Lời tòa soạn:

Hành vi quấy rối tình dục ban đầu có thể chỉ là ánh mắt, lời nói, đụng chạm nhưng nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, kẻ tấn công có thể thực hiện những hành vi tiếp xúc cơ thể trái ý muốn, thậm chí tấn công tình dục nạn nhân.

Báo VietNamNet mở diễn đàn Quấy rối tình dục nơi công sở, trường học để cùng chia sẻ với các độc giả về những hành vi lệch lạc cần phải ngăn chặn này. Bài viết liên quan xin gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn

phunu.jpg
Amanda Nguyễn trở thành "Người phụ nữ của năm" do tạp chí TIME bình chọn vào năm 2022. Ảnh: Time

Thay đổi cuộc đời

Năm 2013, khi đang là sinh viên năm cuối tại Trường Đại học Harvard ở tiểu bang Massachusetts (Mỹ), cô gái gốc Việt Amanda Nguyễn không thể ngờ có một sự việc đã làm thay đổi cuộc đời cô. Cô gái sinh năm 1991, lớn lên tại bang California, bị bạn học tấn công tình dục.

Theo tờ TIME, sau vụ việc kinh hoàng, cô gái đã đến bệnh viện để làm xét nghiệm, rồi nộp một bộ bằng chứng y tế về hành vi xâm hại (rape kit) lên chính quyền bang Massachusetts.

Cảnh sát Massachusetts cho biết, theo luật của bang này và một số bang khác của Mỹ, nạn nhân bị tấn công tình dục có thời hạn 15 năm để khởi kiện kẻ xâm hại, nhưng trong thời gian đó, họ phải làm thủ tục gia hạn "rape kit" 6 tháng một lần.

"Rape kit" sẽ bị tiêu hủy nếu nạn nhân không làm thủ tục gia hạn sau 6 tháng. "Để gia hạn, tôi phải trải qua 6 giờ trong bệnh viện", Amanda chia sẻ.

Theo Mạng lưới chống cưỡng bức, lạm dụng và loạn luân Mỹ, quy trình khám nghiệm liên quan đến tội tấn công tình dục có thể kéo dài nhiều giờ. "Về cơ bản, hệ thống đó khiến tôi luôn phải sống cuộc đời của mình theo cái ngày bị cưỡng hiếp", cô nói với tờ The Guardian.

Để truy tố kẻ tấn công, những nạn nhân như cô phải trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài và tốn kém. Sau khi nghiên cứu các quyền pháp lý dành cho nạn nhân bị tấn công tình dục ở nhiều bang khác nhau, Amanda nhận ra mức độ bảo vệ dành cho họ tại các bang có khác biệt lớn.

Quan trọng hơn, cô nhận ra rằng bằng chứng tố cáo kẻ tấn công mình có thể bị hủy hoại. Các bang không có quy định lưu trữ "rape kit" cho đến hết thời gian nạn nhân đệ đơn kiện.

phunu1.jpg
Amanda Nguyễn sẽ là cô gái gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ. Ảnh: Blue Origin

Nỗ lực được đền đáp

Cô gái trẻ đã cố gắng bước ra khỏi bóng tối, trở thành một trong những biểu tượng của cuộc đấu tranh cho quyền lợi của nạn nhân tấn công tình dục.

Tháng 11/2014, cô thành lập RISA, tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho quyền của nạn nhân tấn công tình dục trên khắp nước Mỹ. Hai tháng sau khi RISE xuất hiện, các nghị sĩ Massachusetts thông qua luật với hàng chục quyền mới cho nạn nhân tấn công tình dục.

Luật giúp thiết lập hệ thống theo dõi "rape kit", cấm cơ quan hành pháp hủy bằng chứng nếu chưa kiểm tra hay thông báo cho nạn nhân.

Sau thành công ở Massachusetts, RISE tiếp tục soạn thảo đề xuất tương tự cho các nghị sĩ quan tâm tới vấn đề này ở bang California, làm việc với nghị sĩ ở New York. Tháng 7/2015, Amanda gặp Thượng nghị sĩ bang New Hampshire Jeanne Shaheen để thảo luận về dự luật cấp liên bang về quyền của nạn nhân tấn công tình dục.

Dự luật được bà Shaheen đệ trình trước Quốc hội Mỹ vào tháng 2/2016. Tháng 9/2016, dự luật của Amanda được thông qua ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ. Một tháng sau, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã ký ban hành luật. 

Theo luật mới, nạn nhân của các vụ tấn công tình dục cần được thông báo 60 ngày trước khi hồ sơ, chứng cứ bị hủy. Các nạn nhân cũng được trợ giúp pháp lý dễ dàng hơn, tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và thông tin rõ ràng liên quan đến quy trình... 

Đạo luật về quyền của nạn nhân tấn công tình dục ước tính tác động đến gần 25 triệu người ở Mỹ, cũng như đem lại quyền lợi chính đáng cho 1,3 tỷ nạn nhân trên toàn thế giới. 

Liên Hợp Quốc năm 2022 cũng thông qua nghị quyết lên án mọi hình thức bạo lực tình dục và hối thúc các quốc gia hỗ trợ nạn nhân trong quá trình tìm kiếm công lý.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, năm 2017, Amanda được tạp chí Forbes xếp vào danh sách "30 người dưới 30 tuổi có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới". Năm 2019, cô đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình. Năm 2022, tạp chí TIME đưa cô vào danh sách Phụ nữ của năm.

Amanda Nguyen chia sẻ rằng động lực để cô đấu tranh không phải là nỗi giận dữ mà là niềm hy vọng. Một trong những thông điệp mà cô muốn lan tỏa là bất cứ ai đều có thể thay đổi thế giới, cho dù họ đang ở hoàn cảnh khó khăn hay như nào.

"Bạn hoàn toàn có thể tạo nên sự khác biệt trên thế giới. Bất kể bạn là ai, bạn ở đâu, bạn có nguồn lực gì, bạn đều có thể bắt đầu từ con số 0 trong ngân hàng. Và bạn hoàn toàn có thể viết ra những luật này. Bạn có thể tự viết chúng mà không cần phải là một luật sư", cô chia sẻ.

(Tổng hợp)