Lo toan, bận rộn trong đời sống hiện đại làm cho con người dường như phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Để cung cấp và tái tạo năng lượng ấy, đáng ra họ phải được hưởng môi trường trong lành giàu dưỡng chất, với thực phẩm bổ sung không chỉ ngon mà phải sạch… Thế nhưng, ngược lại, con người đang phải sống trong môi trường chưa bao giờ “bẩn như hôm nay”. Và oái oăm thay ở chỗ, thủ phạm không ai khác chính là con người tự tay “đầu độc” lẫn nhau.
Phân lợn + lòng thối = thuốc!
Thực ra đây là vấn đề đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trên mỗi mâm cơm, từng ngày họ phải cảnh giác với không biết bao nhiêu vụ thực phẩm bẩn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng và thường là vụ sau lại “khiếp” hơn vụ trước cả về số lượng lẫn chất lượng. Như gần đây nhất báo chí đã phanh phui ra thực phẩm bẩn mà có lẽ từ trước tới nay chưa từng có loại thực phẩm bẩn nào có thể “sánh kịp” và cũng chưa ai có thể tưởng tượng được lại có loại người “lòng lang dạ sói” đến như vậy để “chế biến” một loại thực phẩm còn hơn cả bẩn.
Theo tìm hiểu của đồng nghiệp Báo Tuổi trẻ, hai cơ sở sản xuất là Công ty TNHH Minh Oanh và chi nhánh của doanh nghiệp tư nhân Sản xuất - Thương mại Hà Tiết, ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã sản xuất ra một loại cao “độc nhất vô nhị” bởi nguyên liệu chính là từ… lòng lợn thối và phân lợn. Họ “nấu cao” bằng cách mua lòng lợn thối, phế phẩm ruột lợn (bã phân) về rồi đổ chung vào nồi i-nox lớn có trục quay cùng với xút (NaOH), bột đinh hương, phẩm màu và một số hóa chất khác (tất cả đều được nhập từ Trung Quốc) để vừa tẩy, làm lòng lợn nhũn ra, vừa át mùi hôi thối sẵn có. Khi tất cả đã được nghiền nhuyễn như bột, đồng thời chuyển thành dung dịch màu nâu, nguyên liệu “cao” này tiếp tục được gạn lọc rồi trộn với cồn 90 độ. Ngâm trong môi trường như vậy khoảng nửa tháng, “cao” được vớt ra, sấy khô và đóng thành từng miếng mang bán hoặc… xuất khẩu.
“Nấu cao” bằng lòng lợn thối |
Theo chủ doanh nghiệp Sản xuất - Thương mại Hà Tiết cho báo giới biết, riêng xút, ông ta mua tại các chợ hóa chất ở TP Hồ Chí Minh với mức độ tẩy như ông nói: “… Nếu bắn vào chân thì lông chân cũng phải rụng”. Còn các “nguyên liệu” khác được chuyển từ Trung Quốc sang.
Sở dĩ hai cơ sở này có cùng “công nghệ” nấu cao là do chủ doanh nghiệp Minh Oanh, ông Cao Quang Minh, quốc tịch Trung Quốc đã “truyền nghề” cho, đồng thời chính là đầu mối cung cấp lòng thối cho Minh Oanh trước đây. Cơ sở Minh Oanh sau khi “lành” nghề đã thôi luôn việc “bỏ mối” lòng thối mà chuyển thành “nhà sản xuất cao”. Mỗi ngày cơ sở Hà Tiết nhập khoảng 1 tấn lòng thối, bã phân để “nấu cao”. Với lượng cao đã ra thành phẩm - cứ 1 tấn lòng thối “nấu” được 0,5kg cao, chủ hai cơ sở cho chở ra Hà Nội rồi theo đường biên giới sang Trung Quốc xử lý thêm một vài công đoạn như ướp hương vị, đóng gói… và bán đến tay người tiêu dùng.
Theo những thợ nấu cao của Công ty TNHH Minh Oanh, ông Cao Quang Minh đã nói với họ rằng “cao thuốc tiên” rất tốt cho những người yếu sinh lý, hiếm muộn, làm trắng da. Không ai dám chắc rằng, sản phẩm “cao” đó không quay trở lại nội địa để đến tay người tiêu dùng Việt Nam!
Sữa ngô chế biến từ… tinh dầu
Một thực phẩm bẩn khác cũng không thể không kể đến trong thời gian qua là sữa ngô, một món bổ dưỡng “khoái khẩu” không những của trẻ em mà còn của cả người lớn. Bởi nếu bảo đảm chất lượng thì sữa ngô giàu dinh dưỡng, năng lượng do được chế biến từ ngô non hoặc ngô ngọt và sữa tươi. Vậy mà Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất - nhập khẩu Mỹ Linh, ở Hàng Bồ, Hà Nội đã sản xuất và cung cấp cho thị trường một sản phẩm được gọi là tinh dầu ngô, tinh dầu sữa chuyên để làm… giả sữa ngô.
