Hơn 11 năm nay, mỗi khi có người tới đèo Hải Vân bị hỏng xe, thủng lốp, chỉ cần nhìn số điện thoại được ghi bên đường và bấm máy gọi là ít phút sau “ông bụt” Nguyễn Bừa đã có mặt để sửa chữa.

TIN BÀI KHÁC
Tình già đẹp như tiên
Tăng lương, giảm chi: chống tham nhũng, lãng phí

Luật chỉ cho phép nhận con nuôi dưới 15 tuổi?

Thử trước, có bầu thì anh mới cưới…

“Tỷ phú” giữ kí ức về lá cờ tổ quốc trong mùa thu 9/1945


Trên đỉnh đèo cao chót vót, dốc ngoằn ngoèo, nếu chẳng may người đi đường gặp sự cố hỏng xe, tai nạn không biết cầu cứu ai thì chỉ trong chốc lát, một người đàn ông sẽ xuất hiện để giúp giải quyết khó khăn. Nhân vật chúng tôi đang nói đến được nhiều người trân trọng gọi với cái tên: “ông bụt” đèo Hải Vân.

Người đàn ông đó là Nguyễn Bừa, 46 tuổi, trú ở tổ 44 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, 11 năm nay làm việc nghĩa trên đỉnh đèo Hải Vân (ranh giới giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế)

Anh Bừa hàng ngày lau chùi am thờ, lo hương khói cho những vong hồn xấu số trên đèo Hải Vân
Bén duyên làm “ông bụt”

Năm 1988, anh Bừa hết nghĩa vụ quân sự, về nhà lấy vợ rồi sinh con. Cuộc sống khó khăn, anh bươn chải đủ nghề mà lúc nào cũng túng thiếu. Thấy nhiều người đua nhau vào rừng đãi vàng, anh bàn bạc với vợ rồi gói đồ lên rừng tìm vận may đổi đời. Những tháng ngày chen chúc ở bãi vàng Quảng Nam, anh Bừa chỉ đủ nuôi bản thân chứ không có đồng nào gửi về cho vợ con. Rừng thiêng, nước độc, muỗi, vắt hành hạ, ăn uống kham khổ nên anh đã mắc phải những cơn sốt rét rừng “thừa sống thiếu chết”.

Chứng kiến cảnh nghiện hút, cờ bạc, gái gú, tranh giành lãnh địa, trấn lột, đâm chém nhau giữa ban ngày ban mặt khiến anh nơm nớp lo sợ. Biết tìm vận may ở bãi vàng là điều xa xôi, trong khi hàng ngày phải đối mặt với nhiều cảm dỗ, rất dễ sa ngã nên anh quyết định từ bỏ giấc mộng vàng sau 3 năm trời “nếm mật nằm gai” thân thể gầy còm, xanh xao để về với vợ con tìm nghề khác kiếm sống.

Trở về từ rừng xanh, vợ con anh rất mừng, cứ tưởng anh đi biệt tăm không có ngày trở lại. Nhưng vui chưa được tày gang, cuộc sống lại rơi vào khó khăn, túng quẫn. Năm 1991, anh Bừa xuống biển tìm bạn thuyền, mưu sinh bằng nghề câu mực. Nhưng nghề này cũng lắm chông gai, hiểm nguy luôn rình rập.

Anh kể: “Đầu năm 1999 trong một chuyến đi câu mực ở biển Thanh Khê, thuyền chúng tôi bất ngờ gặp bão, bị sóng đánh chìm, sau dạt vào bờ biển Ma Cao (Trung Quốc), tôi cùng hàng chục bạn thuyền phải chờ chực hơn 1 tháng bên đó để làm thủ tục. Cuối cùng, chúng tôi được đưa về nước an toàn khi trong người không có một xu. Sau vụ đó, tôi bỏ nghề biển lên đèo này đốn củi kiếm sống. Chứng kiến cảnh nhiều người đi lên đỉnh đèo Hải Vân thì xe bị hỏng phải dắt bộ hàng chục cây số nên tôi quyết định sắm đồ nghề sửa xe ngay trên này”.

Âm thầm làm việc thiện

Hơn 11 năm nay, mỗi khi có người tới đèo Hải Vân bị hỏng xe, thủng lốp, chỉ cần nhìn số điện thoại được ghi bên đường và bấm máy gọi là ít phút sau “ông bụt” Nguyễn Bừa đã có mặt để sửa chữa. Gặp sự cố trong hoàn cảnh oái oăm như thế, nhiều người đã rút tiền trả công anh rất cao nhưng anh từ chối, chỉ nhận đúng số tiền mà anh đã làm.

Là người sửa xe duy nhất ở đỉnh đèo nhưng không vì thế mà anh Bừa “chặt, chém” người đi đường gặp sự cố. Anh tâm niệm: “Sống phải để phúc đức cho con cháu nữa, phải có cái tâm. Giúp được họ thì tốt, còn không thì cũng đừng nhân cơ hội khi người ta gặp nạn”. Những lúc đêm hôm đang ngủ say sưa bỗng có tiếng chuông điện thoại cầu cứu, vợ anh Bừa can ngăn vì sợ nguy hiểm cho chồng nhưng anh vẫn quyết định dậy, mặc cho màn đêm bao trùm để vượt đèo giúp người ta.

