Khu chung cư cũ nổi bật bởi tầng 4 được sơn màu vàng đặc biệt.

Chung cư đặc biệt

Tọa lạc tại số 100 đường Hùng Vương (Quận 5, TP.HCM), chung cư Hùng Vương nổi bật bởi tầng trên cùng được sơn màu vàng bắt mắt. Đó là màu sơn tường của chùa Từ Đức, ngôi chùa nằm trọn trên tầng 4 của khu chung cư.

Người dân sinh sống nơi đây cho biết, chung cư được xây dựng vào năm 1970. Sau 2 năm xây dựng, chung cư bắt đầu đón những cư dân đầu tiên.

Tuy vậy lúc đó, đa phần chỉ có người Hoa vào mua căn hộ để ở. Sau này mới có nhiều người Việt chuyển đến. Đến nay, có tuổi đời nửa thế kỷ, khu chung cư vẫn chắc chắn và nổi bật giữa những tòa nhà lân cận bởi dải màu vàng đặc trưng của tầng 4.

Đây là màu của ngôi chùa Từ Đức nằm trọn trên tầng 4 khu chung cư.

Nhiều người dân khẳng định, đây là khu chung cư cũ đặc biệt nhất TP.HCM bởi có ngôi chùa rộng lớn nằm trên toàn bộ tầng 4. Ngôi chùa này cũng được xây dựng cùng lúc với chung cư để làm nơi sinh hoạt tôn giáo của người Hoa sinh sống ở các khu vực lân cận.

Không chỉ có vị trí đặc biệt, lịch sử khai lập của chùa Từ Đức cũng hết sức thú vị. Ông Vương Vỹ Văn (SN 1962), thành viên ban quản lý chùa cho biết, người xây dựng ngôi chùa chính là ông ngoại của mình, Hòa thượng Thích Phước Quang.

Ông kể: “Năm 1972, chung cư được xây dựng xong nhưng không mấy ai đến mua căn hộ để ở. Nhìn tòa nhà khang trang chìm trong cảnh đìu hiu, thiếu sức sống, chủ đầu tư rất lo lắng. Là Phật tử của ông ngoại tôi, người này quyết định mời ông về chung cư tu hành.

Chánh điện chùa Từ Đức

Ông hi vọng, khi ông ngoại tôi về chung cư xây chùa, tu hành, các phật tử của ông sẽ đến mua căn hộ để ở. Người này hứa sẽ bán nhà với giá ưu đãi nếu ông ngoại tôi về chung cư xây chùa. Ông ngoại tôi đồng ý, mua toàn bộ tầng 4 chung cư để dựng chùa, làm nơi thờ Phật, tu hành”.

Do nằm trên tầng 4 chung cư, chùa Từ Đức không có cổng tam quan. Muốn vào chùa, khách phải đi qua dãy hành lang tầng 4 của chung cư. Không gian chùa tương đương với 10 căn hộ, diện tích khoảng 700m2.

Hệ thống cột kèo, trần, nền... trong chùa đều giữ nguyên như thiết kế ban đầu của chung cư nhằm đảm bảo kết cấu chung. Chánh điện chùa bài trí khoảng 10 tượng Phật. Cạnh chánh điện là gian phòng được tận dụng làm nhà bếp và nơi để các hũ tro cốt người quá cố.

Ông Văn cho biết, Hòa thượng Thích Phước Quang là người xây dựng chùa Từ Đức từ năm 1972.

Lưu giữ chục ngàn hũ tro cốt

Khuôn viên chùa bao gồm cả phần sân thượng của chung cư. Tại phần diện tích này, chùa trồng nhiều loại cây kiểng, đặt tượng Bồ tát Quan âm, tháp nhỏ chứa cốt của Hòa thượng Thích Phước Quang.

Sinh thời, Hòa thượng Thích Phước Quang được nhận định là bậc tu hành giàu lòng yêu nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc và công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Thế nên khi ông về chung cư dựng chùa, nhiều Phật tử người Hoa đã đến đây mua căn hộ để sinh sống. Cũng từ đó, chùa Từ Đức trở thành nơi lưu giữ tro cốt của Phật tử, cư dân ở chung cư khi qua đời.

Bên trong chùa lưu giữ hàng chục nghìn hũ tro cốt của nhiều thế hệ người TP.HCM.

Trước đây, chùa chỉ nhận lưu giữ tro cốt cho người Hoa. Bây giờ, chùa nhận lưu giữ tro cốt cho cả người Hoa lẫn người Việt. Đợt đại dịch vừa rồi, chùa cũng là nơi lưu giữ tro cốt của người mất vì dịch bệnh.

Đến nay, sau nửa thế kỷ thực hiện hoạt động nhân đạo trên, những bức tường bên trong chùa gần như được phủ kín bởi kệ chứa các hũ tro cốt. Các hũ được xếp cẩn thận trên những kệ cao gần 4m và thường xuyên có người lau chùi, nhang khói mỗi ngày.

Hàng ngày, ngoài ban quản lý chùa còn có thân nhân người quá cố đến chùa nhang khói, lau chùi hũ tro cốt. 

Ông Văn chia sẻ: “Nói cho đúng, phải gọi chùa này là chùa tro cốt. Bởi từ trên xuống dưới, ngoài đại điện, hầu như diện tích còn lại dùng làm nơi chứa hơn 10.000 hũ tro cốt của người quá cố.

Như rất nhiều gia đình khác, tro cốt của cha mẹ, ông bà, người thân quá cố của tôi cũng được gửi tại chùa. Suốt 50 năm qua, chùa đã lưu giữ hàng chục ngàn hũ tro cốt của nhiều thế hệ người Sài Gòn xưa”.