Ngày 26/5, trình bày tham luận tại Diễn đàn "Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024", bà Vũ Thị Mai, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, trong suốt lịch sử 35 năm phát triển của Viettel để trở thành tập đoàn kinh tế có giá trị thương hiệu số 1 Việt Nam và thuộc top đầu trong ngành viễn thông thế giới, người lao động luôn là một trong những tiêu chí vô cùng quan trọng để đo lường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bà Mai cho biết, việc duy trì năng suất lao động cao là một trong những cơ sở để Chính phủ cho phép thí điểm cơ chế tiền lương riêng cho Viettel. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp tập đoàn có được những thành tựu như ngày hôm nay.
Năm 2023, năng suất lao động theo doanh thu của toàn tập đoàn là hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm; trong một số lĩnh vực của tập đoàn như viễn thông, công nghệ số thì con số này là hơn 9 tỷ đồng/người/năm, tương đương với các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới cùng lĩnh vực (Orange - Pháp, Telefonica - Tây Ban Nha).
Chia sẻ một số giải pháp để thúc đẩy năng suất lao động, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Viettel cho biết, đơn vị tập trung vào 3 trụ cột chính là: Con người, Công cụ và Cơ chế chính sách.
Về con người, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định đến việc thúc đẩy, nâng cao năng suất lao động. Viettel chú trọng lựa chọn những nhân sự phù hợp trên cả 3 khía cạnh: Kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Việc tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ quản lý ngoài dựa trên năng lực, thành tích thì cần cả yếu tố phù hợp với văn hóa. Nhờ đó, Viettel luôn tuyển chọn được các nhân sự không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có tinh thần sẵn sàng dấn thân, cống hiến.
Viettel hiện đang sở hữu đội ngũ hàng nghìn nhân sự chất lượng cao trong các ngành viễn thông, làm chủ việc thiết kế, vận hành mạng lưới trên toàn cầu, các công nghệ 4G, 5G; hay đội ngũ 300 chuyên gia có tuổi đời rất trẻ nhưng đã giành được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới…
Về công cụ, Viettel luôn ý thức chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng những công nghệ mới nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: AI, phân tích dữ liệu lớn để nâng cao năng suất lao động.
Tại Viettel, các hệ thống, công cụ được xây dựng xuyên suốt, đồng bộ để từ cán bộ lãnh đạo cấp cao đến từng người lao động đều có thể sử dụng. Người bán hàng trực tiếp thông qua ứng dụng quản lý bán hàng trên điện thoại thông minh có thể theo dõi được chỉ tiêu được giao, kết quả bán hàng và mức thu nhập cập nhật theo ngày...
Về cơ chế chính sách, với phương châm “sáng tạo vì con người”, Viettel xây dựng các cơ chế chính sách tạo động lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động dựa trên 5 yếu tố chính:
Một là về môi trường làm việc, Viettel xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, tôn trọng sự đa dạng. Tập đoàn có nhiều “kênh” để người lao động có thể trực tiếp nêu các khó khăn, vướng mắc hay góp ý về các cơ chế chính.
Hai là văn hóa giao việc khó, mang tính thách thức cao để cán bộ nhân viên có cơ hội trưởng thành, dấn thân, thể hiện khát vọng cống hiến cho tổ chức và xã hội.
Việc này đòi hỏi cán bộ, nhân viên không ngừng sáng tạo, tìm giải pháp đột phá, tăng năng suất lao động; đồng thời cũng là cách để phát hiện và bồi đắp người giỏi. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tại Viettel lại có hơn 2 sáng kiến/ý tưởng mới được công nhận.
Ba là có cơ chế lương thưởng, đãi ngộ phù hợp với năng lực và thành tích đóng góp để cán bộ, nhân viên yên tâm công tác. Nhờ có chính sách tiền lương đặc thù, Viettel đã xây dựng cơ chế trả lương thưởng đảm bảo cạnh tranh cao trên thị trường; tương xứng với năng lực, trách nhiệm, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng người.
Bốn là chú trọng đến hoạt động đào tạo và phát triển, nhất là thông qua luân chuyển công việc. Người lao động ý thức việc học là trách nhiệm của bản thân để đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc.
Tập đoàn tạo điều kiện tốt nhất về hệ thống, nền tảng và kho tri thức để người lao động tự học, tự đào tạo. Riêng năm 2023, trung bình mỗi cán bộ, nhân viên đã được đào tạo gần 57 giờ/năm.
Năm là tạo dựng lộ trình phát triển bản thân để cán bộ, nhân viên có cơ hội thăng tiến. Mỗi người đều được xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân, do quản lý trực tiếp gợi ý và theo dõi, đánh giá.
Ngoài ra, Viettel còn hình thành cổng thông tin việc làm toàn cầu để thúc đẩy dòng chảy nhân tài nội bộ, phù hợp với hoạt động kinh doanh trên 10 thị trường và 3 châu lục.