Không chỉ sửa xe, anh Bừa còn cứu người bị tai nạn trên đèo. Năm 2005, khi đang dở bữa cơm tối cùng vợ con, nhận được điện thoại của một tài xế báo tin có người bất tỉnh bên đường, anh Bừa vội vàng lấy xe máy chạy lên đèo. Đến nơi lúc 21g, thấy nạn nhân vẫn còn thoi thóp thở nên anh vội vã cùng người bị nạn đón xe đưa đi cấp cứu tận bệnh viện Trung ương Huế. Sau nhiều ngày điều trị, nạn nhân này may mắn thoát chết. Anh ta cho biết tên Phan Văn Chung, quê ở Nghệ An, bị tai nạn khi đang chạy xe máy từ Đà Nẵng ra Huế. Biết ơn ân nhân cứu mạng, anh Chung đã xin nhận anh Bừa làm cha nuôi.

Một trường hợp khác, giữa tháng 4 - 2010, có vụ tai nạn ở ngã ba đi vào công trình đường du lịch bãi Chuối (thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Một lái chính và phụ máy thiệt mạng do rơi xuống vực cùng chiếc máy múc ở độ sâu hơn 450m. Nhận được điện thoại, anh liền cấp tốc lên đường, đến nơi có dấu hiệu là hiện trường vụ xe lao xuống vực, anh đã buộc dây vào gốc cây rồi bám xuống vực để tìm kiếm người xấu số. Trước mắt anh là cảnh tượng khủng khiếp, hai người đã chết, thi thể giập nát. Anh cẩn thận đưa thi thể lên đường, gọi gia đình nạn nhân đến nhận.

Anh Bừa còn tham gia bảo vệ trật tự tại đèo. Lợi dụng đèo cao, vắng vẻ, ban đêm nhiều băng nhóm tổ chức trấn lột người đi đường. Biết được điều này, mỗi khi phát hiện thấy có băng nhóm xuất hiện chờ “con mồi” là anh báo trước cho người đi đường nên quay trở lại không sẽ xui xẻo. Đã nhiều lần anh phối hợp với công an, bộ đội biên phòng bắt các đối tượng phạm tội.

Anh thường xuyên kiểm tra độ an toàn của cung đường trên đèo. Khi phát hiện sạt lở, cây cối đổ ngang, cản trở giao thông, anh lại xắn tay vào dọn dẹp, thông đường giúp xe cộ qua lại dễ dàng. Những trường hợp cột mốc đổ, biển báo gãy,... là anh báo cáo với ban quản lý đèo để họ khắc phục, tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Không chỉ cứu giúp người bị nạn, “ông bụt” Nguyễn Bừa còn là người lập am, lo hương khói cho những vong hồn bị chết do tai nạn trên đèo. Sáng sớm nào anh cũng thắp hương, lau chùi am thờ ở đây rất sạch sẽ rồi mới trở về cái lều của mình sửa xe. Thỉnh thoảng, ngày rằm, mồng 1, anh còn làm mâm cơm đơn giản cúng cho những oan hồn để họ được an ủi.

Từ năm 2005, hầm Hải Vân đi vào hoạt động, phương tiện qua lại trên đèo vắng hẳn, chỉ thi thoảng mới có người vượt đèo để khám phá độ cao,  quán nước của vợ chồng anh trên đèo cũng ít khách. Nhưng không vì thế mà anh bỏ việc, bởi theo anh, lên đèo không chỉ để kiếm tiền mà còn trách nhiệm cao cả là cứu giúp người bị nạn, làm phúc, tích đức, đó cũng là việc mà “ông bụt” của đời thực tâm niệm phải làm suốt đời.

Rời “ đại bản doanh” của anh Nguyễn Bừa trên đỉnh đèo khi bóng chiều đã xuống, những làn mây đang phủ kín dần phố phường, làng xóm xa mờ nhưng hình ảnh “ông bụt” làm nhiều việc tốt ở đây vẫn cứ ấn tượng mãi trong lòng chúng tôi.
Đèo Hải Vân thuộc dãy Trường Sơn, dài 21 km, cao 496 m so với mực nước biển, là một trong những đèo hiểm trở bậc nhất trong các con đèo ở Việt Nam. Nơi đây đã từng xảy ra hàng loạt vụ tai nạn chết người, xe lăn xuống vực thẳm. Từ khi hầm Hải Vân đi vào sử dụng (2005), tai nạn trên đèo giảm hẳn. Tuy nhiên, một số xe tải để không phải nộp thuế hầm, đã mạo hiểm leo đèo, một số người muốn khám phá độ cao của đèo cũng thử sức bằng xe máy nên đôi khi vẫn có những vụ tai nạn xảy ra.
(Theo Pháp luật xã hội)