Hợp tác xã Chăn nuôi và Thuỷ sản Gò Công của Giám đốc Nguyễn Quốc Kiệt chính thức đi vào hoạt động năm 2007 tại ấp Công Lạc, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, với 19 thành viên ban đầu.
Sau gần 13 năm hoạt động, tới nay, Hợp tác xã đã có hơn 50 thành viên với đàn gà thường xuyên nuôi trên 130.000 con.
Theo lãnh đạo Hợp tác xã, một trong những dấu ấn của Hợp tác xã là xác định lại quy trình, chuỗi sản xuất cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ngay từ những ngày đầu, Hợp tác xã đã hướng đến chăn nuôi ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap để tăng hiệu quả kinh doanh đàn gà trong thị trường cạnh tranh.
Từ năm 2012, Hợp tác xã bắt đầu triển khai mô hình “Chăn nuôi gà ta Gò Công an toàn sinh học theo chuỗi giá trị”.
“Người chăn nuôi tham gia mô hình phải thực hiện đủ 31 tiêu chí đề ra để đảm bảo chất lượng gà sạch, ngon ra thị trường. Cụ thể như các tiêu chí: Nuôi gà theo quy chuẩn từ chuồng trại đến thức ăn, sử dụng đệm lót sinh học giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe vật nuôi, nước uống phải đạt an toàn sinh học, có ghi chép nhật ký, truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ…”, ông Kiệt cho hay.
Với định hướng xây chuỗi giá trị gắn với phát triển thương hiệu, năm 2014, Hợp tác xã Chăn nuôi và thuỷ sản Gò Công đã đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Gà ta Gò Công”.
Cùng với đó, thời gian qua, Hợp tác xã đã áp dụng phương thức tổ chức sản xuất “Mua chung - Nuôi chung - Bán chung”. Trong đó, “mua chung” có nghĩa là Hợp tác xã cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y theo giá hợp lý, ổn định và theo đúng hợp đồng mua bán để tạo ra số lượng dồi dào và không dư thừa. “Nuôi chung” là thực hiện một quy trình nuôi thống nhất để tạo chất lượng đồng đều (quy trình nuôi này đã đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang và giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc). Còn “bán chung” là thành viên Hợp tác xã bán gà ra thị trường thông qua Ban Định giá của Hợp tác xã (Ban Định giá am hiểu thị trường và có khả năng đàm phán, thực hiện chức năng quyết định giá dựa vào chất lượng ngon, an toàn của sản phẩm).
Sản phẩm gà ta Gò Công hiện đã có mặt ở rất nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm, khách sạn, nhà hàng… và được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng. Bình quân với 1.000 con gà/lứa nuôi, thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi và thuỷ sản Gò Công lãi trên 20 triệu đồng. Năm 2021, Hợp tác xã đạt doanh thu hơn 16 tỷ đồng, sản lượng 86.000 con gà lông, 50 tấn gà thịt.
Ngoài nguồn thu từ gà thịt, Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công còn sản xuất gà giống để cung ứng cho đầu mối ở các tỉnh với sản lượng hàng ngàn con mỗi tuần.
“Khi Hợp tác xã mới ra đời, 100% hộ thành viên đều rất nghèo, phải vay vốn đầu tư chăn nuôi. Đến nay, 80% thành viên trong Hợp tác xã đã trở thành hộ khá giàu, có thu nhập từ 200 triệu đồng/hộ/năm trở lên; 20% còn lại có cuộc sống ổn định với thu nhập 70 - 150 triệu đồng/năm”, lãnh đạo Hợp tác xã nhấn mạnh.
Tiếp nối sản phẩm gà tươi đạt OCOP 4 sao, Hợp tác xã Chăn nuôi và thuỷ sản Gò Công đang xây dựng tiếp hồ sơ tham gia chứng nhận OCOP cho một số loại sản phẩm chế biến khác.
Cơ sở giết mổ gia cầm của Hợp tác xã được đầu tư theo công nghệ châu Âu và theo quy trình an toàn, công suất 200 con/ ngày, với công nghệ bán thủ công. Gà sau khi giết mổ được phân loại, đóng gói đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe.
Nhiều năm nay, Hợp tác xã được Công ty San Hà, Công ty Phạm Tôn ở Thành phố Hồ Chí Minh hợp đồng bao tiêu bình quân 7.000 con gà ta/ngày.
“Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và đối tác, Hợp tác xã đã tính toán mở rộng quy mô tại các xã ở huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây... Mặt khác, Hợp tác xã cũng đã và đang xuất khẩu sản phẩm gà ta Gò Công sang thị trường Campuchia”, lãnh đạo Hợp tác xã Chăn nuôi và thủy sản Gò Công thông tin thêm.