Các nhà khoa học đã và đang giữ vai trò không thể thiếu được trong công cuộc chống Biến đổi khí hậu toàn cầu của nhân loại hiện nay. Bên cạnh những công trình nghiên cứu công phu và đóng góp khoa học có giá trị còn có, đôi khi, là tiếng cười hài hước mang ý nghĩa nào đó của “khoa học viễn tưởng”.
Tại Hội nghị G20 ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 15/11/2015, các đại biểu mặc niệm các nạn nhân vụ khủng bố tại Paris. |
Chỉ còn 2 tuần đến ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Biến đổi khí hậu COP21, chủ nhà Paris vừa ngổn ngang khắc phục và tiếp tục chống đỡ các vụ khủng bố kinh hoàng đang xảy ra, vừa bề bộn công việc chuẩn bị Hội nghị.
Ngay trong giới khoa học, cũng ngổn ngang, cũng bề bộn về các biện pháp chống biến đổi khí hậu bao gồm giảm lượng phát thải nhà khi nhà kính CO2 nhằm đạt được mục tiêu nhiệt độ của trái đất không tăng quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ.
Chung tay bảo vệ Trái Đất chúng ta. Ảnh: Nguồn “tainguyen&moitruong.vn” |
Giữa những căng thẳng và lo toan, bên cạnh các kết quả tính toán và thí nghiệm căng thẳng “nghiêm túc” trong thí nghiệm hay ngoài hiện trường, đôi khi cũng lóe ra những chớp sáng mang tính “khoa học viễn tưởng” giúp con người điều khiển được khí hậu. Câu chuyện đùa… nhưng đôi lúc bật lên từ nội dung có thực.
Sau đây là các “sáng kiến” cưỡng lại đà hâm nóng trái đất được giới thiệu trên Phụ trang Khoa học và Y tế của Le Monde.
Sáng kiến 1: Nghiền núi đá thành bột hút carbon C
“Sáng kiến” này đi từ nhận xét cơ bản sau đây: Trái đất ấm lên vì lượng khí carbon do các hoạt động của con người thải ra. Một trong những biện pháp để giảm lượng CO2 trong khí quyển dựa trên nguyên tắc “nghiền các vách núi đá để tăng tốc độ hút khí carbon”.
Như giới thiệu trên báo Le Monde, chuyên gia về biến đổi khí hậu Elmar Krieger thuộc Viện nghiên cứu Potsdam của Đức lưu ý rằng, núi đá hút lượng carbon là một quá trình tự nhiên, nhưng thời gian kéo dài dễ đến cả trên hàng ngàn thế kỷ.
Vì vậy, con người “cần phải can thiệp” để làm tăng tốc độ hút CO2 bằng cách nghiền nát thành bột những loại đá có sức hút carbon cao. Chẳng hạn như là vách đá thuộc dòng Ôlivin, có màu xanh của quả ô liu, hay đá basan. Theo các nhà nghiên cứu ở Potsdam, nếu đá được nghiền nhuyễn và bột đá được trải trên cánh đồng, lúc đó nhờ có độ ẩm, khí carbon sẽ được nhanh chóng hấp thụ.
Ngoài ra, biện pháp này, theo ông Krieger, còn có một lợi thế khác; đó là sẽ giúp cho đồng ruộng thêm phì nhiêu, vì bột đá sẽ là những loại phân bón tự nhiên lại được bồi đắp thêm “chất than” cho đất đai.
Giải pháp đưa ra dù đang trong ý tưởng và có vẻ như hợp lý. Nhưng trong thực tế giải pháp này hiện đang vấp phải ít nhất hai trở ngại: Chúng ta cần bao nhiêu năng lượng để nghiền vách đá thành bột? Riêng đá Ôlivin, có hàm độ kim loại nặng khá lớn, mà tới nay các nhà khoa học chưa thể bảo đảm rằng, một khi được ngấm vào đất, vào các mạch nước ngầm, những thứ kim loại độc hại sẽ không ngấm luôn cả vào các loại hoa mầu … để rồi những chất độc hại như thủy ngân hay chì sẽ ít nhiều hấp thụ trong cơ thể con người.
