Từ ngày 27/4 tới nay, Việt Nam đã có hơn 15.000 ca Covid-19 trong nước, gấp 10 lần số ca bệnh suốt 1 năm trước đó. Riêng số ca bệnh trong 2 tháng qua ở TP.HCM là hơn 5.000 ca.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nguyên nhân khiến dịch tại thành phố lần này lây nhanh, lâu kết thúc là biến chủng Delta.
“Nếu biến chủng cũ có thể lây cho 2-4 người, biến chủng Alpha có thể lây đến 7 người thì Delta có thể lây nhiễm nhiều hơn Alpha từ 40-60%”, ông Bỉnh nhận định.
Nhiều nước châu Á cũng gặp khó khăn tương tự Việt Nam do sự bùng phát của biến thể Delta. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa chủng virus nCoV này vào danh sách biến thể đáng lo ngại do khả năng lây lan và kháng lại vắc xin ở một mức độ nhất định.
Bởi vậy, một số quốc gia phải áp dụng các biện pháp phòng chống nghiêm ngặt và những nước khác đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.
Người dân đi tập thể thao ở Seoul (Hàn Quốc)
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, đã lây lan sang khoảng 100 quốc gia. Gần đây, WHO cảnh báo chủng Delta có thể sớm trở thành dòng virus SARS-CoV-2 thống trị.
Chủng virus trên cũng góp phần làm gia tăng số ca bệnh ở Nhật Bản, nguy cơ ảnh hưởng tới Olympic Games sẽ diễn ra vào tháng 7.
Hiện tại, gần 1/3 số ca Covid-19 ở miền đông Nhật Bản (bao gồm cả Thủ đô Tokyo) nhiễm biến thể Delta. Con số trên có thể lên tới 50% vào giữa tháng 7.
Tokyo và ba vùng lân cận nằm trong số các khu vực được đặt trong tình trạng khẩn cấp khiến các quan chức nghiêng về phương án giữ nguyên một số hạn chế.
Thống đốc Tokyo, Yuriko Koike, cho hay, áp dụng lệnh không mở cửa cho khán giả đến xem Thế vận hội là một lựa chọn nếu tình hình dịch Covid-19 trở nên phức tạp. Hiện tại, khoảng 20% dân số Nhật đã tiêm ít nhất một liều vắc xin.
Tại Hàn Quốc, các quan chức cho biết số ca nhiễm mới mỗi ngày đã lên đến 800 người, cao nhất trong gần 6 tháng. Nhà chức trách ở Seoul đã trì hoãn các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Khoảng 20 triệu liều vắc xin đã được tiêm cho người dân xứ Hàn.
Chun Eun-mi, chuyên gia về bệnh hô hấp tại Trung tâm Y tế Đại học Ewha, cho biết: “Biến thể Delta là một chủng được tối ưu hóa để lây truyền trên diện rộng”.
“Tình hình ở Indonesia, Ấn Độ và Anh cho thấy không chỉ Hàn Quốc mà nhiều quốc gia khác cần phải suy nghĩ lại về chiến lược vắc xin và kế hoạch mở cửa”.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp cho đến ngày 20/7 để ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca Covid-19.
Tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng kể từ khi đạt mức đỉnh điểm 400.000 ca/ngày vào tháng 5 sau khi Chính phủ tập trung vào việc tiêm chủng hàng loạt.
Ở châu Á, phần lớn các tuyến du lịch quốc tế bị đình trệ. Trường hợp ngoại lệ là đảo du lịch Phuket của Thái Lan, vừa mở cửa cho du khách đã tiêm phòng đầy đủ.
Tuy nhiên, ngày 2/7, Thái Lan ghi nhận ngày thứ ba liên tiếp có số ca tử vong vì Covid-19 kỷ lục. Biến thể Alpha, được phát hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh, vẫn là biến thể thống trị ở đây. Dù vậy, các nhà chức trách cho biết, họ nhận định biến thể Delta sẽ chiếm ưu thế trong vài tháng tới.
"Ở Bangkok, trong tháng này hoặc tháng tới, 40% ca bệnh sẽ mang biến thể Delta", Kumnuan Ungchusak, cố vấn của Bộ Y tế, cho biết.
An Yên (Theo Reuters)
Chủng Delta là biến thể nCoV lây lan nhanh nhất
Tổ chức Y tế Thế giới nhận định chủng virus Delta, ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ, là biến thể dễ lây truyền nhất.