- Bị nợ lương, thưởng Tết, anh Nguyễn Văn Hưng - nhân viên phụ trách thi công một công ty xây dựng ở Hoàng Mai (Hà Nội), đã thu xếp công việc xin nghỉ mấy ngày để đi buôn cá chép đỏ bán nhân ngày ông Công ông Táo.

Anh Hưng tâm sự, chỉ còn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán mà vẫn chưa thấy công ty nói đến chuyện trả lương, chứ đừng nói đến thưởng Tết. Năm ngoái, lãnh đạo công ty đã hứa được thưởng mà sau mất hút, lương thì chỉ được lấy vỏn vẹn 1 trong số 5 tháng lương còn nợ nên anh vỡ kế hoạch sắm Tết cho gia đình.

Để đề phòng, năm nay, theo chân một anh bạn có kinh nghiệm, anh quyết định vay mượn tiền bạn bè đầu tư buôn cá chép dịp ông Công, ông Táo.

“Chúng tôi lên kế hoạch rất cụ thể, điện thoại đặt cá, chuẩn bị chậu, bình sục oxy, bể rồi tính cách vận chuyển cá về Hà Nội sao cho cá không bị chết. Điện thoại cho chủ ao ở trên Cẩm Khê (Phú Thọ) để đặt hàng trước cả tuần nay, hôm qua chúng tôi đánh cá về Hà Nội bán dần, phục vụ cho những gia đình cúng ông Công ông Táo sớm”, anh cho hay.

{keywords}
Buôn cá chép ngày ông Công ông Táo, nhiều người lãi đậm

Anh Hưng cho biết, lượng bán ra khá ổn, tuy không đắt như tôm tươi nhưng cứ đều đều đến hết ngày 23 âm lịch là hết số cá dự trữ. Thu nhập anh kiếm được cũng gần đủ tiền lo Tết cho gia đình.

“Năm ngoái, anh bạn tôi đi buôn cá chép vừa bán buôn, vừa kết hợp bán ở chợ và cả trên facebook, kiếm được gần 13 triệu đồng. Năm nay tôi chỉ mong mình kiếm được từng ấy chứ không lấy hơn”, anh khoe.

Tương tự, chị Lê Thị Tám - công nhân xây dựng một công ty ở Bắc Ninh, cũng đi buôn cá chép, nói rằng nhân viên còn không được thưởng Tết, lương bị nợ thì chị là công nhân chẳng hi vọng gì. Cận Tết, công trưởng nghỉ làm sớm, mọi người ngược về Hà Nội kiếm việc làm thêm. Người thì xin vào những đội thợ sơn sửa nhà, người đi ra chợ lao động, việc gì mọi người cũng làm miễn là có tiền. Còn chị Tám tranh thủ đi buôn cá chép.

{keywords}

Nợ lương, không thưởng, dân xây dựng đi buôn cá chép kiếm tiền lo Tết

“Mình đi buôn cá nhưng vốn ít, không về được tận gốc lấy hàng mà lấy qua lái buôn, mỗi ngày lấy mấy trăm con đi bán dạo. Hết lại đi lấy thêm, không hết thì về thả vào chậu để hôm sau bán tiếp. Mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng vài trăm nghìn. Dân chuyên nghiệp hay những người có vốn lớn, họ có bể lại lấy được cá tận ao ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc hay Nam Định với giá rẻ thì dịp này họ kiếm tiền triệu một ngày là thường. Buôn bán mùa vụ mà nên dễ kiếm”, chị Tám chia sẻ.

Theo lời chị Tám, hiện mỗi đôi cá chép chị bán 30.000-35.000 đồng. Giá này sẽ ổn định đến ngày ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, vì ít kinh nghiệm lại buôn hàng còn sống nên chị Tám gặp không ít khó khăn. “Phải học cách buộc túi nilon, bơm oxy để giữ cho cá sống. Đi đường thì phải hết sức cẩn thận, tránh va quệt làm đổ xe khiến cá bong tróc vẩy khó bán hay bị chết thì hết lãi”.

Đồng tình ý kiến trên, anh Hưng thừa nhận, mặc dù đã được bạn hướng dẫn tận tình, song với anh cũng không dễ dàng gì. Hôm đánh cá từ Cẩm Khê về Hà Nội, chỉ chậm sục oxy có mấy phút đã có hơn chục con chết. Rồi chuyện thức đêm thức hôm vất vả, sáng dậy sớm tinh mơ, tối lại mò mẫm đi giao cá cho khách, ngày ngủ nhiều nhất là 4 tiếng đồng hồ.

“Vất vả nhưng vẫn phải cố. Ai cũng thế cả. Mấy anh bạn là dân xây dựng giống tôi, dịp này cũng làm xe ôm chở đào quất ngược xuôi để kiếm tiền”, anh Hưng than thở.

Bảo Hân