Cho đến giờ khi bị báo chí phát hiện thì vẫn chưa ai biết những tinh dầu sữa, ngô này được sản xuất bằng gì. Chỉ biết, nó đặc sánh, có màu vàng như của ngô và sữa và đương nhiên loại nào mùi nấy, thơm nức, được đóng chai 0,5 lít, bán với giá 40 nghìn đồng. Mỗi lần chế biến sữa ngô, chỉ cần một nắp chai mỗi loại, hòa với nước ngô xay loãng (đã lọc bã) thì được khoảng 3 lít thành phẩm. Và những người kinh doanh sữa ngô giả tính, cứ hai chai tinh dầu trị giá khoảng 80 nghìn đồng có thể “chế biến” được 100 lít sữa ngô.
Trong khi để có ngần này sữa ngô thật, phải mất ít nhất 900 nghìn đồng cho khoảng 30 lít sữa tươi, chưa kể ngô. Như vậy, sữa ngô giả mang lại lợi nhuận cho người kinh doanh chắc chắn gấp hàng chục lần so với kinh doanh sữa ngô thật.
Theo PGS.TS Trần Huy Thái, Phó viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, ngô không phải là loại cây cho tinh dầu hay chính xác là không thể cho tinh dầu vì đây là loại cây không có tinh dầu giống như lúa. Cho nên khả năng tinh dầu sữa ngô nguồn gốc hóa chất là rất lớn. Tuy nhiên, tinh dầu cũng có thể từ hóa chất do được pha chế từ các dung môi hóa chất và hương liệu (gọi là tinh dầu nhân tạo) nhưng phải ghi chú rõ thành phần, cơ sở sản xuất, địa chỉ…
Công ty Thương mại dịch vụ xuất - nhập khẩu Mỹ Linh không có thông tin cụ thể, chỉ để tên cơ sở sản xuất, công dụng của sản phẩm… “lập lờ”, “đánh lận con đen” như vậy thì không bảo đảm chất lượng. Chưa kể đến hai sản phẩm tinh dầu của công ty lại có chung một số đăng ký chất lượng: 394/2001/CBTC-YT, trong khi theo quy định, mỗi sản phẩm khác nhau phải có một số đăng ký chất lượng khác nhau.
Treo gà sạch bán gà bẩn
Đây là vụ việc gây xôn xao dư luận khi tuần qua cơ quan chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh gia cầm Minh Ngọc, địa chỉ 11A, ngõ 312, đường Bạch Đằng, Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã dùng con dấu kiểm dịch thú y giả để đóng lên gia cầm được giết mổ ở chợ đầu mối Bắc Thăng Long rồi mang vào siêu thị, để bán. Sự việc này, cùng với việc phân phối nấm có nguồn gốc từ Trung Quốc, trôi nổi được đóng gói nhãn mác giả đã làm cho người tiêu dùng mất niềm tin vào siêu thị, nơi còn lại được coi là “uy tín” nhất hiện nay trên thị trường trong việc cung cấp thực phẩm.
Cụ thể sự việc: hạ tuần tháng 3, đoàn kiểm tra liên ngành gồm cơ quan Quản lý thị trường, Công an, Chi cục Thú y quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra cơ sở kinh doanh gia cầm Minh Ngọc phát hiện có 29 con ngan chưa đóng dấu kiểm dịch và 29 con gia cầm khác (tổng cộng hơn 130kg) đã đóng dấu kiểm dịch mang ký hiệu “Chi cục Thú y HN MS-01”. Theo kết luận của cơ quan Công an, đây là con dấu giả dùng để “hợp thức” hóa gia cầm trước sự kiểm duyệt của những người lấy hàng.
Bà Trần Thị Hằng, trạm trưởng Trạm Thú y quận Hoàn Kiếm khẳng định: “Nếu theo đúng quy trình, gia cầm sau khi giết mổ xong phải được cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch ngay tại nơi giết mổ. Những nơi giết mổ này cũng phải đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Cho nên hành vi tự đóng dấu kiểm dịch của bà Ngọc là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, cơ sở Minh Ngọc không phải là lò mổ mà chỉ là nơi kinh doanh gia cầm”.
Thừa nhận với các cơ quan chức năng, bà Ngọc, chủ cơ sở Minh Ngọc cũng nói, để đối phó với cơ quan quản lý cũng như các siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn… về yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giấy kiểm dịch thú y, bà đã chỉ đạo nhân viên sử dụng con dấu giả để đóng lên gia cầm đã giết mổ từ nhiều “lò” trên địa bàn Hà Nội. Hiện số ngan, gia cầm của bà được tiêu hủy theo đúng luật định.
An toàn vệ sinh thực phẩm có thể nói là vấn đề bức xúc nhất hiện nay nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng, lơ là, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý. Đặc biệt là sự phân cấp quản lý cũng như Luật định vẫn còn nhiều bất cập. Bởi vậy, tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
(Theo PetroTimes)