Suy luận vậy đúng hay không đúng, phải làm thí nghiệm mới biết được.
Sáng kiến 2: “Quản lý” ánh sáng mặt trời
Một sáng kiến khác cũng được giới thiệu trên báo Le Monde. Theo báo này, hướng nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Climatic Change năm 2006. Theo đó, nhà khoa học Paul Crutzen gợi ý dùng phương phát phóng chất lưu huỳnh (soufre) vào khí quyển, để tạo nên một “chiếc dù che bớt nắng” cho Trái đất. Biện pháp này nhằm giảm khối lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào trái đất, hâm nóng hành tinh của chúng ta trong lúc nhân loại ngày càng thải nhiều khí CO2 giữ nhiệt “cho” bầu khí quyển bao quanh Trái đất.
Trước mắt để đạt được mục tiêu đề ra, các nhà khoa học phải vượt qua khá nhiều thử thách: Một là phải bắn được lên bầu khí quyển hàng triệu tấn lưu huỳnh và hai là phải bảo đảm được rằng, những hạt bụi siêu nhỏ có chất sulfate đó không rơi trở lại xuống đầu chúng ta. Theo thẩm định của Viện nghiên cứu về môi trường và khí tượng Max Planck ở Hambourg (nước Đức) cho thấy: để giữ nhiệt độ của Trái đất ở mức của năm 2020, trong tương lai, mỗi năm thế giới cần huy động đến 45 triệu tấn chất lưu huỳnh. Đây là một khối lượng lớn gấp 5 lần so lượng từng được núi lửa Philippines Pinatubo phun ra vào năm 1991. Câu hỏi đặt ra là tìm đâu và trong bao lâu để có được lượng chất lưu huỳnh “khủng” như vậy !?
Câu chuyện không dừng ở đó. Cũng theo báo Le Monde, các “chuyên gia” về khí hậu trên thế giới hình như có một nguồn cảm hứng vô tận nên mới có một số đề nghị phun nước biển lên không trung để làm hạ nhiệt trái đất, tương tự như khi một bệnh nhân bị sốt cao, bác sĩ khuyên tạt nước vào người để giảm sốt. Ôi! Liệu ‘các bác siêu khoa học” này đã tính, trong trường hợp tất cả nhân loại “ra quân” liệu có làm hạ nhiệt trái đất được không và tối đa hạ được bao nhiêu độ hay bao nhiêu phần mười hay phần trăm độ ?!
Cùng với sáng kiến “phun nước biển”, lại cũng có những tiếng nói đùa - đề nghị dùng những tấm kính, hất trả lại ông mặt trời một chút nắng ấm !…
Ngược lại các kết quả nghiên cứu “khoa học viễn tưởng” trên đây, theo trích dẫn của Le Monde, nhà nghiên cứu về khí hậu ở Đại học New Jersey- New York, Hoa Kỳ, giáo sư Alan Robock cho rằng tất cả những tính toán của con người để “điều khiển” khí hậu, để làm chủ được lượng ánh sáng mặt trời chiếu vào trái đất … đều vô nghĩa nếu nhân loại không giảm được lượng thải khí CO2.
Bởi vì hiện tượng trái đất bị hâm nóng không là mối đe dọa duy nhất đối với hành tinh. Biển cả và đại dương cũng đang ngạt thở vì lượng carbon đã quá tải. Theo tính toán của nhà khoa học người Mỹ này, để từ nay đến cuối thế kỷ, nhiệt độ của trái đất không tăng quá 2°C, con người phải có chiếc đũa thần để “cất giấu” được từ 300 đến 700 tỷ tấn CO2 …
Nói cách khác, các nhà khoa học chưa có “phép lạ” cho nhân loại; không chỉ giảm nhiệt độ trái đất mà còn giảm phát thải khí nhà kính tai hại cho môi trường sống.
Đúng là các sáng kiến khoa học “viễn tưởng” trên đây chỉ mới khơi mào cho hành trình “vác đá vá trời” của con người.
Minh Trần