Tại Nhật Bản, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải trực tiếp trao giấy chứng nhận đầu tư dự án cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam.

Trao đổi với VietNamNet về sự ra đời cũng như ý nghĩa của dự án này đối với sự phát triển của tỉnh Thái Bình nói riêng và của Việt Nam nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, việc tiến tới ký kết để cấp giấy chứng nhận đầu tư và công nhận chủ đầu tư đối với tổ hợp 3 nhà đầu tư này là quá trình khá là dài.

Hợp tác với công ty hàng đầu của Nhật Bản

Vì sao Thái Bình lại chọn liên doanh 3 nhà đầu tư gồm: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam để triển khai dự án này, thưa ông?

Trong quá trình nghiên cứu các phương án khả thi của dự án này, nhiều công ty lớn trong và ngoài nước rất quan tâm cùng tham gia nghiên cứu với tỉnh và có những kết quả, đề xuất với Viện Chiến lược Bộ Công thương. Qua đó Bộ Công thương xem xét lấy ý kiến các bộ ngành, thống nhất đưa dự án này vào quy hoạch điện 8.

Trong quá trình nghiên cứu đó, cùng với quá trình xét duyệt quy hoạch điện 8, cả 3 nhà đầu tư này là những đơn vị đầu tiên đề xuất dự án điện khí LNG với các thông tin rất cụ thể, khả thi.

ngodonghai.jpg
Ngày 16/12, tại Tokyo - Nhật Bản, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải trực tiếp trao giấy chứng nhận đầu tư dự án điện khí LNG trị giá 1,99 tỷ USD cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Cũng có một số nhà đầu tư khác đề xuất tham gia vào dự án, tuy nhiên các đề xuất của họ không đầy đủ, rõ ràng, tính khả thi thuyết phục chưa cao vì sự chuẩn bị chưa kỹ lưỡng.

Vì vậy chúng tôi chọn tổ hợp 3 nhà đầu tư này. Các công ty này đều có năng lực, tiềm lực về tài chính, có bí quyết, sở hữu công nghệ hiện đại, đặc biệt là họ có năng lực rất tốt và có kinh nghiệm đã đầu tư ở nhiều nước trên thế giới.

Trong đó, Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden đều là những công ty hàng đầu của Nhật Bản có các hệ thống nhà máy nhiệt điện nói chung, trong đó có nhà máy nhiệt điện khí và các kho nhập khí và hệ thống nhập, phân phối khí hàng đầu của Nhật Bản.

Cả 3 nhà đầu tư này đều tham gia đầu tư ở Việt Nam nhiều dự án khác nhau. Như Tokyo gas đã đầu tư tại TP.HCM, Quảng Ninh. Trường Thành Việt Nam cũng là một nhà đầu tư đã có những nhà máy điện mặt trời, điện gió được cấp phép đầu tư ở Việt Nam.

Vì vậy, khi 3 nhà đầu tư này liên doanh với nhau thì xét về mặt năng lực, tiềm lực, điều kiện, kinh nghiệm thì hoàn toàn đáp ứng.

Trong quá trình xem xét đầu tư, căn cứ vào các quy định pháp luật, tỉnh cũng đã rất thận trọng để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành phê duyệt hàng loạt các quy hoạch liên quan. Các cơ quan đã lấy ý kiến các bộ ngành, được các bộ ngành cho ý kiến và ủng hộ.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã quyết định cấp chủ trương đầu tư và công nhận đầu tư đối với 3 nhà đầu tư này.

Dự án này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung, thưa ông?

Việc thu hút được dự án này là một quá trình chuẩn bị rất dài hơi, từ khâu đề xuất đưa vào quy hoạch, đến duyệt, xem xét nhà đầu tư, cho đến việc tham mưu hoàn thiện quy định pháp luật, nhất là các quy hoạch liên quan.

Điều đáng mừng là việc cấp phép đầu tư dự án này đúng vào dịp Thủ tướng sang Nhật Bản dự 50 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao ASEAN – Nhật Bản.

