưa tin về ông Abe. Ảnh: Weibo.

Trợ lý riêng của Zeng cho biết nữ phóng viên bị đe dọa bởi một người đóng giả nhân viên Internet nhằm đánh cắp thông tin địa chỉ nhà cô.

Người trợ lý tiết lộ thêm cha mẹ Zeng phải chuyển nhà vì sợ bị trả thù. Trang web của công ty Zeng cũng bị hacker tấn công khiến nhiều nhân viên sợ đến văn phòng.

Zeng hiểu nguyên nhân khiến mình nhận nhiều chỉ trích nhưng cô không chấp nhận áp lực gia đình và bạn bè phải gánh chịu.

Ngày 19/7, Zeng đăng tải thư tuyệt mệnh trên mạng xã hội.

Nhà văn Chen Lan, bạn của nữ phóng viên, cho biết cô đang được điều trị tại bệnh viện. Những người khác cố gắng liên lạc với Zeng nhiều lần nhưng không có phản hồi.

Lin Li, khách hàng của Zeng, kể lại bản thân đã ngồi gần cô trong buổi livestream đầu tháng 7.

“Vụ việc xảy ra một phần là do tôi. Tôi đã rất sốc khi nghe tin, và có lẽ làm ảnh hưởng đến tâm trạng của cô ấy”, Lin nói.

Đối với người sinh sống lâu năm và kết hôn tại Nhật Bản như Lin, vụ ám sát là cú sốc lớn. Cô thậm chí từng nghĩ đó là vụ tấn công khủng bố.

Zeng Ying, phóng viên Trung Quốc tại Nhật Bản. Ảnh: Weibo.

Nhận xét về Zeng, Yang cho rằng cô là người cởi mở, hài hước nhưng cũng nhạy cảm. Cô thường xuyên lên án bạo lực, như vụ tấn công tại Đường Sơn vào tháng 6, hay sự việc người đàn ông giết chó của mình trên TikTok.

Theo Yang, bên cạnh việc điều hành các công ty khác nhau, Zeng còn làm việc thiện nguyện, giúp đỡ trường học tại các làng ở Trung Quốc.

Hiện nay, bạn bè Zeng hy vọng cô hồi phục, trong khi cố gắng chống lại những lời lẽ bắt nạt trên mạng.

Lin cảm thấy tức giận và không thể hiểu nổi lý do sự việc bị thổi phồng.

“Tôi không muốn đổ lỗi cho ai, nhưng chẳng phải thật nực cười khi chuyện này có thể hủy hoại cuộc sống của một người sao?”, cô nói.

Theo Zing