Hạn chế trong việc tiếp cận vốn
Ông Trần Khánh, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp – Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á nhận định: Việc tiếp cận vốn của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các thành viên còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và vai trò, đóng góp của hợp tác xã đối với nền kinh tế Việt Nam.
Thống kê mới đây cho thấy, tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã chỉ đạt 6.316 tỉ đồng, với gần 1.200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã còn dư nợ; tổng dư nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mới chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Còn khảo sát của hệ thống liên minh hợp tác xã cho biết, mới chỉ có khoảng 10% số hơp tác xã được vay vốn của các quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng (riêng các hợp tác xã nông nghiệp, tỉ lệ này còn thấp).
Theo tìm hiểu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, thực trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân như: Phương án sản xuất, kinh doanh khi đề xuất vay vốn chưa mang tính khả thi; Năng lực tài chính, vốn tự có, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất… của hợp tác xã chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay; Chưa có đầy đủ hệ thống sổ sách, báo cáo để đánh giá hiệu quả hoạt động; Các hợp tác xã thường không có tài sản bảo đảm khi vay vốn, một số ít được thành viên dùng tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, tuy nhiên giá trị thấp.
Đặc biệt, liên kết trong sản xuất của các hợp tác xã còn chưa tương xứng với số lượng, quy mô của hợp tác xã hiện nay. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự lớn mạnh.
Cầu nối liên kết các chủ thể kinh tế trong chuỗi giá trị
Ngay từ đầu năm 2018, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á, Tập đoàn TH và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ - ghi nhận sự cam kết ba bên trong việc đầu tư nguồn lực xây dựng mô hình hợp tác xã mới gắn với chuỗi giá trị về thảo dược và rau, củ, quả hữu cơ; hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, thương hiệu sản phẩm và tư vấn đầu tư, tài chính, hỗ trợ vay vốn cho các hợp tác xã.
Thời gian qua, hàng năm, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á đều có những gói hỗ trợ, những chương trình ưu đãi dành cho hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã hàng năm. Điển hình như sản phẩm “Cấp tín dụng cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” với những điều kiện về cấp tín dụng, tài sản bảo đảm phù hợp với đặc thù của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, với tính chất đa dạng ngành nghề kinh doanh của loại hình kinh tế hợp tác xã Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á cũng đã triển khai một số sản phẩm cấp tín dụng cho đối tượng hợp tác xã hoạt động trong các ngành: Gạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cà phê…
“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tài trợ cho các xã viên thông qua các hợp tác xã trồng dược liệu, gia công chế biến nguyên liệu cho các sản phẩm của Tập đoàn TH; đồng thời triển khai các sản phẩm tín dụng cá nhân tùy biến cho người nông dân như: Cho vay sản xuất nông nghiệp trồng rau củ quả, Cho vay trồng và chăm sóc cây công nghiệp.... Trong tương lai, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á sẽ tiếp tục đóng vai trò trung gian/cầu nối để kiện toàn mối liên kết ba bên: Ngân hàng - doanh nghiệp – hợp tác xã, tạo thành chuỗi giá trị khép kín, nâng cao lợi ích cho các chủ thể kinh tế tham gia chuỗi”, ông Khánh nói.
Để quá trình đồng hành đạt hiệu quả cao, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á đề xuất các hợp tác xã và các cơ quan quản lý hợp tác xã lưu ý một số việc cần triển khai. Cụ thể: Tập huấn về cách thức và quy trình vay vốn ngân hàng, các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho các hợp tác xã; Thường xuyên kết nối hội thảo, diễn đàn để cùng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn của hợp tác xã…