Việc công bố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này được công bố tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản trước sự chứng kiến của Thủ tướng cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành và các đối tác của hai nước là một đóng góp vào thành công chung của diễn đàn cũng như chuyến công tác đến Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đây cũng là dịp khẳng định thành quả của quá trình hợp tác về mặt kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, trong đó có phần nỗ lực vươn lên của tỉnh Thái Bình trong việc kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.

Dự án này là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay, nằm trong xu hướng phát triển bứt phá, mạnh mẽ của tỉnh Thái Bình.

Ngoài việc góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao quy mô kinh tế của tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp vào chuyển đổi kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo sức bật thu hút đầu tư của tỉnh, đây còn là dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp rất lớn vào an ninh năng lượng quốc gia.

Tạo không gian kinh tế giảm phát thải ròng, hướng tới zero carbon

Vậy mục tiêu mà mà Thái Bình hướng đến khi thực hiện dự án điện khí LNG là gì và ông kỳ vọng như thế nào vào dự án này?

Trong điều kiện chúng ta phát triển nhanh thì dự báo nhu cầu về điện cho những năm tới đây rất lớn. Đồng thời tiếp nối chủ trương của Chính phủ là xây dựng “Thái Bình trở thành trung tâm nhiệt điện quốc gia”, trước đây là 2 nhà máy điện than thì bây giờ giờ chúng tôi chuyển sang điện khí LNG.

ngodonghai 5.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải

Tầm nhìn xa hơn mà tỉnh Thái Bình mong muốn, bước đầu dự án được cấp phép 1.500 MW nhưng phải xác định từ bây giờ là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, sớm đưa vào hoạt động, đồng thời tham mưu Chính phủ tiếp tục cho mở rộng công suất lên 3.000 MW, thậm chí 4.500 MW để đổi mới cơ cấu nền kinh tế. Nhưng quan trọng hơn là Thái Bình muốn trở thành cứ điểm sản xuất năng lượng sạch, giảm phát thải và hướng tới zero carbon.

Sau khi Thủ tướng phê duyệt Khu kinh tế Thái Bình, chỉ trong gian rất ngắn Thái Bình đã thần tốc hình thành nên Khu Công nghiệp Liên Hà Thái. Chỉ trong 2 năm, tỉnh vừa giải phóng mặt bằng được 600ha, vừa xây dựng hạ tầng, vừa thu hút đầu tư được 440 triệu USD.

Với cách làm linh hoạt trong xúc tiến thu hút đầu tư, mạnh dạn tiếp cận với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là những nước có công nghệ tiên tiến hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả một số nước ở châu Âu, trong 3 năm trở lại đây, thu hút đầu tư của Thái Bình đã bứt phá mạnh mẽ.

Riêng 2023, nếu không kể dự án điện LNG này, thu hút đầu tư nước ngoài của Thái Bình vượt mốc 1 tỷ USD,  lũy kế trong 3 năm được hơn 4,5 tỷ USD.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải

Thái Bình cũng được đưa vào Quy hoạch điện 8, quy hoạch các khu vực trang trại điện gió công suất lớn ở ngoài khơi.

Đồng thời, Thủ tướng đã chỉ đạo Thái Bình phải có định hướng phát triển không gian mới ở ngoài biển. Với đặc điểm biển nông, biển bồi là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh xây dựng phương án quy hoạch phát triển không gian mới ngoài biển. Hiện tỉnh đang tích cực hoàn thành quy hoạch để trình Thủ tướng phê duyệt.

Tỉnh định hướng cùng với dự án điện khí LNG, dự án nhập khí nổi và dự án điện gió ngoài khơi sẽ được xem xét cấp phép chủ trương đầu tư, chọn nhà đầu tư tới đây kết hợp lại sẽ đủ điều kiện để cung cấp năng lượng xanh, năng lượng sạch cho khu kinh tế mới, hình thành khu kinh tế tổng hợp hướng tới giảm phát thải zero carbon.

