Để tăng cường hợp tác văn hóa giữa Việt Nam – Italy và hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023), Golden Heritage phối hợp cùng Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Rome và ICHAM tổ chức dự án Áo dài Heritage - The Culture of tình thương (Áo dài di sản - văn hoá của tình thương).
Dự án nhằm thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ý trong ngành thiết kế thời trang thông qua sự hợp tác của các nhà thiết kế thời trang Ý và Việt Nam để đưa di sản áo dài Việt Nam vào đời sống thời trang quốc tế và ngược lại là đưa tinh hoa công nghệ quốc tế của Ý vào tà áo dài truyền thống Việt Nam, từ đó hình thành giá trị mới dựa trên giá trị dân tộc và sức mạnh của thời đại. NTK Elena đã có những chia sẻ với VietNamNet xung quanh dự án ý nghĩa này.
- Chị đã có một hành trình đến Việt Nam, với tư cách là một nhà thiết kế thời trang quốc tế, chị cảm nhận thế nào về đất nước và con người Việt Nam?
Tôi rất ngạc nhiên và cũng rất vui mừng. Khám phá Việt Nam thật sự là một món quà quý giá. Đối với tôi, là một người sáng tạo và làm công việc cần sự sáng tạo, được tiếp xúc với truyền thống và nền văn hóa của những dân tộc hào phóng và giàu lịch sử như vậy là một đặc ân lớn. Người Việt Nam rất thân thiện, mến khách và hơn hết là hào phóng. Họ có sự tôn trọng lớn với lịch sử và các giá trị văn hóa của mình.
- Chị đã làm việc tại Hà Nội và Huế để tìm hiểu về áo dài và mặc lên người tà áo dài của Việt Nam. Chị cảm nhận thế nào về chiếc áo dài Việt Nam?
Mặc chiếc áo dài truyền thống với những ý nghĩa mà áo dài truyền tải là một điều không thể diễn tả bằng lời... Đó là một trang phục có tiêu chuẩn khắt khe (từ hình dáng đến những ý nghĩa, đặc điểm mà áo dài thể hiện) nhưng đồng thời vẫn rất thanh lịch. Dù vẫn còn ít được biết đến trên thế giới, áo dài vẫn chắc chắn là một trang phục thuộc lĩnh vực nghệ thuật dân gian của đất nước. Đó là trang phục được mặc bởi các hoàng đế và hoàng hậu và áo dài cũng khiến tôi cảm thấy mình quan trọng khi mặc nó.
- Việc thiết kế chiếc áo dài Việt Nam và sản xuất ở Ý bởi các nhà thiết kế Ý thì có điều gì làm chị cảm thấy thú vị?
Tôi có một nhiệm vụ rất quan trọng. Chúng ta cần tôn trọng tà áo dài truyền thống ở đường nét, chi tiết mà hàm chứa ý nghĩa tinh thần và chúng ta cần khiến áo dài mang tính quốc tế, thời trang hơn. Tôi nghĩ tôi sẽ thay đổi một chút, biến áo dài thành một trang phục phù hợp với mọi nhu cầu, từ nghi lễ đến phong cách sống thường ngày, phù hợp với cơ thể và phong cách của bất kỳ phụ nữ nào sẽ mặc nó.
- Chị có chia sẻ điều gì khi làm việc với các nhà thiết kế Việt Nam?
Làm việc với một nhà thiết kế Việt Nam, trong trường hợp này, hoặc từ bất kỳ quốc gia nào khác, giúp tôi học hỏi nhiều hơn, không chỉ từ quan điểm văn hóa mà còn ở khía cạnh kỹ thuật trong thời trang. Thời trang không chỉ là một bộ trang phục đẹp. Thời trang là hiểu những gì ẩn sau bộ trang phục đó và tạo ra nó theo những tiêu chuẩn không chỉ của trí tưởng tượng mà trên tất cả là trí tuệ. Sự so sánh, trao đổi, hợp tác giữa hai nhà thiết kế luôn là yếu tố thuận lợi thúc đẩy tạo ra những sự sáng tạo tuyệt vời.
- Chị có gửi gắm gì đến bạn bè Việt Nam và thế giới khi tham gia cuộc hành trình này?
Tôi hy vọng rằng bất cứ ai may mắn, có cơ hội đến thăm những nơi này và tiếp xúc gần gũi với người dân sẽ có thể hiểu được tính cách và con người nơi đây. Mỗi người trong số họ đều có một câu chuyện để kể và một quá khứ mà họ muốn bảo vệ. Tôi sẽ làm cho những nét truyền thống ấy được biết đến nhiều hơn, thể hiện chúng trên tà áo dài cách tân bằng cách biến chúng thành thời trang và biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật đương đại.