Chúng tôi đã làm việc với Tokyo gas, trong đó  có đưa ra định hướng ngay từ đầu không chỉ đầu tư công suất 1.500MW mà phải có phương án mở rộng và sẵn sàng thực hiện theo định hướng giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại COP26. 

Đồng thời nhà đầu tư phải sẵn sàng kết hợp với các dự án điện gió để tạo thành nguồn năng lượng zero carbon, nguồn năng lượng sạch, năng lượng xanh cung cấp cho khu kinh tế mới mà tỉnh đang quy hoạch.

Nếu hiện thực hóa ý tưởng đó, chúng ta sẽ có không gian kinh tế giảm phát thải ròng, hướng tới zero carbon, phù hợp với xu thế phát triển để thu hút các nhà đầu tư thế giới về đây. Khi đó, vùng biển Thái Bình sẽ hình thành nên không gian kinh tế mới của cả khu vực chứ không riêng gì cho tỉnh.

Tức là dự án nhà máy điện khí LNG chính là một mũi tên bắn trúng nhiều đích của Thái Bình, thưa ông?

Chính xác là như vậy.

Trước đây tỉnh đã có một số dự án nhà máy nhiệt điện gặp nhiều vướng mắc về thủ tục dẫn đến bị chậm trễ kéo dài, thậm chí phải “đắp chiếu” trong thời gian khá lâu. Vậy với dự án điện khí LNG lần này, tỉnh đưa ra những giải pháp gì để tránh “vết xe đổ” của các dự án trước?

Trong quá trình làm việc với Tokyo gas, tôi đã trao đổi với phía bạn phải tập trung ngay hoàn thiện thủ tục pháp lý đầu tư ở các bước tiếp theo, xây dựng dự án tiền khả thi, làm tốt đánh giá tác động môi trường, các phương án về mặt kỹ thuật và những điều kiện khác theo quy định pháp luật như phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa thảm họa…

Tỉnh đã có quá trình chuẩn bị, để khi dự án được phê duyệt thì bắt tay vào giải phóng mặt bằng ngay. Tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hoàn thiện quy định pháp luật và khẩn trương phê duyệt dự án để triển khai sớm nhất.

Phía nhà đầu tư họ cũng cam kết dành nguồn lực tối đa để làm nhanh và cùng nhau cam kết sẽ bắt tay khởi công xây dựng vào quý 3/2025 và hoàn thành, phát điện thương mại trước năm 2030 theo đúng tiến độ Thủ tướng yêu cầu.

Nếu làm được những điều này sẽ tránh được tình trạng dự án bị chậm trễ, kéo dài so với tiến độ đề ra như các dự án điện trước đây.

Tôi cũng thông tin thêm, Tokyo gas trong mấy năm gần đây hoạt động kinh doanh rất tốt nên họ có nguồn lực rất mạnh và họ đã chuẩn bị cả về nhân lực, nguồn lực để sẵn sàng thực hiện dự án này. 

Tập đoàn Tokyo Gas được thành lập năm 1885, là một trong những nhà cung cấp khí hóa lỏng (LNG) an toàn hàng đầu thế giới. Tập đoàn đang cung cấp khí cho 13 triệu khách hàng tại nhiều thành phố lớn ở Nhật Bản như Tokyo, Kanagawa, Chiba…

Tokyo Gas có nguồn LNG ổn định, đã tham gia góp vốn vào các dự án sản xuất LNG tại Mozambique, Canada và Vịnh Mexico (Mỹ).

Ông Shinichi Sasayama, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tokyo gas khẳng định hiện nay, tập đoàn cũng có các nhà máy công suất 3.000MW. Tập đoàn đã mời các chuyên gia Việt Nam qua Nhật Bản để tham quan và chuyển giao công nghệ. Vì vậy khi nhà máy bắt đầu hoạt động sẽ bảo đảm nguồn nhân lực.

Hiện nay Tập đoàn cũng có những nhà máy, cảng để nhập và phân khối khí nên chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu mà tỉnh Thái Bình đặt ra với dự án LNG.